Mùa hè năm ngoái, nhà văn Tô Hoài vĩnh biệt chúng ta, đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 94. Hàng triệu độc giả đau đớn trước sự ra đi của cha đẻ “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Vợ chồng A Phủ”... Di sản của đại thụ làng văn này để lại cho hậu thế là một kho giá trị mà chúng ta muốn khám phá. Hội thảo “Tô Hoài - Một đời văn” (diễn ra ngày 18-7 tại Thư viện Hà Nội, 47 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm) quy tụ các nhà văn, nhà phê bình cả nước với 18 tham luận hết sức tâm huyết sẽ đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của đại thụ làng văn này.
Kho báu văn học và nội lực văn hóa
Khát vọng ra đi đạp đất đội trời trong “Dế mèn phiêu lưu ký” (1941) đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng hàng triệu độc giả. Suốt đời văn, Tô Hoài đã in khoảng 200 đầu sách. Trong đó, nhiều cuốn được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Về chữ nghĩa, Tô Hoài là cả một kho báu, một bậc thầy. Đọc Tô Hoài để thấy có rất nhiều chữ đến nay đã “chết” vì người ta không còn viết, còn nói, còn dùng, để thấy một thế hệ với ngôn từ nghèo nàn sẽ khiến ngôn ngữ dân tộc ngày càng nghèo nàn. Đọc Tô Hoài để thấy ta không thể thờ ơ với chữ nghĩa của mình, để học cả chữ lẫn cách làm sống những con chữ đó trong trang viết.
“Quen biết nhiều, từng trải lắm, Tô Hoài đã trở thành một cuốn từ điển sống của nghề văn. Thời gian sẽ sàng lọc để chọn ra những gì tinh hoa mà Tô Hoài đã viết, làm giàu cho văn học Việt Nam” - nhà phê bình Vương Trí Nhàn nhận định.
Văn chương của Tô Hoài là sự trộn lẫn một cách tài tình, biến hóa giữa hư cấu và sự thực, không chỉ hấp dẫn người đọc ở nguồn tư liệu tươi rói về đời sống văn nghệ một thời mà còn ở giọng kể và cách tạo không khí truyện kể. Dù ở thể loại nào, hồi ký hay tiểu thuyết, nhân vật của Tô Hoài luôn giàu trải nghiệm, chuyển dẫn từ quá khứ đến hiện tại nhờ hồi tưởng và liên tưởng, với giọng kể hóm hỉnh thể hiện cái nhìn bình thản và an nhiên trước mọi biến cố. Sự linh hoạt của ngòi bút và phong cách văn xuôi hấp dẫn của Tô Hoài có lẽ bắt nguồn từ chính quan niệm của ông: cuộc đời như văn chương.
“Riêng đối với Hà Nội, sự nghiệp văn chương của Tô Hoài là một kho báu” - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khẳng định - “Nhờ Tô Hoài, một người chưa biết Hà Nội chỉ đọc các sách của ông về chốn kinh thành này thôi đã đủ để hiểu Hà Nội là gì và thế nào. Nhờ ông, các thế hệ mai sau muốn tìm hiểu, muốn phục dựng, muốn làm lịch sử, nghệ thuật về Hà Nội đều có tư liệu của một chứng nhân đáng tin cậy. Nhờ ông, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn”.
Người phơi bày sự thật
Ở một góc nhìn khác, cố nhà văn được đánh giá là luôn khác biệt và mới mẻ bởi ông là người “giải ảo” - phơi bày sự thật, những sự thật lịch sử mà nhiều người thực sự đã lãng quên.
“Trong các trang viết của Tô Hoài, lịch sử đã được giải ảo, rất “khác” và “mới”. “Khác” không phải là đi ngược với những gì ta đã được biết trong sử sách mà là cụ thể, phong phú, sống động vượt xa những dòng chữ ngắn gọn, có khi sơ sài trong sách sử. Người đọc có khi sẽ giật mình, kinh ngạc lẫn phẫn nộ vì những khung cảnh thời xưa hiện ra từ tác phẩm Tô Hoài” - nhà phê bình Hà Đặng đánh giá.
Nhà phê bình Hà Đặng khẳng định “ phơi bày” không có nghĩa là Tô Hoài phản bác lịch sử, ông đưa ra những góc nhìn mà người đi qua thời đó chưa thấy, đưa ra những sự thật mà những người sinh sau thời đó không thể biết.
“Trong vai trò một nhà văn, ông đã để lại cho con cháu thế hệ sau một thứ tài sản vô giá, đó chính là những ký ức rõ ràng và trọn vẹn về thời trước. Ai cũng có quá khứ, một dân tộc cũng thế. Và ai cũng có quyền được biết quá khứ của dân tộc mình. Tô Hoài đã gánh lấy trách nhiệm “cho biết” về quá khứ với vai trò là một chứng nhân mang trong mình sứ mạng của người cầm bút. Trong trang viết của Tô Hoài, tác giả không phân biệt tốt hay xấu, cái được đề cao là sự thật, là hiện thực, dù có là hiện thực tàn nhẫn, khốc liệt, chua cay, đau xót. Làm tốt vai trò, sứ mạng ấy suốt đời mình, còn ai xứng đáng được tặng những dòng thơ này hơn Tô Hoài: “Tôi muốn làm nhà văn chân thật trọn đời/Sét nổ trên người không xô tôi ngã/Giấy bút tôi ai cướp giật đi/Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá” (thơ Phùng Quán)” - nhà phê bình Hà Đặng nhìn nhận.
Văn chương Tô Hoài sẽ còn mãi, xanh biếc theo thời gian vì nó lưu giữ cho chúng ta đời sống, phả lại nhịp đập của lịch sử, nói lên câu chuyện muôn đời của kiếp nhân sinh.
Tái bản nhiều tác phẩm đặc sắc của Tô Hoài
Trong di sản văn học đồ sộ của nhà văn Tô Hoài, nhiều cuốn đã được Phương Nam book mua bản quyền. Mới đây, bộ 18 tác phẩm (4 tiểu thuyết, 3 truyện ngắn và 2 bút ký) của ông được ấn hành: “Giấc mộng ông Thợ Dìu”, “Mẹ Mìn bố Mìn”, “Chuyện cũ Hà Nội” (2 tập), “Kẻ cướp Bến Bỏi”, “Những ngõ phố”, “Tạp bút’, “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều”, “Ba người khác”, “Chiếc áo Xường xám”, “Chuyện để quên”, “Khách nợ”, “Ký ức Đông Dương”, “Ký ức phiêu lãng”, “Miền Tây”, “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm”.
Bộ ba tiểu thuyết “Quê nhà”, “Quê người”, “Mười năm” là những tác phẩm đặc sắc, nằm trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1. Ba cuốn tiểu thuyết gần như khắc họa đầy đủ các giai đoạn đau thương của dân tộc. Dưới ngòi bút tài tình của tác giả, những con người, những mảnh đời hiển hiện một cách chân thật, sống động, gần gũi thân thương nhưng cũng đầy ám ảnh, gợi nhớ về một thời dĩ vãng đã xa.
Bình luận (0)