Nhân vật chính trong tác phẩm, anh thanh niên trí thức Trần Trận tình nguyện về lao động ở thảo nguyên Ơlôn Mông Cổ. Trần Trận “ghiền” sói nên đã nuôi một con sói con để nghiên cứu. Trần Trận đối với sói bằng tình thương của con người. Nhưng, sói không cần tình thương ấy, sói cần đời sống cho riêng mình. Sói thảo nguyên quen hoang dã, không chấp nhận bị cầm tù. Dẫu là cầm tù trong yêu thương. Sói bất khuất, con người “ngoan cố”... Cuộc chiến giữa Trần Trận và sói con xảy ra, dưới bút pháp của Khương Nhung, cuộc chiến này được đẩy lên từng đoạn cao trào, hết lớp này đến lớp khác. Người đọc như choáng ngợp, ngạt thở trước sự lạ lùng đối với đời sống riêng của sói.
Cuối cùng lớp màn bí mật về đời sống của sói được vén lên, hóa ra, sự dũng mãnh của sói không nằm ở móng vuốt, không nằm ở tính hiếu sát... mà nằm ở bốn cái răng nanh nhọn hoắt. Mất răng, sói còn thua cả loài chó nhà. Hình ảnh gần cuối truyện, tấm da sói bay trong gió, từng vòng vần vũ, thấp thoáng dáng của một con rồng ẩn mình trong mây. Sói – rồng, Tôtem sói hay Tôtem rồng thiết nghĩ điều ấy cũng không có gì quan trọng. Điều quan trọng hơn khi sói con của Trần Trận trở về vòng tuần hoàn của kiếp luân hồi là câu hỏi “Có phải con người là bản sao hoàn toàn của sói?”.
Có thể Tôtem sói không là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn nếu chỉ xét thuần túy về mặt văn chương. Nhưng, nếu nhìn dưới góc độ nghiên cứu sinh học thì đây chính là quyển bách khoa xuất sắc nhất về sói thảo nguyên tính đến thời điểm này. Đôi lúc, tác giả viết những đoạn khá “trầy trật”. Điều hết sức dễ hiểu đối với người lần đầu cầm bút mà đã phải thử sức với cấu trúc văn học “dài hơi” như Tôtem sói. Nhưng chắc chắn, Tôtem sói khiến bạn đọc không thể dứt nó ra khỏi mắt mình, nếu bạn đam mê sói và muốn hiểu về cấu trúc của xã hội mà chúng ta đang sống.
Bình luận (0)