Phản văn hóa hay yếu văn hóa?
Gần như ngay lập tức, clip của Thủy Tiên nhận được hàng trăm bình luận chỉ trích gay gắt về những gì cô thể hiện trong video ca nhạc của mình. Nếu nói rằng gần đây dư luận đã cởi mở hơn với vấn đề chấp nhận nghệ sĩ được hở hang, gợi cảm khi xuất hiện thì với clip của Thủy Tiên, mọi thứ cần được nhìn nhận cẩn thận. Đặc biệt là khi Thủy Tiên hở hang uốn éo giữa một bên là bức tượng thể hiện tình dân quân, một bên là bức thể hiện sự đoàn kết đấu tranh, thì đã vượt quá xa những giới hạn về văn hóa.
Hình ảnh trong video clip quay tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM của Thủy Tiên.
Có lẽ, ekip làm clip này cho Thủy Tiên muốn tạo ra một hiệu ứng mang tính tương phản giữa cái cũ với cái mới, giữa cái truyền thống và hiện đại, giữa giá trị tôn nghiêm với chuyện đời sống riêng tư của cá nhân, để tạo sức hút về phía công chúng. Nhưng kết quả lại không như dự tính, bởi cả Thủy Tiên và ekip của mình đã không phân biệt cái gì mang giá trị truyền thống cần phải tôn trọng tuyệt đối và cái gì là sự giải trí đơn thuần. Anh Việt Cường - một lập trình viên nhận xét: “Nếu nói đây là hiện tượng phản văn hóa thì chưa chính xác.
Bởi phản văn hóa là việc đi ngược lại những chuẩn mực văn hóa đã được xã hội công nhận. Và đó là 1 việc làm ý thức. Nhưng tôi thấy clip của Thủy Tiên được quay rất hồn nhiên, giống như không hề biết đó là một sự “phạm húy” với những giá trị truyền thống. Cái này có thể do cả ekip thực hiện và ca sĩ Thủy Tiên thiếu đi cái văn hóa cần thiết để nhận thức điều đó".
Có thể nói, vấn đề yếu văn hóa nền của những người làm nghệ thuật tự gắn cho mình những cái mác độc đáo, cá tính và tươi trẻ đang để lại cho khán giả những sản phẩm rất khó chấp nhận. Theo bình luận của những người xem qua clip của Thủy Tiên, thì đó là một sự “nhai lại” sản phẩm của những ngôi sao đình đám trên thế giới như Lady Gaga hay Britney Spears. Và đáng tiếc trong khi du nhập và chế biến ý tưởng của những ca sĩ đó, ekip của Thủy Tiên đã quên mất sự khác biệt về văn hóa Á-Âu. Điều này được nhìn thấy nhan nhản trong hầu hết những clip ca nhạc gần đây của các ca sĩ trẻ. Nếu không bắt chước châu Âu, Mỹ thì lại quay về bắt chước Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là làm sao Thủy Tiên và ekip của mình có thể lọt được vào một bảo tàng vốn được biết là khó tính để quay và dựng nên một clip ca nhạc như vậy? Một nghệ sĩ điêu khắc giấu tên nhận xét: “Ở bảo tàng Mỹ thuật người ta quy định không được chụp hình với đèn flash vì nguồn sáng đó có thể làm ảnh hưởng đến tác phẩm trưng bày. Vậy mà trong clip của Thủy Tiên, tôi thấy đèn công suất lớn rọi rất mạnh.
Có thể Thủy Tiên và ekip của cô giàu có về tiền bạc nhưng lại cạn ý tưởng nên mới muốn làm khác người. Tôi không nghĩ rằng ekip của Thủy Tiên lường được hiệu ứng ngược này từ phía dư luận, bởi nếu đủ tỉnh táo và khôn ngoan thì đã không làm như thế".
V-pop Việt những năm gần đây chứng kiến nhiều “thảm họa” mà phần lớn đều đến từ sự yếu kém về mặt nhận thức của người thực hiện. Trong cái giới hạn mong manh của sự “bình thường” và “bất thường” là những cám dỗ về cái gọi là độc đáo, ấn tượng mà nhiều nghệ sĩ trẻ ngày càng ngộ nhận nhiều hơn. Cùng với sự hỗ trợ từ phía những người biến công việc gìn giữ văn hóa thành công việc kinh doanh văn hóa, những hiện tượng như clip của ca sĩ Thủy Tiên mới chỉ là bắt đầu mà thôi.
Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM và các nghệ sĩ nói gì?
Ông Châu Phước Hiệp (Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM): Chúng tôi làm kỹ lắm!
