Bộ phim Dấu chân du mục (đang phát sóng trên VTV3) không chỉ gây chú ý về đề tài lạ (nghề du mục) mà còn thu hút khán giả bởi bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc của vùng đất Ninh Thuận. Những đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ, những cánh đồng muối trắng rộng lớn, vùng biển trời xanh ngắt…
Thấy thích thì làm
Đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết vào năm 2003, anh và bạn bè có dịp về Ninh Thuận, đi dọc bờ biển về hướng Tây để nghiên cứu viết về nạn phá cây cảnh. Anh thật sự ngẩn ngơ trước vẻ đẹp, lạ về cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. “Tôi đã tận mắt chứng kiến một bức tranh phong cảnh với những đàn cừu, đàn dê thong dong giữa đồng cỏ xanh mướt, những đứa trẻ du mục nô đùa, những cánh đồng muối trải dài, cánh đồng nho mượt mà, đồi hoa bằng lăng tím ngắt...” - đạo diễn Đinh Thái Thụy tâm sự.
Sau đó anh quyết định làm một bộ phim nói về nghề du mục lấy bối cảnh chính từ vùng đất nơi đây. “Phim mới chiếu được những tập đầu nên khán giả chỉ thấy một vùng đất khô cằn, hoang sơ. Nhưng bối cảnh phim sẽ hiện lên theo diễn biến câu chuyện. Khi đàn gia súc di cư từ biển vào hướng Tây cũng là lúc những cảnh sắc thiên nhiên như đồng cỏ, đồng nho, đồi hoa lần lượt được giới thiệu, chắc chắn sẽ làm mãn nhãn người xem” - đạo diễn Đinh Thái Thụy cho biết.
Cũng trong một lần về Ninh Thuận đóng phim, diễn viên Trung Dũng phát hiện nơi đây là một vùng đất đẹp nhưng hiếm khi được đưa vào phim ảnh. Anh nảy ra ý định làm phim điện ảnh, lấy bối cảnh chính ở Ninh Thuận với tựa đề Lạc giới. “Tại sao chúng ta có một nơi tuyệt đẹp như vậy mà không biết tận dụng để làm phim. Trong khi các nước trên thế giới, dù biển của họ không đẹp, không sạch nhưng qua phim ảnh, họ vẫn có thể quảng bá rộng rãi đến công chúng” - diễn viên Trung Dũng trăn trở. Sau khi trao đổi về ý tưởng, đạo diễn Phi Tiến Sơn đồng ý làm một bộ phim điện ảnh lấy bối cảnh vùng đất Ninh Thuận với sa mạc mênh mông, gió biển lồng lộng, những cánh đồng đẹp như tranh vẽ.
Đạo diễn Đinh Thái Thụy kể rằng khi phim Dấu chân du mục lên sóng, bạn bè, đồng nghiệp lẫn khán giả đã gọi điện cho anh trầm trồ khen cảnh trong phim đẹp và hỏi những cảnh quay đó được thực hiện cụ thể ở đâu của Ninh Thuận. “Điện ảnh có được lợi thế nhất định để mang các điểm du lịch đến gần với công chúng, có sức khơi gợi và lan tỏa. Tất nhiên đòi hỏi phim phải có một kịch bản hay, câu chuyện hấp dẫn, phù hợp với bối cảnh chứ không lồng ghép khiên cưỡng” - đạo diễn Đinh Thái Thụy nói.
Đã có rất nhiều phim Việt đưa hình ảnh những vùng đất, địa danh, thắng cảnh vào câu chuyện phim, như: Cố đô Hoa Lư, động Tam Cốc, Khu Du lịch Tràng An (Ninh Bình)… trong Thiên mệnh anh hùng; công trình thiên nhiên kỳ vĩ trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) trong Chuyện của Pao, Khu Du lịch sinh thái Ngọc Sương (Nha Trang) trong Những nụ hôn rực rỡ, Đà Lạt thơ mộng, trữ tình trong Dốc tình, khu Vinpearl trên đảo Hòn Tre - vịnh Nha Trang trong phim Chuyện tình đảo ngọc…
Cần có chiến lược
Trước đây, vịnh Hạ Long, Sài Gòn từng được khách thập phương về thăm khi bộ phim Đông Dương, Người tình, Người Mỹ trần lặng… được chiếu rộng rãi trên thế giới. Những năm gần đây, nhiều bộ phim Việt gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam tuy được đầu tư phát triển về số lượng, có chất lượng nhưng chưa được giới thiệu đến thế giới nhiều khiến ước mơ biến Việt Nam thành một “phim trường thiên nhiên” hấp dẫn các nhà làm phim quốc tế và du khách càng trở nên xa vời.
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam, nhìn nhận: “Từ rất lâu, Hàn Quốc đã có chiến lược dùng phim truyền hình để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực, thời trang và du lịch của họ ra khắp thế giới. Khi có cơ hội, họ chủ động ngồi lại để xem xét, quảng bá cách nào hiệu quả nhất”. Trong khi đó, Việt Nam đã làm, đang làm nhưng chỉ mang tính chất tự phát. “Ở nước ta, các đạo diễn đi tới một vùng đất đẹp mới nảy ra ý tưởng làm một bộ phim có câu chuyện gắn với bối cảnh đó. Họ chưa có ý thức chủ động quảng bá du lịch trong phim của mình” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói thêm. Thực tế này được đạo diễn Đinh Thái Thụy thừa nhận: “Tôi thấy câu chuyện về những người làm nghề du mục hay và hợp với bối cảnh ở đó nên thực hiện. Ngay từ đầu, tôi không có ý định quảng bá du lịch qua phim của mình”.
Bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cho rằng điện ảnh và du lịch bắt tay còn lỏng lẻo, chưa có sự khăng khít nên chưa tạo được sự cộng hưởng. “Quảng bá du lịch qua phim ảnh cần có chiến lược cụ thể, rõ ràng. Khi đó, các nhà làm phim, đạo diễn sẽ có ý thức hơn trong việc chủ động tận dụng quảng bá du lịch chứ không thể làm tự phát mãi được” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định.
Bài học từ Hàn Quốc
Quảng bá du lịch qua điện ảnh không phải là sự kết hợp mới. Các nước trên thế giới đã thực hiện rất hiệu quả mà điển hình là Hàn Quốc. Trước đây, đảo Jeju là vùng đất nghèo nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên, kể từ những bộ phim đình đám được thực hiện, như: Bản tình ca mùa đông, Nàng Dae Jang Geum, Vườn sao băng, Khu vườn bí mật…, đảo Jeju trở thành điểm du lịch lý tưởng. Các nhà làm phim Hàn không ngừng tận dụng và khai thác vùng đất này bằng việc xây dựng bối cảnh cho những câu chuyện trong phim để quảng bá đến du khách. Chiến lược đầu tư vào điểm du lịch mới đầy hấp dẫn và đầu tư vào các phim truyền hình tại Hàn Quốc được đẩy mạnh. Kết quả, hằng năm, đảo Jeju đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch từ trong nước và nhiều quốc gia đến tham quan. Đó cũng là một điển hình để ngành điện ảnh và du lịch nước ta học hỏi.
Bình luận (0)