Khi đờn ca tài tử (ĐCTT) được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được nhà nước triển khai công tác bảo tồn, bộ môn nghệ thuật này đang trở thành “đặc sản” kinh doanh ở các khu du lịch tại đồng bằng sông Cửu Long. Việc các công ty du lịch sử dụng ĐCTT để thu hút khách ngày càng nở rộ và tình trạng biến tướng ngày càng dị hợm.
Lệch lạc giá trị
Cũng giống như ở các quán nhậu, nhà hàng, những nơi du lịch sinh thái ĐCTT đã nhầm lẫn nghiêm trọng giữa ĐCTT và ca cổ, cải lương. Mang tiếng là trình diễn ĐCTT nhưng những người đờn, hát chỉ biết chơi quanh đi quẩn lại vài ba bản vọng cổ. “Chúng tôi được giới thiệu họ là những nghệ nhân đàn giỏi, những nghệ sĩ chơi những bản tài tử rất điệu nghệ nhưng khi nghe mới biết thực chất họ chỉ hát vài bản vọng cổ, có người cũng biết vài ba ngón đờn. Như vậy làm sao thể hiện hết tính chất của ĐCTT, làm sao người nghe hiểu hết bài bản một cách đúng nghĩa” - chị Huỳnh Thị Châu (quận Gò Vấp, TP HCM), người từng đến khu du lịch sinh thái ĐCTT ở tỉnh Tiền Giang, băn khoăn.
Một nghệ nhân ở tỉnh Long An cho biết: “Những anh em đờn hát phục vụ du lịch hầu như chỉ đờn được đôi ba bài nhỏ, các bài tổ thì “ngoài tầm với” vì trình độ chưa tới. Riêng người hát chỉ hát những bài lý, vài câu vọng cổ quen thuộc”. Vì vậy mà có lần GS-TS Trần Văn Khê đưa ra lời cảnh báo: “Mang ĐCTT đi làm du lịch là một vấn đề hết sức nguy hiểm. Trong chút thời gian ngắn ngủi 15-20 phút nghe đờn, hát vài ba bản thì làm sao hiểu hết giá trị. Chưa kể, cứ mang ca cổ ra giới thiệu tràn lan sẽ khiến người nghe hiểu lầm, giá trị của ĐCTT bị lệch lạc”.
Thực tế, chơi ĐCTT ở những nơi này là một nghề kiếm sống không hơn không kém. Họ đi đờn hát như những người làm công ăn lương, được các công ty du lịch thuê biểu diễn mỗi khi có khách và được trả tiền theo sô. Tuy nhiên, tiền nhận được cho mỗi lần biểu diễn cũng không nhiều, nếu ai được khách thưởng thì được thêm chút đỉnh. Vì vậy, không biết tự bao giờ, vì áp lực mưu sinh, họ biến thành những “thợ đờn”, “thợ ca” máy móc, chỉ biết gảy lên những tiếng đờn vô hồn, ca với giọng vô cảm.
Danh cầm Năm Thê nói: “Đa số những người này chỉ biết vài ba ngón đờn đơn giản do học lóm chứ có học hành bài bản gì đâu mà đờn. Họ chẳng biết làm nghệ thuật là gì mà chỉ biết đờn để kiếm tiền thôi!”. Một thợ đờn phân trần: “Chúng tôi vẫn cố gắng đờn đúng nhịp, đúng bài nhưng để thả hồn vào từng lời ca tiếng đờn thì hiếm lắm. Ở hoàn cảnh đờn để mưu sinh chứ không còn là một thú chơi nữa”.
“Rất nhiều người day dứt khi mang tiếng đờn gảy cho vừa tai khách để kiếm tiền nhưng họ không thể làm khác được” - nghệ nhân dân gian Tấn Khoa cho biết. Rõ ràng, khi nghệ thuật bị thương mại hóa thì sẽ ít nhiều mất đi giá trị vốn có. Bởi vậy, nói như GS-TS Trần Văn Khê: “ĐCTT là một cuộc tiêu khiển nghệ thuật, người nghe không mất tiền và người chơi cũng không đờn để kiếm sống. Muốn giữ gìn cái chất của ĐCTT thì đừng biến nó thành món hàng kinh doanh”.
Phải trả về đúng bản chất của nó
GS-TS Trần Văn Khê là người trăn trở nhất với việc làm sao trả ĐCTT về đúng không gian vốn có. Ông cho rằng trước hết phải tôn trọng vốn cổ cha ông để lại. ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải nói: “ĐCTT ở những vùng quê, nông thôn miền Tây vẫn còn giữ nguyên giá trị. Chỉ đáng lo ngại là những hình thức đưa ĐCTT vào nhà hàng, quán nhậu, du lịch để kinh doanh”. Vậy nên, việc chấn chỉnh hoạt động ở những hình thức này phải được quan tâm hàng đầu.
Ông Huỳnh Khải cho biết: “Chúng tôi mê ĐCTT vì được học hỏi, giao lưu với những danh cầm, nghệ nhân của thế hệ trước quá xuất sắc. Các bạn trẻ bây giờ không mê ĐCTT vì họ không được tiếp xúc, học hỏi một lớp nghệ nhân đờn giỏi như thời trước nữa”. Thực tế, số lượng nghệ nhân “vàng” của ĐCTT không còn nhiều trong khi những người kế thừa lại phải lao vào cuộc mưu sinh. Vì vậy, nhà nước nên có chính sách tạo điều kiện để những người ĐCTT có thể sống bằng tiền lương, giúp họ học hỏi, nâng tay nghề, hiểu đúng giá trị của ĐCTT.
Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM đã phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo TP triển khai dự án đưa ĐCTT vào học đường. Trường THPT Bùi Thị Xuân là điểm hẹn đầu tiên của dự án. Chương trình bất ngờ nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tài tử, danh cầm và học sinh nơi đây. Vấn đề đặt ra là làm sao mang đến thế hệ trẻ một không gian của ĐCTT đúng nghĩa, không bị hiện đại hóa, lai căng hóa.
Cần cách làm phù hợp
Theo nghệ nhân dân gian Tấn Khoa, ĐCTT trong các quán nhậu, nhà hàng rất khó để dẹp bỏ. Nếu có dẹp được thì cũng chỉ vài ba bữa rồi đâu lại vào đó. Mà những quán này thu hút khách đông, chứng tỏ người ta rất mê ĐCTT. Vậy nên, phải tạo điều kiện để họ được giao lưu, học hỏi trong những không gian ĐCTT đúng nghĩa.
Theo ThS - nhạc sĩ Huỳnh Khải, việc mở rộng không gian của ĐCTT như đưa lên sân khấu, vào nhà hàng, quán ăn, các khu du lịch... là một xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu xã hội. Ông lý giải: “ĐCTT muốn phổ biến thì phải đưa lên sân khấu, khi đưa lên sân khấu thì phải ăn mặc chỉnh tề. Muốn quảng bá rộng rãi đến du khách thì tất nhiên phải đưa vào du lịch”. Nói chung, bất kỳ một loại hình nghệ thuật nào có chiều dài phát triển cũng phải chấp nhận đối mặt với nhiều thách thức trong thời buổi kinh tế, hội nhập. Đây là quy luật của cuộc sống. Bởi vậy, đây là cơ hội để ĐCTT có dịp thử sức mình, vượt qua để khẳng định giá trị. “Còn việc có tự mình vượt qua được hay không hay sẽ bị đào thải thì vẫn cần những chính sách, sự quan tâm hơn nữa của những người làm công tác bảo tồn, gìn giữ” - ông Huỳnh Khải nhấn mạnh.
Bình luận (0)