Sau 1 tháng triển khai, trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP HCM kết thúc sáng 21-12, thu hoạch được 50 tác phẩm của 50 tác giả trong và ngoài nước. Chủ đề của trại sáng tác năm nay “TP HCM: phát triển và hội nhập”, do đó các tác phẩm vừa gợi nhớ về nét văn hóa Sài Gòn xưa vừa gửi thông điệp về một Sài Gòn năng động, hòa nhập để phát triển.
Trại sáng tác chất lượng
50 tác phẩm điêu khắc thể hiện trên nhiều chất liệu phong phú: đá, inox, sắt, đồng, theo 50 phong cách nhưng có một điểm chung: chắc khỏe, mạnh mẽ, hình khối đơn giản, đặc trưng cho loại hình điêu khắc ngoài trời.
Ông Lê Tôn Thanh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, Trưởng Ban tổ chức - cho biết các nhà chuyên môn đánh giá trại điêu khắc đạt chất lượng khá cao, nhiều ngôn ngữ mỹ thuật mới được đưa vào các tác phẩm, góp phần định hướng cho ngành điêu khắc ở TP HCM phát triển. “Quan trọng hơn là chúng ta tạo sân chơi thu hút các điêu khắc gia (ĐKG) trong và ngoài nước; đặc biệt, các ĐKG nước ngoài đánh giá cao cách thức tổ chức của mình hiện đại và chuyên nghiệp. Đó là điều làm ban tổ chức rất vui ” - ông Thanh nói.
ĐKG Fabian Saeran (Bỉ) cho biết ông rất ấn tượng cách tổ chức cũng như với những tác phẩm của các ĐKG, trại sáng tác này đem lại cho ông những trải nghiệm hay.
Sự chuyên nghiệp còn đến từ những ĐKG tham gia trại sáng tác, nhất là những ĐKG nước ngoài đã mang đến phong cách làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc ngay từ khâu gửi bản phác thảo rất chăm chút, luôn túc trực làm việc với thợ.
Theo ĐKG Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, đây là trại sáng tác điêu khắc chất lượng, có nhiều tác phẩm tốt, hình thức thể hiện tác phẩm không rườm rà, diễn tả trực giác khiến người xem cảm thấy thoải mái. “Điêu khắc ở đô thị cần đẹp về hình thức, không cần nội dung cầu kỳ, ngôn ngữ tạo hình đơn giản và đặc biệt phải hài hòa về hình khối, hài hòa với không gian kiến trúc xung quanh và trong quan niệm sáng tác, nghĩa là những tác phẩm khi nhìn vào không phải mất công suy đoán, làm cho người xem được thư giãn tinh thần”.
Dấu ấn văn hóa Sài Gòn
Bám sát chủ đề của trại sáng tác, các ĐKG đã tạo ra những tác phẩm gắn bó với đời sống văn hóa Sài Gòn. Tác phẩm “Thiên sử xanh” của ĐKG Phan Quân Dũng là một quyển sách về lịch sử bằng đá có hai mặt, một bên là khắc tượng rồng với hình dáng hiền lành và 2 chữ “Việt Nam” to lớn, bên còn lại là biểu tượng chợ Bến Thành, chiếc xích lô - 2 hình ảnh được xem là đặc trưng của Sài Gòn. “Quyển sách” đồ sộ này có thể đặt bất kể nơi nào để phục vụ du khách. “Nói chung, khi nhìn vào tác phẩm này của tôi, người ta sẽ biết ngay đó là Sài Gòn, không nhầm lẫn nơi nào được” - ĐKG cho biết.
Hình ảnh chiếc xích lô còn xuất hiện trong tác phẩm “Sài Gòn - xích lô” của ĐKG Nguyễn Hoàng Ánh và được phóng to bề thế với người đạp là nam và một cô gái mặc áo dài ngồi trên đó. Theo ĐKG Ánh, ý tưởng này đơn giản là “xích lô mang nét văn hóa của Sài Gòn”.
ĐKG trẻ Trần Việt Hà có tác phẩm “Ký ức Sài Gòn” ở thời buổi giao hòa văn hóa Đông - Tây mà đại diện là hình ảnh chiếc Vespa cổ được người đàn ông lái chở người phụ nữ mặc áo dài ngồi một bên duyên dáng. “Tôi muốn tái hiện hình ảnh Sài Gòn thập niên 1960-1970, lúc văn hóa Tây Âu du nhập nhưng mình vẫn giữ được nét văn hóa điển hình của người Việt là chiếc áo dài và tính cách phóng khoáng của người Sài Gòn” - ĐKG này gửi gắm thông điệp.
Văn hóa Sài Gòn tiếp tục trải ra ở các tác phẩm của các ĐKG như “Nôi” của ĐKG Nguyễn Hoàng Huy mang thông điệp Sài Gòn là một vùng đất đặc biệt như cái nôi quy tụ nhiều vùng miền khác nhau, quy tụ nhân tài khắp nước, không phân biệt giàu nghèo và đặc biệt là “dễ sống”. Tác phẩm “Chuyển động” của ĐKG Nguyễn Quốc Thắng mang ý nghĩa về nhịp sống TP HCM chuyển động từng ngày, từng giờ, không ngừng phát triển. Còn ĐKG Nguyễn Hồng Dương với tác phẩm “Hội tụ” cho biết thông điệp của ông: “TP HCM là nơi đất lành chim đậu”.
Ban tổ chức đã trao 3 giải xuất sắc cho 3 tác phẩm: “Đời cá” (Ngô Liêm), “Kết nối” (Đỗ Thế Thịnh) và “Philosophical investigation III” (Nghiên cứu triết học III) của ĐKG Fabian Saeren (Bỉ). Ngoài ra, BTC còn trao 4 giải khuyến khích cho 1 ĐKG Việt Nam và 3 ĐKG nước ngoài (Romania, Nga, Ukraine). Bảy tác phẩm này cùng 14 tác phẩm khác sẽ được BTC trưng bày ở phố đi bộ Nguyễn Huệ để phục vụ người dân thưởng ngoạn trong dịp lễ Tết sắp tới. Những tác phẩm còn lại, BTC sẽ xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP để tìm nơi thích hợp trưng bày.
Bình luận (0)