xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôi chưa bao giờ là cố vấn sử học!

Hà Phương thực hiện

GS sử học Lê Văn Lan khẳng định: “Tôi không tham gia bất cứ một khâu làm phim nào, thậm chí không biết phim được làm như thế nào thì làm cố vấn sao được”

Phóng viên: Khi có thông tin cho rằng GS “bị oan” vì không tham gia cố vấn sử học cho phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long nhưng đơn vị sản xuất phim đã đưa tên ông vào, phía Công ty Trường Thành (đơn vị sản xuất phim này) đã trình Thường trực Hội đồng thẩm định phim các hợp đồng đã ký với GS. Vậy sự thật là thế nào, thưa GS?
 
- GS sử học Lê Văn Lan: Đó là hợp đồng thẩm định và tu chỉnh kịch bản. Tôi xin nói rõ, thẩm định và tu chỉnh kịch bản hoàn toàn khác với việc làm cố vấn lịch sử của bộ phim. Mọi việc bắt đầu vào tháng 10 và tháng 11- 2009, khi đó ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trường Thành và một số người tìm đến tôi thông báo bộ phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long đã được duyệt chủ trương đưa vào dự án phim phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội. Vì thế, họ cần tôi thẩm định và tu chỉnh kịch bản.
 
img

GS Lê Văn Lan. Ảnh: HÀ PHƯƠNG

 
Với ý thức rằng bộ phim này đã được đưa vào chương trình chính thức phục vụ đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tôi đã nhận lời để bước mở đầu của quy trình làm phim này được thực hiện tốt.
 
Họ đưa đến cho tôi 10 tập kịch bản. Tôi đọc rất kỹ và nhận thấy cả 10 tập kịch bản này đều có rất nhiều lỗi về sự kiện, nhân vật, địa điểm, địa danh, ngôn ngữ... của lịch sử VN. Tôi đã sửa thẳng vào kịch bản, cẩn thận và kỹ lưỡng các lỗi - thậm chí có thể gọi là các sai lầm trong kịch bản gốc - kèm theo những nhận xét, nhiều khi rất gay gắt. Tôi cũng đã ghi chú rõ là nhất thiết phải sửa lại kịch bản, thay đổi những điều sai lầm này.
 
Sau đó, tôi chuyển kịch bản đã sửa cho Công ty Trường Thành để họ sửa chữa và yêu cầu phải chuyển lại cho tôi để tiếp tục thẩm định. Ở bản đưa lần thứ 2 (đánh máy sạch sẽ), tôi nhận thấy người ta ít chấp nhận sự thẩm định và tu chỉnh của tôi. Tôi đã làm rất có trách nhiệm việc thẩm định và tu chỉnh kịch bản theo đúng hợp đồng, nhưng họ không tiếp thu nên tôi ngừng công việc tại đó.
 
- Nói như vậy nghĩa là GS không biết Công ty Trường Thành đã đưa vào kịch bản phim những gì sau đó?
 
- Đúng. Sau khi tôi chấm dứt công việc với đơn vị sản xuất phim vào tháng 11- 2009, từ tháng 12- 2009 đến tháng 7- 2010 người ta đã làm phim này như thế nào, ở đâu, theo cách nào, với những ai... tôi tuyệt đối không biết, chứ đừng nói đến việc tôi có chứng kiến hoặc tham gia một chút xíu nào trong khâu làm phim này. Tháng 7- 2010, ông Trịnh Văn Sơn mới trở lại sau hơn 7 tháng bặt tin, không hề tiếp xúc (kể cả điện thoại) và cho tôi xem một số đoạn trailer (phần giới thiệu phim) của phim. Tôi nhận thấy những đoạn trailer này làm rất khác với phần kịch bản mà tôi đã góp ý.
 
Do đó, khi tôi được bạn bè thông báo là tên tôi “được” ghi trên phần giới thiệu phim với vai trò cố vấn lịch sử của phim, tôi đã cảnh báo ông Sơn và thanh minh với mọi người về việc này. Ông Trịnh Văn Sơn đã điện thoại cho tôi 2 lần, đề nghị được ký hợp đồng với tôi với vai trò cố vấn lịch sử cho phim trong lúc bộ phim đã được làm xong. Tôi đã trả lời thẳng: “Tôi không tham gia bất cứ một khâu làm phim nào, thậm chí không biết phim được làm như thế nào thì làm cố vấn sao được”. Tôi xin một lần nữa được khẳng định: Tôi không hề làm cố vấn lịch sử cho bộ phim này trên tất cả các phương diện: pháp lý, danh nghĩa, thực tế...
 
- Thời gian qua, có nhiều thông tin nói rằng bộ phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long có nhiều chi tiết sai về lịch sử. GS đã từng thẩm định và tu chỉnh kịch bản, tiếp đó lại 2 lần ngồi thẩm định phim (kể cả bản phim đã sửa), xin GS nói rõ hơn về những chi tiết lịch sử mà bộ phim đã đề cập chưa đúng?
 
- Tôi đã 2 lần xem 19 tập phim, trong khi kịch bản tôi đọc ban đầu chỉ có 10 tập. Trong số 19 tập phim, chỉ có gần 1 tập nói về việc dời đô, định đô của Lý Công Uẩn, 18 tập kia đều miêu tả những sự việc chủ yếu là từ thời Đinh và Tiền Lê, trong đó những chuyện đấu tranh nội bộ của các vương triều này được thể hiện rất đậm, thậm chí rất rùng rợn.
 
