xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trẻ em cần có thơ đẹp

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Từ bao lâu rồi con em chúng ta không biết thơ là gì, không muốn đọc thơ? Câu trả lời có lẽ là từ khi chúng ta không có thơ hay, thơ đẹp, thơ phù hợp cho thiếu nhi hôm nay

Nếu những thế hệ trẻ em trước đây say sưa với tập “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, những bài thơ thiếu nhi của Định Hải hay Phạm Hổ thì với trẻ em thời công nghệ, hình như thơ là một khái niệm xa vời.

Lệch pha, trở nên xa lạ

“Góc sân và khoảng trời” vẫn hay, nhưng cái hay của nó ở lại trong thời đại xã hội nông nghiệp. Cái hay, cái đẹp ấy có thể cảm và hiểu với những đứa bé lớn lên trong một thế giới của nông thôn. Trẻ em thời đô thị hóa có thể vẫn vanh vách thuộc lòng theo yêu cầu người lớn những câu như “Cua ngoi lên bờ/Mẹ em xuống cấy” (Hạt gạo làng ta - thơ Trần Đăng Khoa) nhưng rõ ràng chúng khó mà hình dung được đi cấy đi cày theo phương thức canh nông thủ công hôm qua là gì, nói chi đến trải nghiệm của cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời của nông dân đồng bằng Bắc Bộ trong quá khứ.


Bìa sách thơ “Ra vườn nhặt nắng” của nhóm Toa Tàu

Bìa sách thơ “Ra vườn nhặt nắng” của nhóm Toa Tàu

Chính vì thế, thơ lệch pha, trở nên xa lạ, không đi vào tâm hồn của các em. Câu chuyện tìm thực tế mới cho thơ tưởng dễ mà hóa ra cam go khi các nhà thơ viết cho thiếu nhi thường ở lại với tuổi thơ trong hồi ức của mình. Một tuổi thơ của quá khứ đã bị phủ lấp quá nhanh. Thêm vào đó, những gì họ viết ra lại phải cạnh tranh trực tiếp (và thường không cân sức) với biết bao nhiêu là món giải trí mới mẻ thời nghe nhìn, công nghệ: game, truyền hình, ca nhạc, truyện tranh, mạng xã hội… Rõ ràng, trước khi đổ lỗi cho trẻ em ngày nay không chịu đọc văn học nói chung, ghét thơ ca nói riêng, thì phải nhìn lại một cách nghiêm túc rằng chưa bao giờ thơ văn chúng ta tạo ra lại cũ kỹ và kém sức hấp dẫn, thiếu “tương thích” với điều kiện tiếp nhận, tâm hồn của các em đến vậy. Thay vì tạo hứng thú và tạo nguồn thơ hay, thơ đẹp để thuyết phục các em tự nguyện tìm đọc một cách tự nhiên, bồi dưỡng thẩm mỹ thì giáo khoa của chúng ta lại áp đặt, buộc chúng phải học thuộc lòng. Cực hình là nằm ở đây. Phản tác dụng cũng nằm ở đây. Nỗi sợ hãi thi ca cũng là nằm ở đây.

Thời gian vừa qua, nhiều nhà xuất bản như Trẻ, Kim Đồng… cũng tìm cách kéo thơ về với độc giả nhỏ tuổi qua những tập thơ tranh dạy kỹ năng, đạo đức hay đôi khi đơn thuần là kể một mẩu chuyện. Về hình thức, cách làm có thể nói là đáng ghi nhận nhưng tín hiệu hồi đáp từ thị trường không đủ mạnh để duy trì một dòng sách. Câu chuyện vẫn thiếu vắng sự thuyết phục nào đó. Hình như để thuyết phục, phải bắt đầu từ chỗ thăm dò, nhận biết nhu cầu, phải đo được mong muốn của bạn đọc nhỏ tuổi để thay đổi quy trình.

Tìm giọng điệu và lối tư duy khác

Đảo quy trình, đi từ nhu cầu của độc giả đến tạo sản phẩm đáp ứng thông qua hình thức gọi vốn cộng đồng cho thơ có thể là một gợi ý tốt. Lối tư duy xuất bản này đang được Toa Tàu - một tổ hợp học tập và sáng tạo hoạt động gần 2 năm nay tại TP HCM - thực hiện qua tập thơ đầu tiên có tựa “Ra vườn nhặt nắng” (thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, tranh minh họa: Lá, do Toa Tàu và NXB Thế giới ấn hành). Chỉ mất 2 tháng gọi vốn trong cộng đồng, chào hàng bằng những bài thơ mới, viết theo ngôn ngữ thiếu nhi thời công nghệ nhưng bảo đảm độ trong trẻo và tính giáo dục mỹ cảm của Nguyễn Thế Hoàng Linh, dự án tập thơ này thu được 250 triệu đồng và như thế, hơn 5.000 bản sách được in theo đặt hàng. Trong tập thơ, ngoài phần trình bày sống động, phần tranh xuất sắc của Lá (tức Bu Rên, một họa sĩ trẻ sống tại TP HCM đã có kinh nghiệm cộng tác trong những ấn phẩm thiếu nhi với các nhà xuất bản nước ngoài), điều đáng nói ở tập thơ - tranh này là thơ đã tìm một giọng điệu và lối tư duy khác hẳn thơ thiếu nhi hôm qua. Ở đó sự nắm bắt tâm trí đứa trẻ khi kẹt xe, khi nó bị người lớn bỏ rơi do quá mê Facebook, có robot, có Google… Hãy thử đọc đoạn kết trong bài thơ “Bánh mì”: “Ngày xưa người ta thường hát:“ Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm…” và gì nữa nhỉ/Google sẽ giúp một tay”.

Một buổi giới thiệu dự án tập sách “Ra vườn nhặt nắng” của nhóm Toa Tàu
Một buổi giới thiệu dự án tập sách “Ra vườn nhặt nắng” của nhóm Toa Tàu

Hay bài thơ “Facebook”, khá hài hước: “Bà hay vào Facebook/Bố mẹ cũng hay vào/Cô chú và các bác/Cũng chả thiếu người nào/ Em giận mọi người lắm/Ít thời gian cho em/Mà lại yêu Facebook/ Hơn trẻ nhỏ yêu kem/Nhưng bé ơi, đâu biết/Mình được mọi người yêu/Hằng ngày ảnh của bé/Thu về Like rất nhiều”.

Và đâu đó, cái mỹ cảm cũ được chuyển hóa trong cách nói mới, mà có lẽ hợp với trẻ em thời đại này, những đứa trẻ lớn lên ở đô thị, yêu quý động vật, thú cưng. Bài thơ “Êm”:

“Trẻ con thích nhất là êm/Người lớn cũng vậy, cần thêm dịu dàng/Yêu thương là đốm nắng vàng/Trên lưng chú chó lang thang chiều hè”.

Câu chuyện kiếm tìm một ngôn ngữ mới để thơ không mất trong tâm hồn tuổi thơ có lẽ là một hành trình thú vị. Hẳn sẽ còn nhiều ý tưởng mới từ những người ưu tư về vấn đề này. Và từ những hành trình đó, những người viết, người làm xuất bản, người đọc sách cho con trẻ tìm cách thay đổi để đồng điệu với trẻ nhỏ, không áp đặt, phán xét hay đòi hỏi bọn trẻ phải thay đổi theo mình.

Giáo dục mỹ cảm qua ngôn ngữ trong những năm bình minh của cuộc đời không thể thiếu thơ ca.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo