Về phim Hàn Quốc, Trung Quốc độc chiếu, ông Nguyễn Hà Nam, người phát ngôn của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cho biết VTV sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để đa dạng hóa thể loại phim, không để phim của một nước nào độc chiếu trên sóng truyền hình quốc gia. Tuy nhiên, ông Nam cũng phải thừa nhận do thị hiếu và sự tương đồng về văn hóa, thẩm mỹ, khi tuyển duyệt các phim nước ngoài công chiếu trên VTV, tỉ lệ phim Hàn Quốc, Trung Quốc có nhiều hơn phim của các nước Âu, Mỹ...
“Chúng tôi cũng đâu có muốn chỉ nhập phim Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng các đài truyền hình lâu nay cứ mua, cứ phát theo thị hiếu của khán giả.
Bày tỏ ý kiến trên các diễn đàn từ thông tin hạn chế phát sóng phim Hàn Quốc - Trung Quốc, nhiều khán giả cũng cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi khi chất lượng phim Hàn Quốc cũng đã ngày càng bão hòa; phim Trung Quốc - cả phim mới lẫn làm lại - cũng không còn sức thu hút như trước đây.
“Theo tôi, đã đến lúc Nhà nước cần phải nghiêm khắc, mạnh tay chấn chỉnh việc này. Văn hóa Hàn đang ngày càng lấn lướt, áp đảo và ảnh hưởng rất lớn đến lối sống của giới trẻ Việt Nam hiện nay. Đó chính là hệ lụy từ phim ảnh Hàn Quốc mang lại. Chúng tôi cũng từng mua phim của Mỹ, Ấn Độ, Philippines đấy chứ hoặc phim Thái Lan, văn hóa của họ cũng rất gần với Việt Nam nhưng vài ba bộ phim phát sóng thưa nhặt thì cũng không nói lên điều gì cả” - bà Bích Liên bộc bạch.
Thế hệ khán giả hàng thập kỷ trước đã được thưởng thức những bộ phim có thể trở thành một phần ký ức trong đời, hoàn toàn không phải là phim của Trung - Hàn. Nếu nhắc lại, sẽ không ít người nhớ những bộ phim đã từng làm nên “cơn sốt” tại Việt Nam: Những cuộc phiêu lưu của Sinbad, phim truyền hình Canada, phát sóng vào những năm 1996-1998; Osin của Nhật; Người giàu cũng khóc của Brazil; Thế giới bí mật của Alex Mack, Sabrina - Cô phù thủy nhỏ, Luz Carita - Trái tim bé nhỏ, Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên,... của Mỹ... Còn thế hệ khán giả hôm nay chỉ được biết đến phim Trung Quốc, Hàn Quốc.
Cho nên, cùng với yêu cầu hạn chế phát sóng phim Hàn Quốc - Trung Quốc, Nhà nước cũng cần thiết phải có một chiến lược cụ thể, tạo điều kiện để phim của các quốc gia khác được phát sóng trên các kênh truyền hình.
Theo bà Vũ Thị Bích Liên: “Ở Hàn Quốc, ngoài việc phát sóng phim trong nước, quy định giờ phát phim ngoại trên các kênh truyền hình khá chặt chẽ. Việc nhập phim nước ngoài cũng có những quy định riêng, thậm chí cam kết mua phim nước này cũng phải mua thêm phim của nước khác. Còn ở nước ta, lâu nay điều này không hề được chú trọng”.
Tăng phim Việt trên sóng quốc gia
Ở thời điểm này, phim Việt dường như chỉ dần lấy lại vị trí ở Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM, Đài Truyền hình Bình Dương - những đài truyền hình có tiềm lực kinh tế lớn. Dù hằng ngày vẫn phát sóng phim Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng phim phát sóng giờ vàng của VTV đều là phim Việt Nam. Ông Nguyễn Hà Nam cho biết kết quả thanh tra của Bộ Thông tin - Truyền thông tháng 7-2012 cho thấy 2 năm trở lại đây, tỉ lệ phim Việt trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam đạt từ 45%-47%. Cho đến lúc này, tất cả khung giờ có tỉ lệ người xem cao nhất của VTV đều dành cho phim Việt Nam. Ông Nam cho biết VTV chưa vừa lòng với tỉ lệ phim Việt Nam hiện nay và đang tiếp tục có biện pháp đẩy mạnh sản xuất phim trong nước. Từ tháng 10-2012, VTV giảm bớt khung 11 giờ phim nước ngoài trên VTV1 để dành cho các chương trình chính luận, sang năm sẽ tăng thêm khung phim Việt Nam trên VTV3 và bố trí một tháng có 4 buổi phim điện ảnh cuối tuần trên VTV1 vào chủ nhật. |
Bình luận (0)