Cảnh trong vở Cô gái đội chiếc mũ nồi xám của Nhà hát kịch Tuổi trẻ Ảnh: THANH HIỆP
Phản biện khẳng khái và nồng nhiệt
Trong diễn tiến căng thẳng và khốc liệt của kịch tính, Lưu Quang Vũ đã trình bày và lý giải quá trình vỡ lẽ đau đớn, khắc khoải, đầy trăn trở của hồn ông Trương Ba trong xác anh hàng thịt, như một thử nghiệm sống cay đắng, khi phải chấp nhận thân phận "tha nhân", để buộc phải tìm về giá trị bản nguyên của chính mình, chứ không chịu sống thêm nữa cảnh "ký gửi" vào kẻ khác. Hãy sống bằng chính giá trị bản thân, hãy là chính mình, trong sự nhất thể giữa hồn và xác của mình!
Kịch bản HTBDHT tuy mang dáng dấp câu chuyện dân gian nhưng lại đầy ắp hơi thở hiện đại, trên tinh thần phản biện xã hội rất khẳng khái và nồng nhiệt của Lưu Quang Vũ.
Ngoài những vấn đề triết học nhân sinh đã được ráo riết đặt ra trong HTBDHT, kịch bản của Lưu Quang Vũ luôn dựng dậy những vấn đề của đời sống đô thị khiến người xem hiện đại được soi mình trong đó, được đối thoại, được gợi mở… đến mức có thể thay đổi hành vi, thay đổi cả nhận thức và lối sống.
Viết bằng tấm lòng yêu thương
Khởi nguồn đời viết, Lưu Quang Vũ đã là một thi sĩ theo đúng nghĩa đầy đặn và lấp lánh tài năng bẩm sinh của một nhà thơ đích thực. Trong những bài thơ hay nhất của anh, người đọc đã nghe thấy tiếng "Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi" từ một tâm hồn thơ lãng đãng bay bổng như mây trắng: "Thơ tôi là mây trắng của đời tôi".
Nhưng khi bước vào thế giới kịch nghệ, với sự rạch ròi quyết liệt của bản thân , Lưu Quang Vũ đã trở thành một nhà viết kịch hiện đại, với tất cả những ưu thời mẫn thế, nhất là những vấn đề thuộc về con người, đang liên tục nảy sinh từ cuộc sống đô thị ở Việt Nam trong thập niên 1980, khi văn học thời kỳ đổi mới lên ngôi và tạo ra một trường sáng tác mới mẻ cho những nhà văn đổi mới như Lưu Quang Vũ trong viết kịch. Dùng phương thức kịch, Lưu Quang Vũ thấy ngòi bút của mình đầy ưu thế khi viết những kịch bản dàn trận tranh đấu giữa cái mới và cái cũ, cái bảo thủ, trì trệ và cái tích cực, tiến bộ. Các kịch bản của Lưu Quang Vũ, vì thế, nồng đượm hơi thở của đời sống hiện đại với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi rói từ con mắt và tấm lòng tràn đầy yêu thương của Lưu Quang Vũ.
Với một cách viết kịch bản nồng nhiệt đầy tính khai phá hiện thực như thế, Lưu Quang Vũ nhanh chóng trở thành một hiện tượng tác giả sân khấu xuất thần của thời kỳ đổi mới, đã có công vực dậy cả một nền sân khấu đang khủng hoảng người xem bởi sự thiếu vắng những kịch bản hay, những kịch bản ấm nóng tính thời sự và sâu sắc tính hiện đại. Sự xuất hiện của Lưu Quang Vũ, với việc ra mắt liên tiếp những kịch bản mới và hay đã làm đầy sự thiếu vắng, hẫng hụt về kịch bản của cả một nền sân khấu trong thập kỷ 1980.
Gia sản quý cho sân khấu Chỉ trong khoảng chục năm, trước khi mất vì tai nạn giao thông cùng với bạn đời là thi sĩ Xuân Quỳnh, con trai Quỳnh Thơ năm 1988, Lưu Quang Vũ đã kịp có một gia tài đồ sộ khoảng 50 kịch bản đã được xuất bản và dàn dựng, từ kịch bản đầu tay, viết năm 1979: Sống mãi tuổi 17 và liên tiếp sau đó là Hồn Trương Ba da hàng thịt, Người tốt nhà số 5, Ông vua hóa hổ, Tôi và chúng ta, Người trong cõi nhớ, Nguồn sáng trong đời, Nàng Si-ta, Trái tim trong trắng, Vụ án 2000 ngày, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Hoa cúc xanh trên đầm lầy… Hầu như lúc sinh thời của Lưu Quang Vũ, trong hơn 100 nhà hát và đơn vị sân khấu toàn quốc, không một nơi nào lại không dựng kịch và ham muốn dựng kịch của Lưu Quang Vũ. Nhân kỷ niệm 25 năm ngày mất của ông, nhiều đơn vị sân khấu đang dựng lại nhiều kịch bản của ông để chuẩn bị cho liên hoan sân khấu Lưu Quang Vũ, diễn ra vào cuối tháng 8 tới, trong đó vở Hồn Trương Ba da hàng thịt có đến hai đơn vị dàn dựng là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ. |
Bình luận (0)