xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trách nhiệm làm nghề

TIỂU QUYÊN

Thật ra, không nhà sản xuất nào ép được đạo diễn nếu họ không muốn làm. Lỗi là ở sự lựa chọn của người làm nghề

Thực trạng phim truyền hình yếu kém đã được mổ xẻ nhiều lần, ở nhiều góc độ. Tại các cuộc tọa đàm, hội thảo, các nhà chuyên môn đứng ra “bắt bệnh” nhưng xoay đi xoay lại, mọi thứ rồi cũng đâu vào đó. Những yếu tố “thiếu kinh phí, thời gian, thiếu kịch bản hay” đã trở thành lý do “vững chãi” nhất để nhiều đạo diễn giãi bày về chất lượng phim của họ nếu bị khán giả chê.
Nhưng rồi phim dở vẫn cứ phát sóng, thử thách khả năng chịu đựng của người xem. Những tên tuổi đạo diễn có tâm huyết dần dần vắng bóng trong dòng chảy ào ạt của phim truyền hình. Màn ảnh nhỏ thưa vắng những bộ phim được đầu tư nghiêm túc, đúng nghĩa là dốc sức, tâm huyết và tận tụy.

Làm phim xong không dám xem lại

 Đạo diễn Nguyễn Minh Cao – người nổi tiếng làm phim chỉn chu từ bộ phim Gia tài bác sĩ - nói sau thời gian hợp tác với một đơn vị sản xuất cũng có chút ít tiếng tăm trong nghề, anh đã “cạch” luôn những đơn vị này vì “o ép” đạo diễn đến mức không chấp nhận được, về cả thời gian lẫn kinh phí. “Lúc nào cũng bị chỉ định phải thế này thế kia, tiết giảm chi phí hoặc qua loa cho nhanh. Làm rồi đến lúc phim lên sóng tôi không dám xem lại bộ phim của mình nữa, sợ phải tiếc chỗ này, xót chỗ kia mà lẽ ra mình có thể đã làm tốt hơn như thế” - đạo diễn Nguyễn Minh Cao nói. 

img
Quản lý và kiểm duyệt đầu vào, Hãng phim TFS được kỳ vọng sẽ
bảo đảm được chất lượng phim Việt ở vệt giờ 17 giờ 30 phút trên kênh HTV 9

Chia sẻ với biên kịch, đạo diễn Nguyễn Minh Cao cũng không ngại nói thẳng thực trạng một số đạo diễn bắt đầu làm nghề theo kiểu qua loa, hời hợt: “Kịch bản không hay, phim dở thì không nói làm gì, nhưng cũng có khi ngược lại. Nếu biên kịch viết quá “vung tay” về bối cảnh hay những tình huống khó thì nhà sản xuất cũng sẽ siết lại sao cho đơn giản, dễ quay, ít tốn tiền. Rồi cũng có trường hợp đạo diễn muốn tiết giảm chi phí hoặc lười đi xa nên khoanh vùng quanh quẩn bối cảnh cho nhanh gọn, có làm hơn cũng đâu có thêm tiền” .

Một đạo diễn trẻ bào chữa bằng cách ví von: “Bạn không thể kết một cái vương miện hoàn hảo khi trong tay chỉ có vài ba chiếc lá. Nên hoặc là không làm hoặc chấp nhận sản phẩm khiếm khuyết”. Thế nhưng, có luẩn quẩn trong những “cuộc đổ lỗi” như thế nào thì chung quy lại, nói như đạo diễn Vũ Ngọc Đãng từng khẳng định thẳng thừng: Trách nhiệm vẫn phải thuộc về đạo diễn!

Nhà sản xuất - Kẻ thao túng giấu mặt

“Những đạo diễn giỏi, tâm huyết với nghề thì không đủ tiền để trở thành nhà sản xuất, vai trò này lại thuộc về những người vốn không hề được đào tạo về phim ảnh. Họ có tiền bỏ vốn làm phim nhưng lại không am hiểu về nghề, chỉ chăm chăm vào lợi nhuận nên dẫn đến tình trạng làm ăn bát nháo, kém chất lượng như hiện nay” - ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS, đã nói như vậy khi đề cập trách nhiệm làm nghề.                             

“Nền kinh tế thị trường đã phân khúc từng giai đoạn, nhà sản xuất bây giờ đóng vai trò quan trọng nhưng không có nghĩa là ai có tiền cũng có thể làm phim như hiện nay” - ông Nguyễn Việt Hùng nhìn nhận. “Tất nhiên, nhà sản xuất nắm quyền quyết định nhưng phải nhìn lại, anh có hiểu được nghề, có đánh giá đúng khả năng của đạo diễn chưa hay xem phim ảnh chỉ để kinh doanh và  tìm mọi cách để phim gây chú ý hơn là để tâm đến giá trị thật của bộ phim” - đạo diễn Lê Cung Bắc góp thêm góc nhìn.

Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân - một tên tuổi trong làng điện ảnh, từng làm phim truyền hình nói: “Tôi không lo chuyện làm phim truyền hình có thể giảm uy tín tên tuổi” như nhiều người vẫn nói vui nhưng thật sự thấy ngán ngại bộ máy vận hành của đơn vị sản xuất tư nhân”. 

Nắm trong tay quyền “điều khiển” đạo diễn, nhà sản xuất cũng toàn quyền quyết định số phận của mỗi bộ phim, trở thành những “kẻ giấu mặt” thao túng thị trường. Một đơn vị từng có những bộ phim khởi đầu ấn tượng thời bắt đầu giờ vàng phim Việt nhưng thời điểm này thì đã có rất nhiều phim bị chê làm “xem không nổi”.
Trong một cuộc trà dư tửu hậu, đại diện hãng phim này nói rằng đơn vị chẳng bao giờ thiếu kịch bản cả. Làm mấy mươi phim rồi, cứ xáo qua xáo lại bên này bên kia, thay đổi một chút là đã có kịch bản mới. Toàn phim tâm lý xã hội, tình yêu hôn nhân nên chuyện làm mới kịch bản không có gì là khó.
Nhà sản xuất đã có tâm thế làm nghề như vậy, đạo diễn cũng có “cách riêng”. Giống như một số biên kịch dùng tên tuổi để gầy dựng “hợp tác xã” viết thuê thì cũng từng có một vài đạo diễn nhận kịch bản nhưng sau đó thì “thuê” lại người trẻ, mới vào nghề làm phim với giá rẻ hơn nhưng không được đứng tên.
Trong vòng xoay với những tính toán lợi ích, chỉ có khán giả là người chịu thiệt. Hẳn nhiên, cũng sẽ có đạo diễn chọn cách từ chối trước những yêu cầu không thể chấp nhận được của nhà sản xuất. Đạo diễn Trương Dũng nói anh đã từng không làm phim cho một đơn vị lâu nay đã quen với việc sản xuất chương trình truyền hình, khi làm phim cứ đòi hỏi phải “nhanh, gọn, lẹ”.

“Làm phim truyền hình không có lỗi, lỗi là ở sự lựa chọn của người làm nghề. Thật ra, không nhà sản xuất nào ép được anh nếu anh không muốn làm. Mà phải nhìn rõ thế này: Anh làm phim vì động cơ gì - để có tiền, có danh hay vì khán giả, vì khát vọng sáng tạo thì chất lượng phim chính là câu trả lời”- đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nói.

Không thể chỉ trông chờ vào tâm huyết của những người làm nghề, nhiều đạo diễn, nhà sản xuất cho rằng đã đến lúc cần “tạo áp lực, chế tài” mới mong nâng được chất lượng phim.

Siết chặt là xong?

Không phải không có nhà sản xuất nỗ lực gầy dựng thương hiệu bằng những kịch bản chọn lọc và đầu tư lớn nhưng đó cũng chỉ là thiểu số trong dòng chảy chung của sự hời hợt và nhạt nhòa. “Tôi thấy tốt nhất là siết chặt đầu vào, chỉ nhà đài cứng rắn nói không với phim dở thì xem như đã sàng lọc được phần nào phim chất lượng kém. Chúng ta làm phim còn phải nghĩ đến việc mở rộng thị trường nữa, phục vụ khán giả mình nhưng cũng phải nghĩ tới chuyển bán ra nước ngoài nữa chứ đâu chỉ quanh quẩn trong nước? ” - ông Nguyễn Việt Hùng nói. Đạo diễn Lê Cung Bắc cho rằng nhà đài cần phải tạo áp lực mạnh, nếu cứ để tình trạng sản xuất tự tung tự tác như hiện nay thì khó thay đổi cục diện.

Thêm vào đó, khán giả cũng sẽ là những người có “sức mạnh lớn” quyết định số phận của mỗi bộ phim. Phim dở, khán giả quay lưng nhà sản xuất cũng sẽ “sập tiệm”. Còn về danh dự làm nghề, nói như đạo diễn Lưu Trọng Ninh: “Bất kể đạo diễn có tên tuổi hay đạo diễn trẻ cũng đều phải cố gắng, tự có trách nhiệm với bộ phim của mình, nếu không sẽ bị đào thải!”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo