xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tôn vinh nghệ sĩ kiểu gì?

Bài và ảnh: Yến Anh

Ở liên hoan lần này, ban tổ chức phân phối vé theo kiểu chia về các đơn vị, thế là xuất hiện cảnh có phim chiếu thì khán giả toàn là bộ đội, phim thì toàn công nhân, phim thì toàn học sinh THCS... Phim may mắn thì tìm được đúng khán giả của mình, phim hẩm hiu bị phát nhầm đối tượng cũng đành chịu

Vé mời xem phim phát nhầm đối tượng?

Buổi chiếu ra mắt phim Dòng máu anh hùng, khán giả toàn là học sinh của trường THCS gần đó, xem những cảnh đánh đấm trong phim, các khán giả lại ồn ào hét lên một cách sung sướng. Ngô Thanh Vân và Johnny Trí Nguyễn cũng được dịp ký mỏi tay trong buổi ra mắt, dù không ít khán giả hoàn toàn không biết hai ngôi sao này là ai. Thế nhưng không phải phim nào cũng may mắn được khán giả cười hỉ hả từ đầu đến cuối như Dòng máu anh hùng, phim được giới điện ảnh đánh giá rất cao là Mùa len trâu lại là phim có số khán giả bỏ về (và cả vào xem khi phim đã chiếu nửa chừng) không ít. Đại đa số khán giả của Mùa len trâu là các bậc trung niên và các cháu nhỏ. Ngồi xem được một phần ba phim, cả già lẫn trẻ lũ lượt ra về, nhường ghế cho những người đến muộn đang đứng ngoài cửa rạp. Trước khi về, không quên bảo nhau “chắc phim không hay họ mới chiếu cho mình xem”.

Cho trẻ con xem phim người lớn

Không chỉ các đoàn làm phim Việt Nam, các đại biểu quốc tế cũng chịu chung số phận hẩm hiu trong các buổi chiếu giao lưu với khán giả. Tới liên hoan phim, Mùa câu cá (Fishing season), không những không được chào đón nồng nhiệt, nữ diễn viên Nga Nina Semenova còn tủi thân đến bật khóc và bỏ về giữa chừng vì các khán giả nhí quá ồn ào và thiếu tôn trọng bộ phim. Đem chuyện này trao đổi với một lãnh đạo Cục Điện ảnh, ông cho biết “sự cố” đối với Mùa câu cá đúng là đáng tiếc. Lý do là vì chưa xem, lại nghe tên phim Mùa câu cá, nhiều người nhầm tưởng đây là phim trẻ con nên phát vé về các trường học cho khán giả nhí. Trong khi đó, đây là một bộ phim có chiều sâu và không ít cảnh nóng...

Khán giả của Hà Nội, Hà Nội có ý thức bỏ phiếu (?!)

Lần đầu tiên có thêm giải thưởng Phim do khán giả bình chọn, Hà Nội, Hà Nội giành ngay giải này. Tuy nhiên, cũng như Bông sen vàng, giải thưởng của khán giả dành cho phim này cũng gây nhiều tranh cãi. Nếu nói về độ đông vui thì buổi chiếu Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông, Giải phóng Sài Gòn… có lượng người xem lớn hơn Hà Nội, Hà Nội. Và vì thế người ta nghi ngờ có sự khuất tất gì ở giải này, ai là người kiểm phiếu?

Đem câu này hỏi ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh, thì nhận được câu trả lời có lẽ do khán giả của Hà Nội, Hà Nội có ý thức bỏ phiếu hơn khán giả xem các phim khác. Ông Minh cho biết, sau mỗi buổi chiếu, đại diện của Cục Điện ảnh, tiểu ban khán giả và đại diện khán giả đều phải ký vào biên bản kiểm phiếu. Số liệu cuối cùng được tập hợp vào 17 giờ ngày 24-11, dưới sự chứng kiến của trưởng ban tổ chức - ông Lại Văn Sinh. Như thế là bảo đảm không có tiêu cực. Tuy nhiên, ông Minh cũng cho rằng dù thế nào, giải này cũng chỉ là giải tương đối thôi vì đây chỉ là khán giả của Nam Định chứ không phải là khán giả toàn quốc.

Nghệ sĩ mất ví, không có chỗ ngồi!

Lễ trao giải là đêm tôn vinh các nghệ sĩ, thế nhưng các nghệ sĩ lại chẳng thấy được tôn vinh vì khâu tổ chức quá luộm thuộm. 20 giờ chương trình mới bắt đầu nhưng cả giới báo chí lẫn đại biểu, nghệ sĩ đều bị BTC “lùa” ra phơi sương ở Quảng trường 3-2 từ 18 giờ 30. Thế nhưng dù có đến sớm, các nghệ sĩ cũng khó tìm được chỗ ngồi vì ghế đã bị khán giả ngồi trước.

