Đến năm 1984, CLB này chuyển về Cung Văn hóa Lao động TP HCM. Trải qua 35 năm hoạt động, CLB Tiếng hát quê hương thật sự trở thành điểm hẹn thân quen của đông đảo người yêu thích và mộ điệu loại hình âm nhạc dân tộc. CLB đã nỗ lực trong muôn vàn khó khăn để duy trì hoạt động, trở thành đơn vị xã hội hóa âm nhạc dân tộc đầu tiên, lớn mạnh tại TP HCM.
Con đường đi của CLB Tiếng hát quê hương trong 35 năm qua là bảo tồn vốn cổ mà ông cha để lại, dựa vào đó phát triển cái mới mà không vay mượn bên ngoài. Nghệ sĩ Melody Xie, người Mỹ gốc Hoa - có mặt trong chương trình kỷ niệm 35 năm thành lập CLB (tối 26-6), đã nói: “Xem chương trình biểu diễn của CLB, tôi thấy nhiều tiết mục đã thể hiện đầy đủ sự đa dạng, cái mới và không làm mất đi tính dân tộc. Mặt khác, cái mới làm tăng thêm vẻ hoành tráng, hấp dẫn cả về thị giác và thính giác đối với khán giả”.
Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Nếu chỉ gìn giữ vốn cổ mà không phát huy, sáng tạo cái mới thì sẽ bị bào mòn và mất dần. Do vậy hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng giữ những đặc tính dân tộc nhưng bên cạnh đó cũng luôn phát triển các hình thức để làm sao gần gũi với thời hiện đại. Quan trọng là nỗ lực vươn lên những tầm cao mới trong tổ chức biểu diễn, giao lưu với bạn bè trên thế giới”.
Không chỉ hoạt động trong nước, CLB còn mở rộng việc giao lưu, biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới và thông qua “Nhạc hội đàn tranh châu Á”, “Hội ngộ đàn tranh toàn quốc”, mời nhiều nghệ sĩ đàn tranh ở các nước về Việt Nam biểu diễn. Điều khác biệt lớn nhất của CLB Tiếng hát quê hương so với các CLB nhạc dân tộc khác là chú trọng khâu đào tạo.
“Ngoài việc giảng dạy những kiến thức, kỹ năng phổ thông về âm nhạc dân tộc, CLB còn tạo cho các thành viên một tình yêu, niềm say mê truyền bá âm nhạc dân tộc. Chính vì vậy, chúng tôi có mặt tại đây” - nghệ sĩ Hồng Việt Hải, chủ nhiệm đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Mỹ, nói.
Một số tài năng âm nhạc dân tộc trưởng thành từ CLB sau này định cư ở nước ngoài đã tiếp nối tinh thần đó, tham gia biểu diễn, mở các lớp dạy nhạc cụ dân tộc, như: Thiên Lan ở Đức (đàn tranh, đàn bầu), Hải Yến ở Mỹ (đàn tranh), Minh Châu ở Thụy Điển (tranh, tam thập lục, tỳ bà). Đặc biệt Shino Midori Thúy (người Nhật, từng là giảng viên tiếng Nhật tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) trong thời gian ở TP HCM đã đến học đàn bầu tại CLB Tiếng hát quê hương. Khi trở về nước, chị xin phép CLB Tiếng hát quê hương được mở “chi nhánh” của CLB tại Tokyo để dạy đàn bầu.
Bình luận (0)