Cầm chiếc tượng Mai Vàng 2009 trên tay, Trần Vi Mỹ bật khóc. Một vinh dự mà anh từng mơ nhưng chưa bao giờ dám nghĩ một ngày nào đó có được. Cha mẹ Mỹ cũng bật khóc theo con, bởi ước mơ của anh cũng đã phần nào được toại nguyện. Đạo diễn Trần Vi Mỹ thổ lộ: “Đời tôi không thể quên được giây phút vinh quang này”.
Đạo diễn Trần Vi Mỹ phát biểu khi nhận giải Mai Vàng 2009. Ảnh: T.THẠNH
Giấc mơ sân khấu có từ bé
Để trở thành một đạo diễn ca nhạc, ít nhất phải qua quá trình đào tạo căn bản nhưng đạo diễn Trần Vi Mỹ là người làm ngược lại. Với nghệ thuật sân khấu, anh đúng là một kẻ ngoại đạo ăn may. Vốn là nhân viên hành chính ngành ngân hàng, anh bước vào nghề dàn dựng sân khấu ca nhạc bằng niềm đam mê cháy bỏng. Chính niềm đam mê ấy đã giúp anh thành công.
Trần Vi Mỹ nhớ lại từ lúc lên 4-5 tuổi, anh được cha mẹ dẫn về quê chơi, lần đầu tiên được ông bà nội dẫn đi xem hát trên các ghe xuồng đậu trên sông. Những bóng đèn xanh đỏ trên sân khấu đã ám ảnh anh. Anh bảo: “Có lẽ cũng từ lúc đó tôi phân biệt được các màu xanh, đỏ, tím, vàng... Giống như chúng bạn cùng trang lứa, tôi nằng nặc đòi mẹ mua cho những viên bi thủy tinh nhưng không để chơi mà để ngắm nghía sắc màu của chúng”. Niềm đam mê sân khấu cứ thế lớn dần theo năm tháng.
Có lẽ điều đó đã hình thành trong anh sở thích đi xem hát tuồng, kịch, ca nhạc. “Thật lòng, tôi cũng không hề nghĩ rằng mai này mình sẽ làm đạo diễn. Tôi thích đi xem những gì thuộc về sân khấu và thấy thỏa lòng khi xem xong một vở kịch, một chương trình ca nhạc nào đấy. Sau mỗi lần như vậy, tôi lại rút ra cho mình những điều rất bổ ích”- Trần Vi Mỹ tâm sự.
Từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp
Cả nhà đều thích nghệ thuật nhưng mỗi lần Trần Vi Mỹ nhắc đến việc mình sẽ theo con đường nghệ thuật là cha mẹ anh lại gạt phắt đi vì cho đó không phải là nghề. Mỗi ngày, anh vẫn lén gia đình sang Cung Văn hóa Lao động - TPHCM học khiêu vũ. 15 tuổi, anh trở thành một vũ công khiêu vũ nghệ thuật chuyên nghiệp. Khi gia đình phát hiện, họ đã buộc anh từ bỏ để tập trung học đại học.
Thế rồi Trần Vi Mỹ tốt nghiệp đại học kinh tế và trở thành nhân viên ngân hàng. Anh bảo: “Nói tôi không an phận cũng đúng hay sân khấu ám ảnh tôi cũng không sai. Làm nhân viên hành chính nhưng tôi xung phong viết kế hoạch chi tiết và cụ thể các chương trình sự kiện của đơn vị tổ chức.
Thấy tôi nhiệt tình, cơ quan tin tưởng giao thực hiện. Không ngờ, những gì tôi làm được tốt ngoài mong đợi của mọi người. Vậy là từ đó về sau, chương trình nào của cơ quan tổ chức, tôi đều được giao nhiệm vụ thực hiện. Có lẽ đây là cái nôi, là môi trường tốt nhất để tôi rèn luyện tay nghề, từ đó mạnh dạn bước vào con đường đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp như hiện nay”.
Bước chân vào “con đường khó nhọc”
Không hẳn là một tân binh trong giới đạo diễn bởi đến nay, Trần Vi Mỹ đã có 5-7 năm làm quen với nghề. Nhưng, điều không thể phủ nhận, Trần Vi Mỹ chưa phải là một thương hiệu đạo diễn tiếng tăm. Không ít chương trình của anh thực hiện gắn với tên tuổi của ngôi sao, như: Dạ tiệc trắng, Người tình của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Anh bảo: “Con đường tôi đang đi đầy gập ghềnh, chông gai. Không phải tôi quá tham vọng tạo dựng tên tuổi cho mình mà cái chính là tôi muốn thực hiện được những đam mê, khát khao của mình”.
Anh luôn ao ước một ngày nào đó khi nhắc đến Trần Vi Mỹ, khán giả sẽ nhớ ngay đến một nét đặc thù trong dàn dựng của anh. Nếu Huỳnh Phúc Điền nổi tiếng với biệt danh “phù thủy sân khấu”, Phạm Hoàng Nam là “bậc thầy sử dụng ánh sáng” thì Trần Vi Mỹ khát vọng trở thành “người biết vận dụng cảnh trí một cách hợp lý”. Ở tuổi 40, Trần Vi Mỹ cho rằng “đó là thời điểm chín muồi trong sáng tạo nghệ thuật, thậm chí là sung sức”.
Để có thể biến ước mơ của mình thành sự thật, một trong những điều đầu tiên Trần Vi Mỹ muốn làm là lên kế hoạch tốt nhất cho việc học nghề. Anh cho biết: “Một thời gian ngắn nữa, khi sắp xếp ổn thỏa công việc hiện nay, tôi sẽ đi nước ngoài học thêm nghề đạo diễn”.
Đạo diễn gắn với Đàm Vĩnh Hưng
|
Bình luận (0)