Nghị định 72/2016/NĐ-CP của Chính phủ ký ban hành ngày 1-7 sẽ có hiệu lực từ ngày 15-8 về hoạt động nhiếp ảnh đang gây phản ứng mạnh mẽ trên công luận, nhất là khi không ít người hiểu rằng nghị định này cấm cá nhân đưa hình ảnh lên Facebook.
Giới nhiếp ảnh gặp khó
Điểm 9, điều 3 Nghị định 72 định nghĩa: “Triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh là hình thức phổ biến, giới thiệu, trưng bày, trình chiếu tác phẩm nhiếp ảnh, bao gồm cả triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet”.
Trong khi đó, điều 11 của nghị định quy định: “Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh tại Việt Nam phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp”. Như vậy, “triển lãm tác phẩm nhiếp ảnh trên mạng internet” từ ngày 15-8 phải có giấy phép triển lãm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.
Có người lên tiếng mạnh mẽ, cho rằng nếu làm theo Nghị định 72, mọi người sẽ phải xin phép mỗi khi đưa một chia sẻ ảnh lên mạng xã hội.
Trả lời báo chí, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành giải thích rằng nếu đăng ảnh cá nhân lên Facebook thì không được xem là triển lãm, còn đăng ảnh với hình thức triển lãm trên mạng mới thuộc phạm vi điều chỉnh và phải xin phép. Nghĩa là theo ông, nếu chỉ đăng một vài ảnh chơi thì đó là việc cá nhân, còn nếu đăng ảnh trên mạng internet mà hình thức như một triển lãm thì phải xin phép.
Ông Thành khẳng định nghị định mới chỉ nhằm quản lý hoạt động triển lãm ảnh trên các website. Hoạt động đăng tải, tổ chức thi ảnh trên các diễn đàn cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định này.
Theo ông Thành, triển lãm ảnh trên internet có thể hiểu là người ta lập ra website, các nghệ sĩ nhiếp ảnh gửi ảnh đến và mọi người đều có thể truy cập website đó để xem ảnh thì được xem là hình thức triển lãm ảnh trên mạng.
Dù vậy, nhiều ý kiến trong giới cho rằng nghị định ban hành chưa phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Làm sao để thúc đẩy tiến lên chứ bó buộc như thế thì sẽ rất hạn chế cho sự phát triển của nhiếp ảnh.
Sản phẩm nhiếp ảnh ngày nay đều được số hóa. Internet là nơi lưu trữ, trưng bày và giới thiệu tác phẩm nhiếp ảnh đến với công chúng tốt nhất, hữu hiệu nhất. Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng khi Nghị định 72 có hiệu lực, đi vào cuộc sống sẽ vô tình cản trở giới nhiếp ảnh sử dụng phương tiện internet cho hoạt động quảng bá, trưng bày, lưu trữ… tác phẩm của mình.
Còn chủ quan
Quản lý sản phẩm văn hóa nói chung, nhiếp ảnh nói riêng trên internet là công việc “đau đầu” của các cơ quan quản lý. Xấu - tốt luôn xen lẫn ở đó nên các cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định nhằm quản lý tốt hơn. Thế nhưng, nhiều quy định đưa ra còn mang tính chủ quan của phía quản lý.
Trước đó, Thông tư 01/2016 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành (hướng dẫn thi hành Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thời trang; thi người đẹp, người mẫu…) cũng gặp phải phản ứng dữ dội của công luận và giới nhiếp ảnh, người mẫu, hoa hậu. Theo thông tư này, từ ngày 15-5, những người đẹp đoạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình cá nhân không có trang phục hay sử dụng trang phục, hóa trang phản cảm và vô ý hoặc cố ý phổ biến, lưu hành trên mạng viễn thông. Có ý kiến cực đoan cho rằng quy định này là “vi phạm nhân quyền”. Đến nay, Thông tư 01 vẫn chưa được sửa đổi nhưng được biết, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có cuộc họp xem xét để chỉnh sửa cho phù hợp.
Lâu nay, hoạt động triển lãm ảnh diễn ra tại các địa điểm đều phải được phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, hoạt động triển lãm ảnh trên internet cũng phải đặt trong sự kiểm soát của cơ quan quản lý, thông qua việc cấp phép. Nghị định 72 cũng thể hiện tính công bằng trong hoạt động triển lãm ảnh. Tuy nhiên, quy định này không giúp cơ quan chức năng quản lý tốt hơn nội dung nhiếp ảnh trên internet mà còn gây cản trở cho hoạt động nhiếp ảnh vốn đa phần sử dụng phương tiện internet như hiện nay. Chưa kể, quy định còn không rõ ràng, thậm chí nhập nhằng trong từ ngữ, hiểu theo cách nào cũng được, như cách giải thích từ ngữ “triển lãm” tại điểm 9, điều 3, Nghị định 72.
Có ý kiến cho rằng cách quản lý tốt nhất là nhà nước nên quy định về nội dung, như 7 điểm đầu trong điều 5 Nghị định 72: “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động nhiếp ảnh” là đủ. Ai có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm; không cần phải xin phép.
Ông Vũ Quốc Khánh, chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam:
Không có sai sót
Nghị định 72 về hoạt động nhiếp ảnh khi soạn thảo có lấy ý kiến của giới nghệ sĩ nhiếp ảnh cả nước. Các nghệ sĩ nhiếp ảnh đóng góp ý kiến rất nhiều cho nghị định này nên có thể khẳng định không có sai sót.
Những ý kiến phản đối quy định tại khoản 1, điều 11 của nghị định này là chưa hiểu chính xác. Theo đó, cá nhân người chơi ảnh muốn giới thiệu tác phẩm của mình trên các trang mạng xã hội, các phương tiện kỹ thuật số với số lượng vài tấm thì không bị ràng buộc bởi quy định này. Quy định chỉ khu biệt tổ chức triển lãm trên internet (khoảng vài chục đến trăm tấm ảnh) phải có ý kiến của cơ quan quản lý. Hiện nay trên thế giới, có những triển lãm ảnh trên internet. Quy định này ra đời phù hợp với xu thế chung của hoạt động nhiếp ảnh trên thế giới để khi có những vi phạm xảy ra thì cơ quan quản lý không bị động trong xử lý.
Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn giữa việc công bố triển lãm ảnh trên internet và việc giới thiệu những tác phẩm nhiếp ảnh. Đó là một “biên giới” mong manh, khó cho cả cơ quan quản lý lẫn nghệ sĩ nhiếp ảnh.
N.Lê ghi
Bình luận (0)