xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tre Việt - dàn nhạc giao hưởng dân tộc đầu tiên

Bài và ảnh: Thùy Trang

Với sự quy tụ của 30 nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc tại TPHCM, dàn nhạc giao hưởng dân tộc Việt Nam đầu tiên đã ra đời với tên gọi Tre Việt

Càng gần đến ngày ra mắt khán giả, tinh thần nghệ sĩ Minh Hà, thành viên của dàn nhạc Tre Việt, càng phấn chấn. Mấy tháng nay, sáng nào chị cũng cùng những thành viên của  Tre Việt vất vả tập luyện với mong muốn tạo được ấn tượng trong ngày ra mắt. Gia nhập dàn nhạc Tre Việt,  không riêng nghệ sĩ Minh Hà mà 30 thành viên trong nhóm đều phấn khởi, bởi họ không chỉ có điều kiện kiếm sống bằng chuyên môn của mình (chơi nhạc dân tộc chuyên nghiệp) mà còn được trình diễn trong một dàn nhạc giao hưởng dân tộc quy mô lớn và duy nhất hiện nay, trước công chúng, trong môi trường nghệ thuật.

img
Các nghệ sĩ Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Tre Việt đang ráo riết tập dượt chuẩn bị cho buổi diễn ra mắt công chúng đầu tiên


Như một nhu cầu tất yếu


Khởi xướng việc hình thành dàn nhạc dân tộc là NSƯT sáo trúc Đinh Linh. Con mắt của người nghệ sĩ biết kinh doanh cho anh nhìn thấy thị trường âm nhạc dân tộc đang bị bỏ ngỏ trong khi nhu cầu thưởng thức thể loại âm nhạc truyền thống này rất lớn, đặc biệt là du khách ngoài nước. TPHCM có một đội ngũ rất đông các nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc nhưng hoạt động kiếm sống tản mát khắp các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch..., theo từng nhóm nhỏ 2-3 người là chính. Tại sao không quy tụ nhau lại thành một dàn nhạc giao hưởng quy mô lớn, với đầy đủ các nhạc cụ dân tộc, trình diễn các tác phẩm nghệ thuật có đẳng cấp? Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Tre Việt đã ra đời như một nhu cầu tất yếu, nhằm thỏa mãn cả 2 yếu tố: mưu sinh và niềm đam mê nghệ thuật của các thành viên.


Để quy tụ được 30 thành viên cho dàn nhạc dân tộc này là điều không hề đơn giản. Không kể đến những sinh viên mới ra trường,  đều hào hứng tham gia vì cho rằng đây chính là cơ hội để họ nâng cao  tay nghề, những nghệ sĩ đã có công việc ổn định ở các điểm diễn tỏ ra nghi ngại, rằng đây có phải là ảo vọng viển vông không. Bởi thời cuộc chẳng phải đang ưu ái cho  âm nhạc hiện đại đó sao? Thế nên “ban đầu có người từ chối thẳng, có người không trả lời vì phải khảo sát các buổi tập luyện, thảo luận chán chê mới gượng gạo đồng ý” - NSƯT Đinh Linh kể lại. Và chỉ sau vài buổi đàm luận và tập luyện, số lượng thành viên của Tre Việt  ngày càng nhiều và ai cũng rất hào hứng với công việc mới này.


Vạn sự khởi đầu nan


“Điều khó khăn của dàn nhạc không phải kêu gọi được bao nhiêu người tham gia mà là giữ chân những người đã là thành viên của dàn nhạc. Nếu cứ dấn thân vào cuộc chơi nghệ thuật mà cuộc sống kinh tế gặp khó khăn thì sớm muộn họ cũng sẽ rời xa. Thế nên, làm thế nào để Tre Việt nhận được sự chào đón nồng nhiệt của khán giả, có những sô biểu diễn liên tục, anh em nghệ sĩ có thu nhập ổn định là điều băn khoăn nhất của người khởi xướng và hình thành Tre Việt ”- NSƯT Đinh Linh thổ lộ.


Mong ước của Tre Việt là một ngày nào đó dàn nhạc giao hưởng dân tộc này được diễn định kỳ hằng tuần trong khán phòng Nhà hát TP, thay vì diễn trước cửa nhà hát này vào sáng sớm và chương trình có bán vé chứ không phải chỉ phục vụ miễn phí khách qua đường như hiện tại. Muốn vậy, Tre Việt phải lấy cho được tấm bằng đóng dấu chất lượng của công chúng mà điều đó cần phải có thời gian.


Hiện nay, nguồn gốc xuất thân của các thành viên trong dàn nhạc không đồng đều (có nghệ sĩ đã nhiều năm kinh nghiệm, như: Minh Hà, Uyên Trâm, Ngọc Giao, Mi Sa, Thanh Thảo, Duy Dũng,... nhưng có người còn đang là sinh viên, như:  Tiến Thạnh (chỉ huy dàn nhạc), Thúy Huỳnh (tỳ bà), Thanh Thúy (đàn tranh), Ngọc Dung (đàn kìm), Đàm Liên (tam thập lục),... Do vậy, trình độ, kỹ năng diễn tấu giữa các thành viên cũng chưa đồng đều. Điều đó sẽ khiến cho Tre Việt, thời gian đầu, chưa thể gây ấn tượng mạnh về chất lượng chuyên môn mà chỉ dừng lại ở tính quy mô của một dàn nhạc dân tộc tương đối đầy đủ và duy nhất  hiện nay trên thị trường nhạc Việt. Bởi, những tác phẩm sẽ được Tre Việt thể hiện cũng chỉ là những tác phẩm quen thuộc ở mức độ đơn giản mà thôi. “Chắc phải mất một năm nữa, Tre Việt mới tạo ấn tượng về mặt chuyên môn, kỹ năng trình tấu. Rèn luyện phong cách biểu diễn của nhiều nghệ sĩ cùng trình tấu trong một dàn nhạc cũng là một trong những điều cốt yếu của Tre Việt hiện nay”- NSƯT Đinh Linh chia sẻ. 


Chưa biết Tre Việt sẽ tồn tại và phát triển đến đâu,  nhưng sự ra đời của dàn nhạc giao hưởng dân tộc đầu tiên phần nào đã khuấy động đời sống âm nhạc đang im ắng hiện nay, nhất là nhạc dân tộc.

Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Tre Việt sẽ ra mắt khán giả yêu nhạc dân tộc VN bằng buổi trình diễn trong ngày giỗ tổ Hùng Vương, 4-4, tại Đền Hùng (Thảo Cầm Viên - TPHCM). Buổi diễn này đánh dấu thời điểm Dàn nhạc Giao hưởng dân tộc Tre Việt  chính thức bước vào làng showbiz Việt. Sau đó, từ 18-4, Tre Việt sẽ biểu diễn định kỳ vào thứ bảy hằng tuần (từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút), ở trước Nhà hát TP

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo