Hôm qua, 1-4-2017, kỷ niệm 16 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những ca khúc của ông đã vang lên trong tiếng bập bùng guitare bên sông Hương, trong những khu vườn khuya lá nặng rơi, trên những hè phố vắng tĩnh lặng…
Sống mãi nơi quê nhà
Thiên nhiên Huế dẫu qua bao dâu bể vẫn là nơi ẩn tàng những gì đã từng in dấu ấn Trịnh Công Sơn. Mưa Huế vẫn theo “Diễm xưa” “bay trên tầng tháp cổ”. Sương mù Huế vẫn theo “đường phượng bay mù không lối vào”. Căn gác nhỏ Nguyễn Trường Tộ vẫn gợi “một đêm bước chân về gác nhỏ”. Và cả trên độ cao 1.500 m ở đỉnh Bạch Mã, như trong tuyệt bút “Ngọn núi ảo ảnh” của Hoàng Phủ Ngọc Tường kể lại, bài ca “Nối vòng tay lớn” đã vang lên giữa thăm thẳm rừng già… Trong ca từ của Trịnh không có từ “Huế” nào nhưng bàng bạc trong các ca khúc, giai điệu, Huế vẫn hiện lên mượt mà, sâu lắng…
Trong mỗi người Huế, âm nhạc và ảnh hưởng cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn sống động. Huế là nơi sớm nhất đặt tên Trịnh Công Sơn cho một cung đường cong mềm mại ôm ấp hạ lưu sông Hương đầy cỏ lau, chiều chiều buông lơi trên không trung lơ lửng những cánh cò. Những người bạn của Trịnh ngày xưa, nay vẫn còn sống ở Huế, như những nhân chứng nhạc Trịnh tiếp biến qua thời gian. Đó là dịch giả Bửu Ý, người bạn thân thiết trong nhóm bạn Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ… Tại nhà riêng của ông hiện vẫn còn lưu giữ một số bức tranh do nhạc sĩ họ Trịnh vẽ. Năm 2011, ông đã xuất bản tác phẩm để đời, trong đó có cuốn “Tâm tình với Trịnh Công Sơn”. Ở đó, ta gặp lại Trịnh Công Sơn với nhiều câu chuyện về đời sống, tính cách, tâm trạng cùng những giá trị mà Trịnh Công Sơn để lại cho đời. Tiến sĩ triết học Thái Kim Lan thường hay trở về ngôi nhà xưa ở đường Bạch Đằng, vẫn lưu dấu người bạn Trịnh Công Sơn trong nhiều bút ký của mình. Những ngày Huế còn mở không gian Gác Trịnh - ngôi nhà xưa Trịnh Công Sơn từng viết những ca khúc đầu tiên, người ta thấy xuất hiện một nghệ sĩ violon râu tóc bạc phơ, đó là Trương Thanh - người bạn lặng thầm của Trịnh, bao lâu ẩn dật với tiếng đàn ẩn mật một thời. Một người bạn khác cũng xuất hiện dịp đó, danh cầm Trần Văn Phú với nghệ thuật biểu diễn guitare classic siêu đẳng, từng chuyển soạn “Tuổi đá buồn”… Cũng tại Gác Trịnh, khi họa sĩ Đinh Cường về bày tranh vào cuối năm 2013, công chúng lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy những bức tranh tuyệt tác vẽ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh, Bửu Ý…
Những cựu nữ sinh Huế hát nhạc Trịnh Công Sơn tại Gác Trịnh
Những học trò của Trịnh Công Sơn - những nữ sinh Đồng Khánh - hiện đang lưu giữ nếp sinh hoạt văn hóa Huế, cũng đang lưu giữ thường hằng những tình cảm dành cho người anh, người thầy Trịnh Công Sơn. Họ đã cùng nhau tổ chức nhiều chương trình hát nhạc Trịnh ngay tại Gác Trịnh “Để gió cuốn đi”, “Ngoài phố mùa đông”, “Hạ trắng”, “Nhìn những mùa thu đi”… Họ cũng đã tổ chức những chiều hát “Về giữa phố xá thênh thang” ngay trên đường Trịnh Công Sơn trong khuôn khổ Festival Huế. Năm 2016, kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, họ cùng nhau tưởng nhớ bằng một chương trình nhạc Trịnh bên bờ sông Hương. Ngày đó, có người lo lắng sợ chương trình sẽ mỏng nhưng nhiều ý kiến cho rằng một chương trình tưởng nhớ Trịnh như thế không nơi nào có bởi sẽ có không gian Huế - nơi từng nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ thiên tài Trịnh Công Sơn; chương trình có sự xuất hiện của những người bạn thân thuộc của Trịnh: Bửu Ý, Thái Kim Lan…; chương trình được hát bằng tấm lòng của những người em, những học trò của thầy Trịnh, nhiều người trong số đó từng được chính “anh Sơn” bày cho cách hát nhạc Trịnh… Và chiều đó, chương trình “Hãy yêu nhau đi” kỷ niệm 15 năm ngày nhạc sĩ trở về với đất mẹ đã thu hút rất đông công chúng. Nhiều người đến, lặng lẽ thắp ánh nến tưởng niệm trong đêm và nghe lại những ca khúc thân phận và tình yêu.
Nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ
Với các nghệ sĩ Huế thế hệ sau, âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn là niềm cảm hứng sáng tạo. Họa sĩ Đặng Mậu Triết từng vẽ hàng chục bức tranh trên nền nhạc Trịnh Công Sơn và tổ chức phòng triển lãm “Dấu chân ngựa về” nhân 14 năm ngày mất thiên tài họ Trịnh. Kỷ niệm 15 năm ngày mất Trịnh Công Sơn, anh em họa sĩ Huế đã rủ nhau vẽ Trịnh, rồi cùng nhau triển lãm “Niệm” để nhớ người nhạc sĩ tài danh. Hôm khai mạc, họa sĩ trẻ Nguyễn Quốc Sơn ôm guitare ngồi trên bậc thềm tòa soạn Tạp chí Sông Hương hát vang ca khúc “Bên đời hiu quạnh” của Trịnh. “Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa, giọng người gọi tôi nghe tiếng rất nhu mì”… Những anh em văn nghệ sĩ Huế đã thường quay về lại, cùng âm nhạc Trịnh, không cách này thì cách khác. Còn nhớ năm 2011, anh em nghệ sĩ Huế đã gom góp in cho cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng cuốn sách “Cõi tạm phù hoa”, trong đó có nhiều trang bút ký về âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ngay cả Gác Trịnh cũng đã từng xuất bản tập sách “Ngôi nhà của những gã lang thang”, tập hợp những bài viết hay nhất về Trịnh Công Sơn…
Đây đó trong lòng Huế, ý tưởng “Nhà nguyện tình yêu” trưng bày di sản Trịnh Công Sơn vẫn đang lung linh ánh nến trong ánh mắt mong chờ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang dành thửa đất mom sông Hương ở làng Nguyệt Biều (Huế), ngay tại khúc quanh từ ngã ba Tuần đổ về Kim Long, đối diện chếch phía trên chùa Thiên Mụ nhìn sang, để xây dựng không gian âm nhạc Trịnh Công Sơn. Hy vọng trong tương lai gần, không gian ấy sẽ nhiều người đến thăm, để chiêm ngắm di sản Trịnh Công Sơn để lại, để nhớ một lần ông từng tự nhận: “Tôi chỉ là tên hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”.
Bình luận (0)