Ông vua Vọng cổ Viễn Châu dù đã 84 tuổi nhưng vẫn miệt mài sáng tác. Ông đã sát cánh với diễn viên trên sàn tập cùng với đạo diễn - nghệ sĩ Diệp Lang làm mới vở diễn bằng nhiều tình huống bất ngờ, độc đáo. Ông cho rằng trong đời sống công nghiệp hiện nay, việc gióng hồi chuông báo động về sự rạn nứt trong quan hệ gia đình là điều cần thiết. Những người con của ông bà Trương, trong vở diễn, đã vô tâm chọn cuộc sống ích kỷ, hất hủi cha mẹ già. Và cái giá họ phải trả là sự tổn thương trong mỗi tâm hồn. Vai bà mẹ của nghệ sĩ Ngọc Giàu là vai diễn để đời. Từng câu ca, lời thoại của chị như rót vào lòng người xem xúc cảm về tình mẫu tử thiêng liêng: Cho và không bao giờ đòi hỏi được nhận lại từ các con.
Với vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Diệp Lang đã làm sống lại trên sân khấu rạp Hưng Đạo một vở diễn xưa nhưng mang hơi thở thời đại. Bởi đối với ông, nâng cấp cải lương trước hết là trả lại chất lãng mạn, trữ tình sâu lắng của nó. Đồng thời mỗi người nghệ sĩ phải quên đi cái tôi và quyền lợi cá nhân để chăm lo cho sự nghiệp chung. Hầu hết các nghệ sĩ có mặt trong vở Tình mẫu tử như: Diệp Lang, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Minh Vương, Bảo Quốc, Kim Ngọc, Kiều Mai Lý, Giang Châu, Tú Trinh, Tuấn Thanh, Hồng Tơ, Hiếu Liêm... đều rất tâm huyết với ý nghĩa này. Cuộc hội ngộ đã cho họ thấy rằng: “Ngôi sao” không thể lấp lánh khi thiếu “bầu trời” nghệ thuật đích thực. Một ý nghĩa to lớn nữa là thế hệ nghệ sĩ lớp trước trở thành tấm gương trong việc tập luyện nghiêm túc cho lớp sau. Mỗi vai diễn của họ như một bài học cho thế hệ nghệ sĩ trẻ học tập. Chương trình Những dấu ấn không phai thành công không chỉ vì tập hợp những nghệ sĩ thượng thặng, có tuổi đời trên 40 năm mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn là sự âm thầm truyền nghề và chuyển giao giữa lớp nghệ sĩ lớn tuổi với lớp nghệ sĩ trẻ bằng cả cái tâm và trách nhiệm của người đi trước.
Bình luận (0)