Nghề lồng tiếng phim đang hỗ trợ tích cực cho các diễn viên trong quá trình làm hậu kỳ. Những diễn viên có giọng nói thiếu cảm xúc, đài từ yếu phải nhờ đến lực lượng lồng tiếng “cứu” là chuyện đương nhiên. Song thực tế không ít người dù có khả năng thoại tốt vẫn từ chối việc tự lồng tiếng lại cho nhân vật vì lý do là bận chạy sô diễn, mất nhiều thời gian, cực nhọc... Nhiều đạo diễn than rằng ngày càng nhiều diễn viên thiếu trách nhiệm với vai diễn, đơn cử là việc không quan tâm đến việc tự lồng tiếng cho vai diễn sau khi phim đóng máy. “Vì lo chạy sô nên đến phim trường vội vã, không thuộc lời thoại thì có người nhắc, khi xong phim thì có diễn viên lồng tiếng thay, diễn viên bây giờ sướng quá!” - một đạo diễn phim truyền hình bức xúc.
Đạo diễn Nhâm Minh Hiền bảo anh rất quý, trân trọng những diễn viên có ý thức tự lồng tiếng cho vai diễn nếu họ có khả năng. Bởi không ai nắm bắt và thể hiện được cảm xúc của nhân vật tốt hơn chính người diễn vai đó. Diễn viên Ngọc Lan cho rằng: “Cử chỉ, hành động, nét mặt và lời thoại phải đi khớp với nhau. Vì vậy, phải chính mình thoại mới khiến nhân vật có cảm xúc hơn, thật hơn”. Vì thế, hầu hết các vai diễn của Ngọc Lan, cô đều dành thời gian đến phim trường để lồng tiếng. Theo Ngọc Lan, việc lồng tiếng cũng không mất nhiều thời gian, quan trọng là ý thức, trách nhiệm của mình. Với những vai thoại dễ thì chừng 1 ngày là xong 10 tập, những vai thoại khó thì 1,5 ngày. “Do đội ngũ lồng tiếng ít nên khán giả thường bị nhàm chán khi nghe một giọng nói xuất hiện trong nhiều vai. Trong khi đó, khán giả quá quen với giọng nói mình, thấy hình mà không nghe tiếng, nhiều người sẽ không thích” - Ngọc Lan nói thêm.
Diễn viên Thanh Tuấn là người thường tự lồng tiếng cho vai diễn của mình
Ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Bận gì, tôi cũng phải dành thời gian đi lồng tiếng cho vai diễn của mình. Ngày nào đi lồng tiếng là ngày đó nghỉ đi hát, tránh giọng bị khàn, rè”. Cũng là diễn viên khá đắt sô hiện nay nhưng Lê Bê La, Thân Thúy Hà, Quý Bình, Huỳnh Đông, Cao Minh Đạt, Trung Dũng... là những gương mặt luôn chọn cách tự lồng tiếng cho nhân vật của mình bởi chỉ có họ mới cảm nhận được hết vai diễn của mình để thoại tốt, từ đó truyền tải cảm xúc tới người xem dễ dàng hơn. Theo diễn viên Thanh Tuấn, khi đứng trong phòng thu, lồng tiếng cho vai diễn mình lại thấy vui, thú vị, lại có nhiều cái lợi. “Đó là cơ hội tôi xem lại kỹ nhất diễn xuất của mình, chỗ nào đạt, chỗ nào chưa đạt để khắc phục. Hơn nữa có những câu thoại trên phim trường không hay, không đạt thì khi lồng tiếng, tôi sẽ chỉnh sửa, hoàn thiện” - anh nói. Diễn viên Ngọc Lan lại cho rằng: “Khi xác định tự lồng tiếng, mình sẽ học thoại, phát âm đúng để khi lồng đỡ vất vả hơn”.
Thật ra, không phải diễn viên nào cũng có sẵn giọng nói hay, khả năng biểu đạt cảm xúc tốt bằng giọng nói để tự lồng tiếng cho vai diễn. Ngọc Lan cho biết lúc mới vào nghề, giọng nói của cô rất dở, không được đạo diễn cho lồng tiếng vai diễn nên cô đã quyết tâm đi học những khóa lồng tiếng, diễn kịch tại sân khấu để rèn đài từ. Những diễn viên hiện nay có khả năng lồng tiếng, ngoài năng khiếu bẩm sinh còn là quá trình khổ luyện, chịu khó học hỏi.
Không ai nắm bắt và thể hiện được cảm xúc của nhân vật tốt hơn là chính người diễn xuất vai đó nên việc diễn viên tự lồng tiếng cho vai diễn của mình đáng được khuyến khích.
Bình luận (0)