Công bố giải thưởng cho danh hiệu hoa hậu lên đến 10 tỉ đồng, đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 (chung kết diễn ra vào ngày 3-10) đã lập kỷ lục về giá trị giải thưởng ở Việt Nam từ trước đến nay.
Tất nhiên, ban tổ chức đã khôn ngoan khi liệt kê ra các vật phẩm mà hoa hậu được nhận có giá trị lên đến 10 tỉ đồng, theo cách tính của họ, dù trong đó, có những vật phẩm chẳng bao giờ thuộc về thí sinh như chiếc vương miện trị giá 2,2 tỉ đồng (theo công bố của ban tổ chức và chưa ai kiểm chứng) thuộc quyền sở hữu của đơn vị tổ chức cùng hơn 3 tỉ đồng chi phí cho hoa hậu tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, bên cạnh xe hơi BMW, căn hộ và nhiều hiện vật giá trị khác… không thấy có tiền mặt.
Đến nay, ngoài cuộc thi Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2015 - Đường đến Hoa hậu thế giới, đã diễn ra, có giải thưởng 1,1 tỉ đồng cho danh hiệu hoa khôi, trong đó 1 tỉ đồng tương đương với quyền dự thi Miss World và 100 triệu đồng tiền mặt, các cuộc thi nhan sắc tầm quốc gia khác cũng chỉ có mức tiền thưởng cho danh hiệu hoa hậu bằng tiền mặt khoảng 500 triệu đồng.
Ngay các cuộc thi nằm trong khuôn khổ chương trình truyền hình giải trí kéo dài hàng tháng, với lịch diễn lên sóng truyền hình mỗi tuần cũng không vượt qua giới hạn giải thưởng tiền mặt ở mức 500 triệu đồng cho ngôi vị quán quân, dù tiền thưởng ở loại chương trình này là cần thiết vì yếu tố cạnh tranh, tạo sức hút thí sinh.
Trên thế giới, các cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia hay thế giới, giá trị mang lại cho những cô gái giành được vương miện không phải phần thưởng trị giá lên đến tiền tỉ mà bằng các giá trị tinh thần cao quý khác. Phần thưởng cho ngôi vị hoa hậu Mỹ vừa diễn ra vào ngày 13-9 là một ví dụ: Hoa hậu chỉ có suất học bổng trị giá 50.000 USD cùng vương miện; Á hậu 1 nhận suất học bổng 25.000 USD và Á hậu 2 nhận suất học bổng trị giá 20.000 USD. Phần thưởng hiện kim này chỉ có giá trị sử dụng vào việc học.
Một câu hỏi đặt ra: Ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 treo giá giải thưởng khoảng 10 tỉ đồng cho ngôi vị hoa hậu của cuộc thi có ý nghĩa gì?
PR (quảng cáo) cho cuộc thi là điều chắc chắn, vì trị giá giải thưởng lớn đến mức lâu nay chưa ai đưa ra và cũng chưa ai nghĩ tới sẽ gây chú ý cho giới truyền thông. Thực tế, nhiều tờ báo, trang tin điện tử đã đưa tin và đăng lại thông tin “nóng” này.
Ở Việt Nam, lâu nay việc công bố giải thưởng trong các cuộc thi diễn ra một đằng nhưng sau đó ban tổ chức thực hiện một nẻo với hàng loạt lý do đưa ra để thuyết phục thí sinh. Tuy nhiên, vì hiếm thí sinh khiếu kiện nên ít trường hợp bị đưa ra công luận hoặc bị cơ quan quản lý xử lý. Hơn nữa, việc giám sát sự trung thực về những công bố gây sốc trong thể lệ các cuộc thi cũng như trên báo lâu nay không ai ngoài công luận quan tâm. Mà công luận thì khó có thể nắm rõ chiếc vương miện hoa hậu khi được công bố trị giá 2,5 tỉ đồng (Hoa hậu Việt Nam), 2,2 tỉ đồng (Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam), 1,6 tỉ đồng (Hoa hậu Đại dương), 1 tỉ đồng (Hoa khôi Thể thao),... có thực hay không.
Đưa ra giải thưởng kỷ lục cũng là cách để đơn vị tổ chức nâng tầm cuộc thi. Giải thưởng có giá trị cao chứng tỏ cuộc thi đang được các nhãn hàng quan tâm và đầu tư. Từ đó, có khả năng lôi kéo thêm nhà tài trợ, quảng cáo giá cao khi cuộc thi vào vòng chung kết, lên sóng truyền hình trực tiếp. Tất nhiên, mọi tính toán của nhà tổ chức chỉ mang tính lý thuyết, thực tế chưa chắc đã vậy. Nhưng đó là giải pháp tốt nhất để nhà tổ chức có thể vận dụng trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay và các cuộc thi nhan sắc không còn nhiều hấp dẫn đối với công chúng.
Ngược lại, treo giải thưởng “khủng” cũng đồng nghĩa cuộc thi chưa đủ giá trị để thu hút thí sinh, những cô gái coi trọng sự cao quý của danh hiệu hoa hậu hơn là sức hút của yếu tố vật chất. Thực tế ở Việt Nam, có những cuộc thi nhan sắc như Hoa hậu Việt Nam chẳng hạn, thí sinh tham gia bởi giá trị danh hiệu hoa hậu hơn là số tiền thưởng họ nhận được chưa đủ bù đắp công sức, chi phí họ đã bỏ ra trong suốt cuộc thi.
Một cuộc thi hoặc một giải thưởng nếu không kèm theo những phần thưởng bằng hiện vật hay hiện kim sẽ bớt đi sức hút đối với thí sinh và công chúng nhưng sẽ phản tác dụng khi dùng cách “lấy thịt đè người”, khuyến dụ thí sinh bằng giải thưởng “khủng”. Bởi vậy, cách làm khôn ngoan nhất của nhà tổ chức là nên tạo ra giá trị tự thân cho cuộc thi, cho giải thưởng để phát triển lâu dài chứ không phải bằng cách dùng rất nhiều tiền.
Bình luận (0)