Váy trắng dài chấm gót, người đẹp Kiều Chinh của Mùa len trâu đi lại vài vòng vẫn không tìm được một chiếc ghế trống, cuối cùng, một phóng viên phải đứng dậy nhường ghế cho cô. Gần sát giờ trao giải, các đại biểu và diễn viên vẫn loay hoay đi tìm ghế ngồi. Johnny Trí Nguyễn lang thang từ cánh gà này sang cánh gà bên kia vì ngồi chỗ nào cũng bị bảo vệ ra “xua” vì đây là chỗ của lãnh đạo hoặc của khách quốc tế. Hạnh Thúy, nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất, tâm sự: “Tôi và chị Mỹ Uyên đã lường trước chuyện này từ đêm khai mạc nên đến từ rất sớm. Nhưng vừa ngồi vào ghế thì người ta bảo chỗ đó của lãnh đạo tỉnh và các đại biểu quan chức".

Cảnh tượng lộn xộn trên chỉ chấm dứt khi BTC bắc loa kêu gọi những ai không phải đại biểu thì chịu khó đứng lên nhường bốn hàng ghế đầu cho các nghệ sĩ. Cũng trong cảnh nhốn nháo ấy, nam diễn viên đẹp trai Minh Tiệp đã bị kẻ xấu “mượn” mất ví.

Phản ứng của nghệ sĩ

Nhà Biên kịch Nhất Mai:

Làm mất tinh thần...

Về việc chấm giải thì lời thề 6 nguyên tắc của chủ tịch Hội đồng Chấm giải phim truyện nhựa đã vang lên lồng lộng làm nóng cả hội trường trong đêm khai mạc. Vậy bộ phim Hà Nội, Hà Nội đoạt giải Bông sen vàng Liên hoan phim (LHP) VN thứ 15 liệu có xứng đáng với các nguyên tắc mà chủ tịch hội đồng đã đưa ra hay không? Tôi đã xem phim Hà Nội, Hà Nội ngay trong đợt LHP này, xin nói thẳng, theo cá nhân tôi, bộ phim Hà Nội, Hà Nội nếu có thiên vị lắm cũng chỉ có thể đoạt giải của Ban Giám khảo (BGK) vì chỉ là bộ phim trung bình, không hay mà cũng không dở, vui vui vậy thôi. Vấn đề đạo lý nghĩa tình chỉ là cái cớ nhỏ, không đủ sức tạo nên giá trị nghệ thuật của bộ phim. Có người trong BGK nói vì tiêu chí của LHP quốc gia lần này là đổi mới-hội nhập, phim Hà Nội, Hà Nội trúng vào tiêu chí đó nên đoạt giải. Nếu nói vậy thì cũng không ổn vì đâu chỉ có Hà Nội, Hà Nội mà các phim Mùa len trâu, Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông... đều có chất hội nhập cả. Vậy biết giải thích sao về vấn đề này?

Nói tóm lại đây là một LHP làm mất tinh thần những người còn muốn tham dự LHP trong các kỳ LHP.

Diễn viên Quyền Linh:

Giải thưởng chỉ có giá trị đối với BGK!

Trước khi có kết quả, nghe những lời hứa của Trưởng BGK Đặng Nhật Minh là sẽ không phân biệt phim Nhà nước hay tư nhân, anh em làm phim cảm thấy rất yên lòng nhưng rốt cuộc khi nghe công bố kết quả hầu hết đều hụt hẫng. Giải thưởng đã cắt đứt ước mơ, lòng tin của những người làm phim cho nên giải thưởng này theo tôi chỉ có giá trị đối với BGK. Nếu cứ như thế này, lần sau chắc chẳng có hãng phim tư nhân nào tham dự LHP. Lạ hơn nữa, BGK là người chấm nhưng cơ cấu giải của LHP lại có thêm một giải thưởng riêng của BGK.

Chương trình của đêm bế mạc được tổ chức thậm chí còn thua cả một chương trình văn nghệ bình thường. Thời buổi này một hãng bột giặt tổ chức văn nghệ còn được truyền hình trực tiếp trên đài vậy mà không hiểu BTC làm thế nào để một LHP quốc gia lại không có một đài truyền hình lớn nào truyền hình trực tiếp, trong khi người dân cả nước đang rất mong chờ.

Nhà sản xuất Phước Sang:

Rung động của BGK không hòa nhịp với khán giả

Trước tiên tôi thành thật chúc mừng các đồng nghiệp đoạt giải vì quá trình làm ra một bộ phim thực sự rất cực, công lao của họ đã được đền bù xứng đáng. Tôi không nghi ngờ gì về việc BGK tuyên bố rằng họ chấm giải từ sự rung động của trái tim mình, thế nhưng theo tôi, sự rung động đó đã không hòa nhịp với rung động của khán giả, của cuộc sống. Một LHP mà khi kết quả công bố gặp phải sự phản đối, la ó của nhiều người thì sự rung động của BGK liệu có xác đáng hay không. Bản phim Hà Nội, Hà Nội khi chiếu tại LHP bị đứt đến 3-4 lần thì thử hỏi chất lượng phim như thế nào.

LHP là ngày hội, ngày tôn vinh các văn nghệ sĩ, thế nhưng anh em nghệ sĩ không được BTC tôn trọng, thậm chí đêm bế mạc, nghệ sĩ đến dự còn không được sắp xếp chỗ ngồi. Các buổi giao lưu không hề có kịch bản trước, diễn viên phải tự ứng biến. Phim Việt đã không có chỗ đứng trong lòng công chúng, qua LHP này lại càng thêm mất uy tín với khán giả, kéo thương hiệu điện ảnh VN ngày càng đi xuống.

H.Nhu ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo