xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ con làm trò giải trí cho người lớn: Hãnh diện vì có con đi thi

Thùy Trang

Nếu những đứa trẻ đi thi thấy tự hào về bản thân chúng một thì phụ huynh hãnh diện gấp trăm, ngàn lần

Hình ảnh những đứa trẻ xinh xắn, lém lỉnh hát, nhảy luôn chiếm được cảm tình của người lớn. Nếu có thêm tài năng, hay gọi một cách dễ hiểu là giỏi giang thì quá tuyệt vời trong mắt mọi người. Vậy nên, nếu những đứa trẻ thấy tự hào về bản thân chúng một thì phụ huynh hãnh diện gấp trăm, ngàn lần. Đó là tâm lý phổ biến của những ông bố, bà mẹ khi đưa con đi thi hát, thi nhảy ở các chương trình truyền hình giải trí hiện nay.

Cho mọi người thấy con mình tài năng

Chị N., mẹ của thí sinh đoạt giải ba chương trình “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa đầu tiên, cho biết số tiền thưởng cháu được nhận là 30 triệu đồng, trong khi chi phí mà chị đầu tư để cháu dự thi lên đến 120 triệu đồng. Nhưng điều đó chẳng đáng gì so với công sức, tâm huyết, những lo toan, tính toán của cha mẹ bỏ ra để con qua được các vòng thi, kể từ khi đưa cháu đến ghi danh tham gia chương trình. “Dù vậy, gia đình cũng rất vui vì con mình đã chiến thắng và ai cũng nhận ra cháu khi được xuất hiện liên tục trên truyền hình. Thật hãnh diện!” - chị N. nói.

Một tiết mục dự thi của thí sinh trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí 2014”. (Ảnh do chương trình cung cấp)
Một tiết mục dự thi của thí sinh trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí 2014”. (Ảnh do chương trình cung cấp)

Bạn của chị N. cũng đăng ký cho con đi thi “Bước nhảy hoàn vũ” mùa thứ hai dù cháu không thuộc nhóm học viên ưu tú trong lớp học nhảy. Để chắc thắng, chị chuyển lớp cho con sang học thầy là một kiện tướng dancesport, có thâm niên làm giám khảo với kỳ vọng con sẽ tạo dấu ấn tại cuộc thi và trên sóng truyền hình. Tất nhiên, tiền học cũng tăng nhiều lần, từ 400.000 đồng/giờ lên 1,4 triệu đồng/giờ. Dù chị được thầy dạy nhảy cũ của cháu khuyến cáo “đừng tốn tiền bạc, công sức vô ích vì sẽ không đạt được gì” nhưng chị bảo: “Kệ, cháu được lên sóng truyền hình cũng vui mà. Đâu phải đi thi để giành giải”.

Nhiều ông bố, bà mẹ cứ con hát là khen hay và “đẩy” vào những cuộc thi nên đôi khi làm chúng bị tổn thương. Còn nhớ vụ cả gia đình bé Quỳnh Anh ở chương trình “Vietnam’s Got Talent 2012” bị công chúng “ném đá” tả tơi trên mạng vì ca ngợi tài năng con em mình hết lời nhưng thực tế tiết mục biểu diễn của cháu không như lời người lớn nói. Bị tổn thương đến mức không chịu nổi, cô bé phải gửi thư cầu cứu đến chủ tịch Quốc hội.

“Giọng hát Việt nhí” mùa đầu diễn ra trong không khí căng thẳng của cả thí sinh lẫn phụ huynh. Ai cũng cho con mình là nhất, các em cũng nghĩ theo bố mẹ nên mới thể hiện tính “ăn thua đủ” với nhau. Em nào bị loại ở các vòng của cuộc thi cũng đều nước mắt giàn giụa trên gương mặt, tiếng khóc nấc lên vì ấm ức. Bố mẹ các em thì lên mạng xã hội, báo điện tử tranh luận, nói xấu đủ điều.

Khổ luyện để mong tỏa sáng

Gia đình không có truyền thống âm nhạc nhưng bé T. lại có năng khiếu ca hát, nhảy múa. Ủng hộ con gái, chị A. dọn đường cho cô bé bắt đầu hành trình thi thố của mình bằng việc “tầm sư học đạo”. Với quan điểm đi thi thì phải thắng giải, không thắng được thì ít nhất cũng phải được mọi người nhớ mặt gọi tên, chị A. đăng ký cho con gái luyện thanh nhạc. Học phí cao mấy cũng không ngại, miễn sao khả năng của con gái được khai phóng, bảo đảm cô bé chắc thắng giải. Và thế là ba bữa nửa tháng, chị lại tìm cho con một ông thầy dạy hát mới với lý do “thầy này không có tiếng tăm lắm, thầy kia không khai thác được giọng hát, thầy nọ thì quá chậm chạp…”. Hỏi mãi, chị mới nói thẳng: “Con tôi cần luyện những bài tủ để khi hát là mọi người “ưng” liền. Trong khi đó, các thầy cứ tập trung luyện thanh, kéo dài thời gian mà không hiệu quả.

Dù vậy, khâu chuẩn bị đi thi cũng không là gì so với quy trình khổ luyện khi thí sinh nhí đã vượt qua vòng khảo sát năng khiếu. Tức là vào được vòng tranh tài, thi thố, đường hoàng thể hiện tài năng trên sóng truyền hình. Sự giúp sức của các huấn luyện viên, chuyên gia âm nhạc trong chương trình để các phần thi hoặc tiết mục trình diễn của các em lên sóng truyền hình được hoàn hảo nhất đồng nghĩa các thí sinh nhí phải dành thời gian để tập luyện không khác gì sĩ tử luyện thi.

Hầu như các phụ huynh khi thấy con tập luyện đều xót xa. Thế nhưng, như chia sẻ của chị Nhàn (mẹ bé Thùy Dương, thuộc đội Ốc Thanh Vân - Quang Đăng trong “Bước nhảy hoàn vũ nhí” mùa đầu): “Nhiều khi tự tôi thấy mình cũng gan thật, để con tập luyện với nhiều động tác khó. Nhưng trước đây, Dương chỉ biết nhảy dancesport, sau khi đi thi, bé học được hip hop, múa đương đại, biết biểu cảm, diễn xuất… Thấy con khổ luyện cũng xót nhưng tôi chỉ mong con được tỏa sáng”.

Kỳ tới: Còn đâu thế giới tuổi thơ

Ăn nên làm ra nhờ trẻ con

Từ khi có những chương trình thi hát, nhảy dành cho thiếu nhi trên truyền hình, các lò luyện hát, luyện nhảy cũng ăn nên làm ra. Cha mẹ muốn con mình giật giải thì phải cho các cháu luyện thi. Nhờ vậy, các lò luyện này ăn nên làm ra nhanh chóng. Các trường nhạc xã hội hóa vẫn có những nơi nhận “luyện thi” cấp tốc cho những thí sinh có nhu cầu. “Nếu luyện thi thì đó vẫn phải là những giọng ca đã sẵn nền tảng, chứ không có chuyện không biết gì rồi học hát một vài bài. Việc đó không thể chấp nhận đựơc” - nhạc sĩ Phương Uyên nói.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo