Thường sau khi đến thăm và cùng chúng tôi bàn bạc về tình hình thế sự, về công việc hội hè, anh cùng chúng tôi “chén chú, chén anh” trong một bữa cơm đạm bạc thân tình, xong anh lại sắp xếp đi thăm bà con, bạn bè và sau đó gặp gỡ làm việc với các hội thành viên, khi ở miền Đông, khi ở miền Trung, khi ở Cà Mau - vùng đất xa xôi cuối cùng của tổ quốc.
Do chuyện ra vào của anh đã thành lệ, nên lâu lâu không thấy anh vào TPHCM, tôi đâm nhớ và gọi điện thoại mời anh.
Năm 2002, việc vào, ra của anh có phần thưa thớt.
Khoảng cuối năm 2002, tôi có điện mời anh và chị vào chơi và nếu được thì ăn Tết trong này, anh vui vẻ trả lời sẽ vào sau Tết, nhân dịp Hội nghị Ủy ban Toàn quốc lần thứ 3.
Khoảng trung tuần tháng 2-2003, gần đến ngày hội nghị, anh Trần Hoàn, chị Giáng Hương đã vào, các anh chị trong đoàn chủ tịch và các đại biểu đã về đông đủ đang mong chờ anh, thì được tin anh Nguyễn Đình Thi lâm bệnh đột xuất phải vào bệnh viện.
Ở tuổi gần 80, vào ra bệnh viện cũng là chuyện bình thường. Nhưng sau đó, tôi nghe tin bệnh anh mỗi ngày thêm nặng.
Tôi điện thoại đến nhà anh thăm hỏi, nhưng buổi sáng không có ai trả lời, tôi gọi vào buổi trưa, buổi chiều rồi buổi tối cũng chỉ nghe chuông điện thoại reo dài trong trống vắng.
Hỏi anh Trần Hoàn mới biết là cả nhà anh đã vào bệnh viện.
Tôi bắt đầu thấy bệnh tình anh là nghiêm trọng. Rồi những tin không vui dồn dập bay về gây bao nhiêu lo lắng, nghĩ rằng chuyện đau buồn có thể xảy ra.
Tuy có nghĩ đến ngày chia ly tử biệt, nhưng khi được tin anh ra đi tôi vẫn thấy đột ngột bàng hoàng.
Anh Nguyễn Đình Thi! Anh đã ra đi thật rồi sao? Anh Nguyễn Đình Thi! Một nhà thơ tài năng mà tôi kính phục, một người anh mà tôi quý mến, tuy mỗi lần tặng sách cho tôi anh đề là “bạn thơ” nhưng đối với tôi, anh vẫn là một người anh, một người đi trước, một nhà văn mà tôi quý trọng vô cùng.
Anh là một tài năng nhiều mặt, anh viết nhạc, làm thơ, viết văn, viết kịch, viết lý luận phê bình và trên mỗi lĩnh vực, ngòi bút anh đều long lanh tỏa sáng. Viết về cuộc đời, tài năng, sự nghiệp của anh đã có và sẽ có thêm nhiều quyển sách.
Riêng tôi, tôi chiêm nghiệm mãi một điều: Tuy tôi tham gia chiến đấu từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp, nhưng khi tôi đang làm liên lạc bộ đội, đang gò lưng chèo thuyền rong ruổi trên các sông rạch chằng chịt miền Tây thì anh Nguyễn Đình Thi, chỉ lớn hơn tôi 4 tuổi, đã đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được cử vào Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam và sau đó được bầu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Dự thảo hiến pháp. Năm ấy anh vừa 22 tuổi.
Anh quả thật là một nhân vật tài năng, một đóa hoa thơm sớm nở, một ngôi sao xanh tỏa sáng quê hương, xứng đáng cho người đời quý trọng.
Anh ra đi nhẹ nhàng như một làn gió thoảng, như một áng mây bay, một cánh phượng về trời. Anh ra đi để lại cho gia đình, anh em, bạn bè, đồng chí, giới văn học nghệ thuật chúng tôi biết bao niềm tiếc thương, đau xót.
Riêng tôi, trong nỗi buồn trống vắng, chiều chiều tôi lại nhìn áng mây bay, nhớ thương một cánh phượng về trời...
Bình luận (0)