Tại bến Nghinh Lương Đình bên dòng sông Hương thơ mộng, các làn điệu ca Huế do các nghệ sĩ gạo cội thể hiện trong chương trình ngày hội Âm sắc hương bình lần đầu được diễn ra tại một sân khấu lớn.
Mở đầu chương trình là lễ tri ân 36 nghệ nhân có đóng góp cho sự bảo tồn, phát triển ca Huế. Theo ban tổ chức, 36 nghệ nhân được tôn vinh trong chương trình đại diện cho những người có quá trình gắn bó trên 30 năm, rất uy tín trong nghề.
Trong một sân khấu mà di tích Nghinh Lương Đình được phụ trợ xung quanh là những cánh sen và 25 thuyền rồng được kết đèn, cờ rực rỡ, tạo nền sáng lung linh trên dòng sông Hương, 8 tiết mục của đêm hội Âm sắc hương bình thực sự là một đêm hội tụ của những nghệ nhân gạo cội của làng ca Huế. Khán giả được thưởng thức đúng “chất” ca Huế do các nghệ nhân, NSƯT như: Thanh Tâm, Thu Hằng, Vân Khánh, Đình Dũng, Kiều Oanh, Ngọc Linh… thể hiện những bài hầu văn, cổ bản, ca Huế như Nhớ ơn công đức tổ tiên, Non nước hương bình, Ngọn lửa tình yêu…
Câu hò Mái nhì và bản Nam ai được nghệ nhân Thanh Tâm cất lên đầy sâu lắng, ấm áp. Kết hợp với lời ca của nghệ nhân Thanh Tâm là màn biểu diễn của các diễn viên múa kể câu chuyện về một đôi nam nữ yêu nhau nhưng phải chia lìa vì cô gái được tiến cung. Nỗi nhớ quê hương, người yêu đã khiến cô gái vượt qua giới hạn của những bức tường cung cấm để trở về với tình yêu của mình.
Theo NSƯT Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Ca kịch Huế, đạo diễn chương trình - việc diễn ca Huế giữa một sân khấu lớn là rất khó vì loại hình nghệ thuật này thuộc thể loại nhạc thính phòng, tri kỷ. “Ca Huế xưa nay mang tính chất trữ tình, sâu lắng, được các nghệ sĩ thể hiện không qua hệ thống âm thanh để khán giả thưởng lãm trực tiếp. Giữa một sân khấu lớn, để hơn 1.000 người thưởng thức, chúng tôi buộc phải sử dụng âm thanh khuếch đại nhưng phải giữ độ “mộc”, nguyên chất giọng của các nghệ nhân” - ông Bình cho biết.
Thêm vào đó, việc biểu diễn ca Huế giữa sân khấu lớn liên quan rất nhiều yếu tố nghe - nhìn. Chính vì vậy, trong các bài ca Huế do các nghệ nhân biểu diễn thường đi kèm với những hoạt cảnh lột tả những câu chuyện dân gian. Ở đó, thường thể hiện hình ảnh về tình yêu của các đôi nam nữ, hoạt động sản xuất, sự tri ân công đức sinh thành, tôn vinh hình ảnh chiếc nón, tà áo dài Huế…
Chương trình không những thể hiện các bài ca Huế mà những làn điệu khác như trích đoạn ca kịch Huế, múa dân gian. “Trong hơn 500 năm hình thành và phát triển, ca Huế không chỉ gói gọn là thể loại nhạc thính phòng mà phát triển thêm những loại hình nghệ thuật khác. Chúng tôi lồng ghép vào đó để thể hiện sự tôn vinh loại hình này” - ông Bình nói.
NSƯT Nguyễn Ngọc Bình cũng cho biết ngoài mục đích tôn vinh ca Huế và tri ân các nghệ nhân cống hiến, chương trình Âm sắc hương bình được tổ chức nhằm góp phần tạo động lực trong quá trình lập hồ sơ trình nhà nước công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Hiện ở Huế có hơn 400 nghệ nhân đang gắn bó với ca Huế. Loại hình nghệ thuật này có truyền thống lâu đời, hiện đang được giữ gìn và phát huy nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận, đó là điều đáng bàn” - ông Bình nói. n
Bình luận (0)