So với các hạng mục khác, Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng tranh Giải Mai Vàng năm nay là “khó chịu nhất” để chọn lựa người xứng đáng, như nhận định của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện. Theo ông, sự cân bằng về tên tuổi, vị trí giữa họ khiến bạn đọc không biết chọn ai, bỏ ai.
Giọng ca sở trường
Cả Quang Linh lẫn Thanh Thúy đều là những giọng hát tài năng chinh phục hàng triệu khán thính giả yêu nhạc từ hàng chục năm nay ở phong cách âm hưởng dân ca và truyền thống cách mạng.
“Với ca sĩ Thanh Thúy, ở dòng nhạc nào chị cũng thể hiện rất xuất sắc. Khát vọng (Phạm Minh Tuấn) là một ca khúc quá đỗi quen thuộc với khán thính giả qua cách thể hiện khác nhau của nhiều thế hệ ca sĩ nhưng Thanh Thúy vẫn tạo nên một nét rất riêng cho cách thể hiện của mình” - nhạc sĩ Minh Châu nhận xét.
Từ trên xuống: Thanh Thúy, Tùng Dương, Quang Linh, Đức TuấnẢnh: Leon Trần
Theo ca sĩ - nhạc sĩ Anh Tuấn (nhóm MTV), Thanh Thúy là giọng ca bài bản điển hình với khả năng xử lý kỹ thuật thanh nhạc chuẩn mực. “Thanh Thúy hát được nhiều thể loại nhạc, đặc biệt là truyền thống cách mạng - một phong cách khó trình diễn thành công nhưng chị vẫn thể hiện rất tuyệt. Hơn hết, điểm nổi bật của chị là luôn tạo nên dấu ấn cho riêng mình và ca khúc Khát vọng cũng không ngoại lệ” - Anh Tuấn phân tích.
Điều này lý giải không chỉ năm nay mà nhiều năm trước, Thanh Thúy luôn là ứng viên sáng giá của Giải Mai Vàng ở hạng mục Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng. Trong đó, năm 2012, Thanh Thúy đã đoạt Giải Mai Vàng ở hạng mục này. “Với chất giọng nữ cao sở trường nên Thanh Thúy thể hiện tốt những bài hát truyền thống cách mạng. Nhờ chăm chỉ trong lao động nghệ thuật, Thanh Thúy có được sự mến mộ bền lâu của công chúng thuộc dòng “nhạc đỏ” - nhạc sĩ Trần Minh Phi nhìn nhận.
Cũng để lại nhiều ấn tượng với công chúng ở bảng đề cử Giải Mai Vàng năm nay là ca sĩ Quang Linh - ca khúc Tình ta biển bạc đồng xanh (sáng tác của Hoàng Sông Hương). Ca khúc này không phát hành như nhiều sản phẩm âm nhạc khác mà chỉ được thể hiện một lần trong chương trình Giai điệu tự hào và đôi lần trên sóng truyền hình nhưng Quang Linh vẫn đủ sức tạo nên dấu ấn sâu đậm trong lòng khán thính giả yêu nhạc.
“Quang Linh là một trong những ca sĩ sở hữu giọng hát thách thức thời gian, tuổi tác. Anh hát vẫn mượt mà, đầy nội lực như hàng chục năm trước, đủ tạo nên sức hấp dẫn rất riêng cho ca khúc mình thể hiện” - ca sĩ - nhạc sĩ Anh Tuấn bình luận. Theo nhạc sĩ Trần Minh Phi, cá tính âm nhạc của Quang Linh hiện khó ai thay thế: trữ tình nhưng cũng rất khỏe khoắn.
Ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan (nhóm 5 Dòng Kẻ) cho rằng Tình ta biển bạc đồng xanh là một ca khúc khó nhưng Quang Linh vẫn hát một cách dễ dàng. “Đó là sự tinh tế của giọng ca đầy nội lực luôn dư thừa khả năng biến những gì khó khăn, phức tạp trở nên đơn giản” - Bảo Lan bày tỏ.
Lần đầu chạm ngõ đã gây ấn tượng
Với Tùng Dương và Đức Tuấn, nhạc truyền thống cách mạng không phải là sở trường nhưng khi chạm ngõ dòng nhạc này, cả hai đều để lại ấn tượng với công chúng.
“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hoàn toàn đúng với trường hợp của ca sĩ Đức Tuấn. Tổ quốc gọi tên mình (sáng tác Đinh Trung Cẩn, thơ Nguyễn Phan Quế Mai) là ca khúc thời sự nhất thời gian qua. Chính vì vậy, khi thể hiện ca khúc này, Đức Tuấn đã khơi gợi được cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người nghe” - nhạc sĩ Minh Châu lý giải.
Nhà báo Minh Đức nhận xét: “Có thể gọi đây là sự may mắn của Đức Tuấn khi anh thể hiện một ca khúc đúng thời điểm mọi người đang sôi sục tinh thần yêu nước, hướng về biển đảo. Tổ quốc gọi tên mình trở thành ca khúc biểu tượng - dù chỉ trong thời điểm nhất định - vẫn tạo nên những thành công đáng kể cho Đức Tuấn”.
Dẫu vậy, theo nhạc sĩ Trần Minh Phi, giọng nam cao bán cổ điển sang trọng, trẻ trung lẫn hiện đại này có ưu thế riêng của mình. Anh đang trong giai đoạn bắt đầu chín muồi của sự nghiệp. Đức Tuấn có kỹ thuật belcanto khá tốt, điều đó giúp anh thể hiện thành công ca khúc Tổ quốc gọi tên mình.
Tùng Dương cũng nhận được rất nhiều lời khen từ giới chuyên môn về giọng ca đa phong cách của mình. “Chất giọng ở giữa nam cao và nam trung nên Tùng Dương có lợi thế hát được nhiều phong cách âm nhạc khác nhau. Anh hát tốt từ dân gian đương đại, jazz, world music cho đến nhạc trẻ và cả “nhạc đỏ”. Anh là một ca sĩ luôn muốn thử nghiệm đa phong cách. Tuy nhiên, lợi thế đó cũng mang đến cho Tùng Dương một hạn chế: Làm được và lạ các phong cách mà anh hướng đến nhưng chưa có cái nào đạt đến độ chín” - nhạc sĩ Trần Minh Phi thẳng thắn.
Trong khi đó, ca sĩ - nhạc sĩ Anh Tuấn cho rằng Tùng Dương là một giọng ca cá tính đầy hấp dẫn bởi sự độc đáo trong cách thể hiện các ca khúc thuộc dòng nhạc dân gian đương đại. “Khi thể hiện một ca khúc truyền thống cách mạng như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Tùng Dương vẫn cho thấy một góc độ khác trong giọng hát của mình: vẫn cá tính, khác biệt, không lẫn lộn mà vẫn đủ sự mượt mà cần thiết. Tùng Dương vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của tôi” - Anh Tuấn khẳng định.
“Tùng Dương hát quá hay. Với một ca khúc truyền thống cách mạng nhiều chất trữ tình như Bài ca hy vọng, anh ấy vẫn tạo nên một phiên bản rất riêng, đúng chất Tùng Dương. Điều đó thật tuyệt vời” - ca sĩ Phương Vy cảm nhận.
Theo các nhà chuyên môn, cả 4 ứng viên đều có những ưu thế riêng nên cuộc đua ở hạng mục Ca sĩ hát nhạc truyền thống cách mạng lần này trở nên gay cấn nhất.
TÀI TRỢ CHÍNH
TÀI TRỢ PHỤ
Bình luận (0)