Đúng rồi! Có! Cô ấy có đến đây quay. Chúng tôi vẫn làm các dịch vụ đó mà! Chúng tôi chỉ cho người ta quay các phông sau chứ không cho quay các tác phẩm vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng của tác phẩm. Chúng tôi chỉ cho quay các kiến trúc này nọ hay quay ngoài sân thôi chứ không cho quay tác phẩm. Bên này chúng tôi làm kỹ lắm!
Lần quay đó bên tôi có giám sát, có cán bộ trực giám sát đầy đủ. Còn chuyện phản cảm gì đó thì chúng tôi phải xem lại cái clip đó bởi sau khi quay người ta tung ra ngoài thì tôi cũng chưa biết. Lần đó họ cũng quay nhiều cái bên ngoài rồi bên trong. Tôi phải xem dư luận người ta đánh giá ra sao, để tôi nhìn cụ thể thực tế rồi phải họp ban giám đốc thì mới có thể trả lời được.
Bone Hồ (đạo diễn clip Em đã quên): Tôi không có quyền tiết lộ thông tin
Tôi không có quyền tiết lộ bất kỳ điều gì vì theo hợp đồng, từ ý tưởng đến những thông tin liên quan đến video clip này thuộc về phía Thủy Tiên nên không thể trả lời gì về phản ứng của dư luận.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Tôi trách đạo diễn!
Gì kỳ vậy!? Tôi nghĩ trước hết phải do cái nhìn của đạo diễn. Ngay cả hát ca khúc ngợi ca về người mẹ, người chiến sĩ thì ca sĩ cũng nên xem giai điệu, ca từ, nội dung như thế nào và chuyện ca sĩ ăn mặc, nhảy nhót ra sao thì tùy thuộc vào suy nghĩ, hiểu biết của từng ca sĩ. Còn đây là ca khúc nhạc trẻ do chính cô sáng tác được quay video clip thì phải xem lại vấn đề đạo diễn. Tôi không trách gì về cô đó mà tôi trách đạo diễn. Đạo diễn là người chọn cảnh mà.
Đạo diễn toàn quyền quyết định thì phải có suy nghĩ của mình chứ sao lại chọn cảnh như vậy được. Khi một cái clip bị cho là phản cảm thì lỗi ở người đạo diễn là trước tiên. Nếu đây là cái clip để cô ấy gây sốc thì khác nhưng ở đây anh là đạo diễn mà làm thế thì người ta sẽ phải đánh giá về trình độ, về khả năng nhìn nhận của anh.
Ca sĩ Mỹ Lệ: Tôi nghĩ lỗi ở Ban quản lý Bảo tàng Mỹ Thuật TPHCM
Nói thẳng ra thế này, thường khi quay clip thì đạo diễn và ca sĩ sẽ đi chọn cảnh để xem cảnh nào đẹp thì quay. Xưa nay tôi không quay cái clip nào ưỡn ẹo hay sexy nhưng biết đâu mai mốt mình cũng quay thì sao. Nhưng khi quay tôi sẽ chọn bối cảnh sao cho phù hợp, chắc chắn tôi sẽ nhìn xem xung quanh. Ví dụ như khi quay ca khúc về người mẹ nhưng khi tới bối cảnh thì thấy hai người đang lõa lồ hay đang hôn nhau hay kiểu gì sốc chẳng hạn thì không nên. Tốt nhất khi quay hay làm một điều gì cũng nên cẩn thận.
Tất nhiên đã giao cho người ta chọn cảnh rồi thì mình vẫn phải đi xem cái bối cảnh có phù hợp với bài hát hay không. Với góc độ của một ca sĩ, tôi nghĩ Thủy Tiên cũng không có ý gì nhưng không để ý, làm không kỹ. Tôi nghĩ không nên quy kết, quy chụp một người không có văn hóa nền. Thủy Tiên là một trong số không nhiều ca sĩ kiêm nhạc sĩ, tôi nghĩ tư duy về âm nhạc, phông văn hóa cô ấy có. Có thể chỉ vì cô ấy vô tình thôi.
Tôi nghĩ ca sĩ Thủy Tiên cũng không có ý định dèm pha hay thiếu tôn trọng gì ở những nơi như thế. Cái quan trọng là người cho thuê bảo tàng. Tôi đi quay nhiều lúc đâu phải dễ, người ta không cho quay thì mình cũng không thể quay được. Bảo tàng phải có người có trách nhiệm chứ. Thấy không được thì người ta phải cấm, không cho phép. Lẽ ra ở nơi như thế thì người ta phải hỏi quay cái gì, nội dung ca khúc ra sao. Nếu quay để ngợi ca truyền thống thì cho quay còn những chuyện yêu đương hay cái gì khác thì thôi. Ban quản lý bảo tàng đã không quản lý chặt.
Bình luận (0)