Vụ việc càng nghiêm trọng hơn khi ông Cao Đức Trường đã gửi đơn đến Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, khiếu nại ông Phạm Thùy Nhân đã lấy ý tưởng từ kịch bản Đào mai hội ngộ của ông và kịch bản Ngàn năm thương nhớ (tác phẩm chung của hai người) để viết nên Tây Sơn hào kiệt.
Cảnh trong phim Tây Sơn hào kiệt. Ảnh: Th.Phúc
Nhập nhằng giữa kịch bản cũ và mới
Ông Nguyễn Huy Thành, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, cho biết kịch bản ban đầu có tên là Đào mai hội ngộ, do chính ông đưa ra ý tưởng và đặt hàng tác giả Cao Đức Trường viết. “Toàn bộ ý tưởng về kịch bản tôi chỉ nói bằng miệng. Ông Trường đã làm đề cương chi tiết và viết thành 1 tập phim. Kịch bản ban đầu ký tên Cao Đức Trường – Huy Thành. Sau khi Đào mai hội ngộ hoàn thành, nhận thấy kịch bản này vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh nên tôi đã mời nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cộng tác. Ông Cao Đức Trường cũng đồng ý việc này” – ông Huy Thành cho biết.
Sau khi nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân chấp bút thì kịch bản được phát triển thành 2 tập với tên gọi mới là Ngàn năm thương nhớ. Kịch bản này đề tên Phạm Thùy Nhân – Cao Đức Trường – Huy Thành và được gửi đi tham dự cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Về sau này, ông Cao Đức Trường cũng khai thác hình ảnh Nguyễn Huệ qua kịch bản Mùa xuân năm Kỷ Dậu, còn Phạm Thùy Nhân thì viết đề tài này với tên Tây Sơn hào kiệt theo yêu cầu của Hãng phim Lý Huỳnh. Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân nói: “Khi viết Tây Sơn hào kiệt, tôi có sử dụng lại những chi tiết mình đã thêm vào Ngàn năm thương nhớ trước đây. Lý Huỳnh cũng có góp ý thêm phần võ thuật và nhân vật nữ cho diễn viên Lý Hương đóng. Vì vậy, tôi đã viết thêm nhiều nhân vật và sự kiện, ví dụ như Bùi Thị Xuân, đệ nhất võ sĩ Thanh Triều, trận hỏa long của quân Tây Sơn...”.
Còn ông Cao Đức Trường thì cho rằng ông mới là tác giả chính của kịch bản phim về vua Quang Trung. Ông Trường nói, trong hợp đồng ký kết giữa Hãng phim Bến Nghé của Hội Điện ảnh TPHCM và 3 tác giả: Cao Đức Trường, Phạm Thùy Nhân và Nguyễn Huy Thành vào năm 2002 thì tên ông đứng đầu tiên. Ông Trường còn khẳng định: “Cho đến nay thì tôi cũng chưa ủy nhiệm quyền mua bán kịch bản này cho ai. Vì vậy, tôi buộc phải lên tiếng. Nguyện vọng duy nhất của tôi là muốn có sự tôn trọng và công bằng đối với tác giả, chứ không vì một mục đích nào khác”.
Sửa lại kịch bản là xong (!)
Tại cuộc họp của các bên liên quan với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TPHCM vào sáng 2-3, phía sở đã có yêu cầu các bên nên giải quyết nội bộ. Ông Nguyễn Huy Thành cũng đã đưa ra hướng giải quyết là đề tên tác giả Phạm Thùy Nhân, dựa theo tác phẩm Đào mai hội ngộ của tác giả Cao Đức Trường. Ông Trường đồng ý hòa giải theo hướng này, nhưng cũng đưa ra một số yêu cầu khác nên thỏa thuận này đã không được giải quyết. Trước đó, trong cuộc họp nội bộ tại Hội Điện ảnh TPHCM vào ngày 25-2, ông Thành cũng đề nghị trước khi đi đến kết luận thì cần có sự so sánh đối chiếu những điểm giống nhau (nếu có) của hai kịch bản. Tuy nhiên, ông Cao Đức Trường đã không đồng ý đưa ra kịch bản của mình và tuyên bố sẽ kiện ra tòa.
Ông Phạm Thùy Nhân cho biết: “Khi nghe thông tin về việc tranh chấp tác quyền kịch bản Tây Sơn hào kiệt, NSƯT - đạo diễn Lý Huỳnh đã gọi điện thoại yêu cầu tôi phải sửa lại toàn bộ những chi tiết có trong kịch bản Ngàn năm thương nhớ. Tôi sẽ sửa lại những chi tiết bị xem là có trong Ngàn năm thương nhớ - mặc dù những chi tiết tôi chắt lọc từ Ngàn năm thương nhớ cũng là những sáng tác của tôi”.
Theo ông Phạm Thùy Nhân, việc sửa đổi kịch bản của ông sẽ không làm ảnh hưởng gì đến tiến độ thực hiện phim này.
Bình luận (0)