Hàng loạt chương trình truyền hình thực tế cũ và mới đụng nhau chan chát trên sóng truyền hình, từ nấu ăn, vận động trường đến thi thời trang, người mẫu, ca hát,... Đặc biệt trong ca hát, có đến hàng chục chương trình cho đủ thành phần, lứa tuổi tham gia. Khán giả truyền hình tha hồ lựa chọn chương trình để giải trí. Thế nhưng, không khó để nhận ra sự giẫm chân nhau của các chương trình khi nội dung cứ na ná nhau, thí sinh xuất sắc càng khan hiếm dễ gây nhàm chán cho khán giả và rốt cuộc, chương trình nào cũng sẽ “chết” vì thiếu vắng khán giả.
Giành khán giả
Cuộc thi Project Runway (tên tiếng Việt là Nhà tạo mẫu đẳng cấp) do Công ty Multimedia tổ chức vừa kết thúc không lâu, Công ty Cát Tiên Sa thông báo chuẩn bị ra mắt chương trình truyền hình thực tế Ngôi sao thiết kế Việt Nam 2013. Giống như Project Runway, Ngôi sao thiết kế Việt Nam cũng là một cuộc thi nhằm tìm kiếm tài năng trong lĩnh vực thiết kế thời trang.
Khi The voice kids - Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên đang tạo ít nhiều hứng thú bởi sự trong sáng của thí sinh trẻ thơ thì cuộc thi Đồ Rê Mí mùa thứ 7 cũng lên sóng. Dù không đụng nhau về độ tuổi thí sinh (Đồ Rê Mí dành cho thí sinh từ 5 đến 8 tuổi trong khi Giọng hát Việt nhí dành cho thí sinh từ 9 đến 15 tuổi) nhưng tựu trung, cả hai vẫn là cuộc đua của những giọng ca trẻ con “già trước tuổi”. Thí sinh được chọn đều là những đứa trẻ biết diễn, thể hiện cảm xúc bên cạnh giọng hát. Sự vượt trội dễ thấy so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Đó chính là lý do khán giả ít thấy sự khác biệt của 2 sân chơi này.
Tuy nhiên, cái đáng nói nhất vẫn là đã xảy ra sự giẫm chân nhau ở lĩnh vực ca hát dành cho từng đối tượng, cụ thể như The voice - Giọng hát Việt, Vietnam Idol, The voice kids - Giọng hát Việt nhí, Đồ Rê Mí, Tiếng hát mãi xanh hay gom mọi đối tượng như The winner is - Tôi là người chiến thắng...
Truyền hình thực tế đang là miếng bánh ngon khiến các công ty kinh doanh giải trí đua nhau nhảy vào tranh phần. Tuy nhiên, một khi khán giả bị bội thực và nhàm chán thì miếng bánh trở nên khó nuốt. Cái “chết” diễn ra là điều tất yếu với nhiều nhà sản xuất.
Nhợt nhạt ngay từ mùa đầu
Không hấp dẫn là kết quả tất yếu khi các chương trình ào ạt xuất hiện cùng lúc và cùng nội dung. Sự lặp lại luôn mang đến cảm giác nhàm chán. Dù IronChef là cuộc thi dành cho đầu bếp chuyên nghiệp hay MasterChef dành cho những người yêu thích nấu nướng thì cảm xúc về nấu ăn thực tế chỉ có một. Sự sáng tạo trong từng món ăn, cách thức bài trí, khả năng trời phú về mùi vị chính là tiêu chí hàng đầu để các thí sinh tỏa sáng và thu hút khán giả. Chính vì vậy, khán giả có thể có được cảm xúc hồi hộp theo dõi trận đấu nấu ăn ở IronChef hoặc MasterChef nhưng nếu phải theo dõi cả 2 chương trình thì lại trở thành thừa.
Tương tự, khoan bàn đến những hứa hẹn hấp dẫn ở cuối cuộc thi Ngôi sao thiết kế Việt Nam, việc những nhà thiết kế trẻ khẳng định tài năng qua một chương trình truyền hình khó tạo nên những bất ngờ thú vị. Dù cố tạo nên sự khác biệt thì phương thức tìm kiếm tài năng ở Ngôi sao thiết kế Việt Nam cũng sẽ không khác mấy so với Nhà tạo mẫu đẳng cấp.
Nhiều chương trình đụng nhau trong cùng thời điểm, lượng người xem bị chia sẻ và điều đó đồng nghĩa với việc giảm sút tài trợ và quảng cáo vì chỉ số khán giả thấp.
Gặp hoài gương mặt quen Điều đáng nói nhất chính là việc khan hiếm một cách trầm trọng thí sinh tài năng nổi bật cho từng cuộc thi khi tính cạnh tranh ngày càng gắt gao giữa các chương trình cùng nội dung. Với thí sinh, đây là điều kiện tốt khi bản thân mỗi người đều có hơn một sự lựa chọn và nếu có thể, họ sẽ dễ dàng có cơ hội chiến thắng khi biết chọn cho mình một cuộc thi có tiêu chí tuyển chọn phù hợp nhất với khả năng của họ. Điều này lý giải vì sao một giọng ca là quán quân hay á quân của cuộc thi này nhưng lại cực kỳ mờ nhạt ở cuộc thi nọ. Dẫu vậy, việc cứ phải gặp lại một gương mặt quen chạy hết chương trình này đến chương trình khiến họ dễ cảm thấy nhàm chán. |
Bình luận (0)