Được Nhà nước đặt hàng với tổng kinh phí lên đến cả chục tỉ đồng nhưng sự tẻ nhạt, nhàm chán của Đam mê (đạo diễn: Phi Tiến Sơn; Hãng phim truyện I Việt Nam sản xuất) cũng như Cát nóng (đạo diễn: Lê Hoàng; Hãng phim Giải phóng sản xuất) khiến nhiều người xem cảm thấy xót cho tiền đóng thuế của dân.
Cảnh trong phim Đam mê (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Phim đặt hàng, tài trợ là dở?
Tại cuộc họp báo đầu tiên giới thiệu Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Hà Nội hồi cuối tháng 9 năm nay, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, úp mở rằng phim chiếu khai mạc LHP sẽ là một phim của đạo diễn “hot” nhất, nhì hiện nay. Sự úp mở này khiến nhiều người kỳ vọng phim chiếu khai mạc cũng sẽ “hot” nhất, nhì trong năm.
Thế nhưng, đáp lại sự kỳ vọng ấy là một bộ phim “nhạt nhẽo, cực chán” như nhận xét của một nhà quay phim có tiếng ở Hà Nội. Thậm chí, ngay trong buổi chiếu khai mạc, không ít người bỏ về giữa chừng vì không đủ kiên nhẫn ngồi lại xem. Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, ngoài việc xây dựng một nhân vật hơi ngơ ngẩn và hoang dã (cô gái ở bãi cát) giống kiểu Lọ Lem, truyện phim tuyệt nhiên không có gì mới về mặt ý tưởng.
Vẫn là chuyện kẻ có tiền dùng tiền (và sức mạnh bạo lực như món ăn kèm) để hất một kẻ không phương thức tự vệ ra khỏi mảnh đất của người đó. Điều đáng nói ở đây là những diễn xuất thái quá của các nhân vật khiến truyện phim trở nên khó tin. Ngoài ra, những hình ảnh kỹ xảo trong phim rất công phu nhưng người xem lại thấy... giả cũng làm giảm đáng kể thiện cảm đối với bộ phim.
Đam mê của đạo diễn Phi Tiến Sơn có xu hướng rõ ràng của một phim luận đề. Tuy nhiên, cái luận đề về “sự đam mê” ở đây không có chính kiến mãnh liệt. Các tác giả có vẻ muốn người xem thông cảm và chấp nhận cho cái quan điểm “ai cũng có đam mê và có quyền theo đuổi nó”, thậm chí có lúc đã đồng nhất quan điểm “quyền theo đuổi đam mê” với hai chữ tự do.
Tuy nhiên, sự ngập ngừng hoặc không thật mạch lạc về chủ đề kiểu này đã khiến cho các nhân vật trong truyện phim đều nửa vời, như nhận xét của biên kịch Trịnh Thanh Nhã. Bà Nhã cũng cho rằng những mâu thuẫn đầy tính sân khấu và thiếu logic khiến câu chuyện bị rời rạc kiểu ông bố mời bà cựu người mẫu về, dùng thương tật của bà ta để dọa cô con gái mê sàn catwalk, kết quả lại phải nghe bà ta dạy dỗ về quyền đam mê của mỗi người; ông bố nói với các con về sự vắng mặt của người mẹ trong cuộc đời chúng là do hổ ăn thịt nhưng lại mê đắm nuôi hổ mà không gây một nghi ngờ nào cho hai đứa con ...
Những điểm hở kiểu như thế trong truyện phim có thể tìm thấy rất nhiều.
Dưới con mắt của nhà báo kỳ cựu chuyên viết về điện ảnh Dương Phương Vinh, Đam mê là “ một bộ phim luận đề thất bại hoàn toàn và như không có người chỉ đạo diễn xuất”.
Chặn phim dở bằng đấu thầu
Một số tờ báo, khi viết về Cát nóng, thậm chí còn giật tít Xem Lê Hoàng tiêu tiền thuế của Nhà nước để làm phim thế nào. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng rất nhiều phim làm từ ngân sách Nhà nước đã mang tiếng như thế, không chỉ có phim Cát nóng và Đam mê. Chính vì sự lãng phí đó mà điện ảnh Nhà nước đang đứng trước một nhu cầu được cải tổ toàn diện.
Trách nhiệm này thuộc Cục Điện ảnh. Bà Ngô Phương Lan cho biết thời gian tới, việc đầu tư cho phim sẽ không theo cơ chế xin - cho như hiện nay mà là đấu thầu qua các dự án. Hiện thông tư hướng dẫn đấu thầu sản xuất phim đang hoàn thiện để xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Một chuyên gia của Cục Điện ảnh cho hay dự kiến sẽ có hai cách đấu thầu phim, một là hằng năm, Cục Điện ảnh – chủ đầu tư - sẽ ra đề bài cần những phim theo chủ đề a, b, c nào đó cho các cơ sở sản xuất phim. Từ đó, các cơ sở này sẽ gửi đến những dự án sản xuất đáp ứng được đề bài về kịch bản cũng như phương án sản xuất, thành phần sản xuất, kế hoạch sản xuất cũng như dự toán kinh phí...
Phương án hai, từ kịch bản đã có, cục sẽ đi chào hàng các đơn vị có khả năng làm phim để họ lên phương án sản xuất. Đối chiếu các quy định phù hợp, chủ đầu tư sẽ xem xét các phương án. “Không nhất thiết cứ rẻ là trúng thầu, không phải nhanh nhiều tốt rẻ là được “chấm” mà phải đáp ứng các yêu cầu riêng theo đặc điểm điện ảnh” - chuyên gia này cho hay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan nghĩ rằng phương án “đấu thầu” có thể “chặn” được những tác phẩm kiểu Cát nóng và Đam mê.
Đấu thầu không là giải pháp duy nhất
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã nhấn mạnh: Đấu thầu trong điện ảnh là một khái niệm còn rất mù mờ và có lẽ khó thành hiện thực. Chủ trương đấu thầu sản xuất phim lâu nay vẫn là bài toán chưa giải xong. Bà Nhã đặt câu hỏi: Đấu thầu cái gì đây? Một kịch bản được duyệt, rồi đấu thầu bằng phân cảnh và phương án sản xuất? “Ngoại trừ các công trình kỷ niệm thì chính hệ thống thu nhận, xét duyệt các kịch bản cũng không biết chắc họ cần có những kịch bản loại gì và thế nào là hay trong cái thời mà các chuẩn mực nghệ thuật đang trở nên “mờ ảo”? Vậy thì có kịch bản để đem ra đấu thầu sản xuất là chuyện khó rồi” - bà Nhã nói.
Dưới góc độ của một nhà biên kịch, bà Nhã phân tích thêm không tác giả tử tế nào lại viết kịch bản khi biết còn những đồng nghiệp khác cạnh tranh với mình trong chính đề tài cụ thể ấy. “Đấu thầu không có khả năng hạn chế (hay “chặn”) những sản phẩm dở, mà ngược lại, có thể trở thành một đầu mối của những trò “chạy mánh” quen thuộc. Tôi tin người lãnh đạo ngành lúc này muốn có một cơ chế đủ mạnh để vực dậy nền điện ảnh, mà cụ thể là dòng phim nghệ thuật chuẩn mực. Nhưng coi đấu thầu là giải pháp duy nhất đúng thì có lẽ không thích hợp” - bà khẳng định. |
Bình luận (0)