Thứ hai, nhân vật Dương Vân Nga, ở phim này được miêu tả như một phụ nữ yếu đuối, quẩn quanh việc gia đình, đặc biệt là đã treo cổ tự tử khi Lê Hoàn cầu hôn - một cách hạ thấp Dương Vân Nga.
 
Thứ ba, nhân vật Lê Hoàn trong lịch sử của ta là một vị vua anh hùng của thế kỷ thứ X với đại công chống Tống xâm lược; với ý chí và hành động ngoại giao bình đẳng; với những công tích xây dựng kinh tế (đào kênh nhà Lê, mở mang thương nghiệp...); xây dựng chính quyền và khẳng định chủ quyền đất nước... thì ở phim này người ta lại thể hiện vị anh hùng dân tộc này là một người xa rời quần chúng, chỉ chăm chăm hưởng lạc, bắt dân chúng phục dịch xây dựng vườn thượng uyển. Thứ tư, cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ nhất (năm 980-981) với các trận đánh Bạch Đằng, Tây Kết giành thắng lợi vẻ vang, thể hiện rõ tinh thần quyết kháng chiến bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, thể hiện tài năng, khoa học, nghệ thuật chiến tranh giữ nước rất đặc sắc của dân tộc VN thì lại được mô tả trong phim chỉ với một trận đánh trên một ngọn núi vất vơ nào đó có tên là Chu Tước.
 
Đặc biệt, là sự mô tả chủ trương chiến lược do chính những người làm phim này nghĩ ra là không cần đánh, giặc tự tan. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh ở lời ra lệnh của nhân vật Lê Hoàn: “Ai bàn đánh. Chém!”. Và lời khuyên bảo của nhân vật thiền sư Vạn Hạnh: “Đừng đánh, chỉ cần phòng thủ, 21 ngày sau giặc tự tan”(?). Ngoài ra, còn rất rất nhiều cảnh nói về sự cao siêu của lịch sử và văn hóa Trung Quốc mà hết nhân vật Lê Đại Hành đến Lý Công Uẩn trong phim đều phải ra sức học tập (!).
 
Nếu chỉ xem trailer thôi thì chưa thấy hết những điều tệ hại kể trên. Nhưng chỉ xem trailer thôi, người xem bình thường cũng nhận thấy bộ phim được làm rất ẩu khi mô tả các cảnh quan, nhà cửa, trang phục, chùa chiền, cung điện... của VN. Chùa Lục Tổ (ở núi Tiêu Sơn) - một bối cảnh được lặp lại nhiều lần trong phim - mọi người VN đều biết những đặc trưng kiến trúc, trang trí, Phật giáo, Phật học ở ngôi chùa này là tiêu biểu cho bản sắc VN, nhưng trong phim, chùa Lục Tổ là một ngôi chùa Trung Quốc hoàn toàn.
 
Có thể nói, tính chất Trung Quốc rất đậm nét, thậm chí át hẳn và thay thế cho tính dân tộc VN ở phim này. Các nhân vật trong phim đều gọi nhau là huynh - muội, huynh - đệ; thậm chí ông chủ quán trong phim còn được nhân vật Lý Công Uẩn gọi là “tiểu huynh đệ” (!). Các bản tấu, sớ, sổ sách, giấy tờ... thời Đinh Lê đã có tư liệu đầy đủ chứng tỏ việc sử dụng giấy viết, nhưng trong phim thì lại sử dụng thẻ tre theo kiểu Trung Quốc thời Tần -Hán, lạc hậu so với Trung Quốc cả 1.000 năm (!).
 

- Có thông tin cho rằng ông sẽ giúp đơn vị sản xuất chỉnh sửa bộ phim này?

 
- Tôi không bao giờ làm việc đó. Một lần nữa xin nhắc lại: Tôi chưa bao giờ tham gia bộ phim này với tư cách là cố vấn lịch sử. Nếu đơn vị sản xuất vẫn để tên tôi với tư cách này trên phần giới thiệu phim, tôi sẽ phản kháng quyết liệt hơn.
 
Trong bài viết Phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long không phù hợp phát sóng vào dịp đại lễ đăng trên Báo Người Lao Động số ra ngày 29- 9, có đề cập việc GS sử học Lê Văn Lan không làm cố vấn sử học cho phim này như những gì đã được ghi trên phần giới thiệu phim (bộ phim đã được Hội đồng Duyệt phim mở rộng do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành lập thẩm định 2 lần).
 
Sau khi bài báo đăng, ông Trịnh Văn Sơn, Giám đốc Công ty Trường Thành, đơn vị sản xuất bộ phim, đã phát biểu với báo chí, khẳng định thông tin này là dựng chuyện, vu khống, thậm chí còn có thông tin ông Sơn đã trình những bản hợp đồng đã ký với GS Lê Văn Lan lên thường trực Hội đồng Thẩm định để khẳng định sự việc.
 

GS Lê Văn Lan rất bất bình về việc này nhưng ông chờ sau đại lễ mới lên tiếng. Bởi lẽ, trong lúc cả đất nước đang vui đón đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, ông không muốn việc riêng của mình ảnh hưởng đến niềm vui chung của công chúng. Và như đã hứa, GS đã nói hết những gì là sự thật liên quan đến tư cách tham gia của ông ở bộ phim Lý Công Uẩn- đường tới thành Thăng Long.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo