. Phóng viên: Năm 2009, chị có nhiều chuyến đi. Sự dịch chuyển nào làm chị thú vị?
- Nhà văn Di Li: Năm vừa rồi, tôi lên máy bay ngót 20 lượt. Với tôi, ấn tượng nhất là thành phố Đà Lạt đầy hoa với nắng trong vàng như mật. Lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt và đó là ý tưởng cho cuốn bút ký thứ hai của tôi viết về các cảnh quan trên dải đất hình chữ S này. Tôi cho rằng năng lượng của người viết không phụ thuộc vào việc họ đã đi đâu mà quan trọng là họ đã nhìn thấy gì ở nơi đó.
. Đảo thiên đường, với nhiều người, không phải là một cuốn sách của nhà văn Di Li, mà nó là tập hợp những trải nghiệm từ các chuyến đi của một người ham di chuyển. Chị nghĩ thế nào về điều này?
- Điều làm tôi thỏa mãn nhất là nhiều người đọc Đảo thiên đường nói rằng họ cảm thấy niềm đam mê dịch chuyển của tôi đã truyền sang họ và họ đang nhìn thế giới bằng đôi mắt của tôi. Đôi khi trong những câu chuyện phiếm, tôi hay “kích động” một người lười di chuyển nào đó bằng một câu chuyện kể với giọng nói hăng say. Có lẽ Đảo thiên đường cũng chỉ là một lời “kích động” như vậy.
. Năm 2009, Trại hoa đỏ của chị đã tạo được một ấn tượng đặc biệt. Chị cũng chính thức xuất hiện như một nữ văn sĩ của thể loại truyện kinh dị - trinh thám đầu tiên. Chị có nghĩ đó là một lựa chọn đúng đắn của mình?
- Đối với tôi, mọi sự chỉ mới khởi đầu. Trại hoa đỏ cũng chỉ là sự khởi đầu cho rất nhiều dự định về thể loại trinh thám kinh dị mà tôi đang theo đuổi.
Nhà văn Di Li (ảnh do nhân vật cung cấp)
. Nghề văn chương... thường hủy hoại nhan sắc nhanh nhất. Một phụ nữ xinh đẹp như chị chẳng lẽ không lo ngại về điều đó?
- Tất cả phụ nữ đều có ý thức về dung nhan của mình. Tôi không nằm ngoài điều đó và cái tôi ý thức được là mình sẽ còn lại những gì sau khi về già. Tôi vẫn nghĩ rằng văn chương hay bất cứ thứ gì cũng chẳng bao giờ ảnh hưởng tiêu cực đến tôi cả. Tôi luôn tỉnh táo để chọn lựa những điều tốt nhất cho mình.
. Quá tỉnh táo thì dễ sinh ra toan tính nhiều thứ, mà nhiều toan tính thì sẽ vất vả. Chị có thấy rằng mình quá tỉnh táo?
- Tôi quả có tỉnh táo và hay toan tính thật. Dĩ nhiên toan tính ở đây không có gì tiêu cực, mà đôi khi chính sự thiếu toan tính và thiếu tỉnh táo mới phát sinh tiêu cực. Đại khái như tôi rất dễ dàng từ chối những cám dỗ mà người khác khó từ chối.
Tôi cũng đủ tỉnh táo để lường trước mọi tình huống trong cuộc sống, vì thế khó có điều gì làm tôi bất ngờ đến nỗi rơi vào thế bị động. Như vậy sẽ hạn chế tối đa sai lầm hay thất bại. Tuy nhiên, không ai nói khôn được. Biết đâu một ngày nào đó định mệnh xui tôi u mê, lú lẫn. Một người tỉnh táo như tôi mà lú lẫn thì chắc lúc ấy mới thực sự là vất vả.
. Chị từng nói rằng chị viết văn không cần cảm xúc, cứ bật máy lên là viết được văn. Nhưng cũng có người cho rằng, văn chương không có cảm xúc thì nó chỉ đơn thuần là một câu chuyện kể khôn ngoan. Chị nghĩ sao?
- Ý tôi không phải vậy! Khi bật máy tính lên thì có thể tôi vô cảm, nhưng lúc ép mình ngồi viết được rồi thì cảm xúc sẽ tuôn trào. Nghĩa là lý trí của tôi ép cảm xúc đến. Cảm xúc của tôi xuất hiện từ lúc bắt đầu viết dòng đầu tiên.
Chứ nếu tôi mà cứ ngồi chờ cảm xúc đến mới đặt tay vào bàn phím máy tính thì e rằng chờ hoài cũng không có cảm xúc đâu, nhất là khi công việc lại bộn bề như thế. Lúc đang trong giai đoạn tập viết lách thì cảm xúc tùy hứng lại dồi dào hơn rất nhiều.
. Khi quyết định dấn thân trong văn chương, chị mong chờ gì từ nó?
- Khi mới viết được vài truyện ngắn, ước mong duy nhất của tôi là những thứ này được in thành một cuốn sách. Khi in được một cuốn sách rồi, tôi thất vọng khi phát hiện mình lại muốn được in thêm một cuốn thứ hai. Từ lúc ấy tôi biết rằng tôi đã buộc cuộc đời mình vào cái nghiệp này mất rồi.
. Chị hạnh phúc với những gì mình đang có chứ?
- Tôi hạnh phúc! Vì tôi quan niệm về hạnh phúc rất đơn giản. Hạnh phúc là khi giữa mùa đông ta thò đôi chân lạnh cóng vào trong chăn ấm, dưới ánh đèn ngủ dìu dịu. Hạnh phúc là khi ta tỉnh giấc giữa một cơn ác mộng và nghe tiếng chim hót chí chách lúc chập sáng để biết rằng đấy mới là hiện thực.
Hạnh phúc là sau một ngày dài mệt mỏi, ta trở về nhà lúc tối mịt và thấy con gái đang co mình nằm ngủ trong chăn. Hạnh phúc chỉ đến khi ta có những trải nghiệm không dễ chịu và tìm được một cảm giác dễ chịu hơn.
Cây bút sung sức Di Li, tên thật là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm 1978 tại Hà Nội, là thạc sĩ quản lý giáo dục, giảng viên tiếng Anh Trường CĐ Thương mại và Du lịch Hà Nội.
T.C |
Bình luận (0)