Họa sĩ Trương Bé (Huế) hẳn có tên trong lịch sử mỹ thuật thời kỳ đổi mới vì là đồng “khổ chủ” của cuộc triển lãm tranh trừu tượng đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1988.
“Ra đời ở châu Âu đã một thế kỷ, nhưng với Việt Nam thời trước mở cửa, hội họa trừu tượng được coi là “cặn bã của tư sản”, nghệ thuật phi hình thể, phi hiện thực XHCN”- Trương Bé kể.
Nhạc sĩ Văn Cao dù đang ốm cũng bắt xích lô, chống gậy đến xem triển lãm và nói: “Khá lắm! Thế là Trương Bé đã làm được cái điều mà 40 năm trước bọn mình bỏ dở”.
Mỹ thuật Việt Nam - thời đổi mới đã qua
Theo Bùi Như Hương, trước 1986, nếu bút pháp và nội dung hiện thực XHCN là độc tôn trong sáng tác mỹ thuật thì giờ đây nó chỉ là một bút pháp ngang hàng, bình đẳng với các bút pháp khác.
Nhưng những hệ lụy về vật chất và tinh thần của thời bao cấp (chẳng hạn thiếu họa phẩm để vẽ) khiến các họa sĩ đến đầu những năm 1990, mới thực sự sẵn sàng cho công cuộc đổi mới nghệ thuật mà Bùi Như Hương cho rằng “thực chất chẳng có gì là phi thường, chỉ là sự trở về với chính mình, với hoạt động nghệ thuật đúng nghĩa”.
Theo nhà phê bình Nguyễn Quân, song song với mỹ thuật đổi mới vẫn tồn tại 2 bộ phận: mỹ thuật bao cấp và mỹ thuật phong trào có tính chính trị-xã hội do hội chuyên ngành chủ trì.
Hoạ sĩ Trần Lương coi đây là xu hướng “trong luồng” với thành tựu là 5 cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, và 15 trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong vòng 20 năm.
“Ngoài ra không thể không kể đến hàng loạt tác phẩm hoành tráng xây lên thì dễ phá đi thì khó là các tượng đài cúng cụ”. Trần Lương viết. “Thử hỏi dăm trăm cái huy chương, bằng khen, hàng ngàn tấn bê tông, đồng, sắt, tiêu tốn nhiều tỷ đồng ngân sách, thảy đã đem lại sự tiên tiến nào cho đời sống thẩm mỹ của người Việt”.
Theo “bắt mạch” của Nguyễn Quân thì “đây là sự kéo dài không hiệu quả của nghệ thuật thời bao cấp do chưa tìm ra được một mô hình quản lý văn nghệ hiệu quả trong thời kỳ mới”.
Thời khủng hoảng chưa hết
Lê Bá Thanh từ TP HCM cảnh báo: “Càng ngày càng ít họa sĩ sáng tác với tâm huyết, mà phổ biến sáng tác như hoạt động sản xuất, công việc làm ăn.
Hiện tại, khi nghệ sĩ có thể cởi mở bày tỏ thái độ hơn, một vài người lại thái quá, cường điệu các vấn đề chính trị xã hội để làm vừa lòng người phương Tây. Hiện tượng này đang có nguy cơ trở thành một trào lưu. Do không thể hiện được những trăn trở thực sự và chân thành của các nghệ sĩ, nên nó sẽ không đóng góp gì tích cực vào nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Natalia Kreavskaia |
Có họa sĩ thổ lộ: Một tháng sáng tác 30-40 tranh. Nhiều họa sĩ thuê hàng chục thợ vẽ, đưa ảnh chụp ra cho thợ vẽ, khi vẽ xong chỉ việc tút lại và ký tên.
Thu nhập của họa sĩ (TPHCM) sau năm 1990 tăng nhanh và tăng gấp hàng trăm lần”. Song tranh Việt Nam có thị trường ở nước ngoài chỉ được vài năm (1990-1996).
Khách Âu- Mỹ ngày nay đã bớt hiếu kỳ trước những bức tranh Việt Nam “ngộ nghĩnh” nửa Âu nửa Á. Họ trở nên cảnh giác trước một thị trường ngày càng hỗn loạn bởi tranh nhái, tranh giả. Các họa sĩ tự trưng bày, tự bán (khỏi qua gallery để phải nộp thuế) và tự phá giá tranh của mình.
Nếu năm 1998-2000, lượng tranh Việt Nam bán ra của Thavibu Gallery (Bangkok)- chuyên về mỹ thuật Thái Lan, Việt Nam và Miến Điện- chiếm hơn 70% thì đến năm 2006, tỷ lệ này chỉ còn 29%. Lý do: “Tranh giả nhiều quá và thiếu sự đổi mới!”.
Theo Bội Trân triển lãm Triennial châu Á - Thái Bình Dương (APT) tại Queensland liên tục mời họa sĩ Việt Nam tham dự từ lần đầu tổ chức 1993 đến 1999.
APT 2002 với tiêu chí tìm kiếm “một số nghệ sĩ đã thách thức và có ảnh hưởng tới dòng chảy nghệ thuật cũng như nền văn hóa đương đại trong suốt 4 thập niên qua” nhưng đã không mời được một nghệ sĩ Việt Nam nào.
“Nếu lật ngược lời phát biểu trên, người ta có thể hiểu mỹ thuật Việt Nam đương đại chịu ảnh hưởng từ bên ngoài nhiều hơn, và chưa gây ra được một ảnh hưởng đáng kể nào bên ngoài Việt Nam”. Vì thế, APT 2006 chuyển sang mời nghệ sĩ Việt kiều.
Bình luận (0)