“Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người ca thơ (chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ”. Nhận định này của Văn Cao về Trịnh Công Sơn, chắc chắn nhiều người đồng tình. Cả 2 đều nổi tiếng và có nhiều đóng góp cho văn hóa nước nhà. Họ làm thơ và viết nhạc. Khó có thể phân định thể loại nào nổi trội hơn.
1. Với trường hợp của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nếu tách riêng giai điệu và ca từ, chỉ đọc văn bản, ắt công chúng có cảm giác như đang đọc một bài thơ. Đã có nhiều, quá nhiều lý luận nói về vai trò của thơ, sứ mệnh nhà thơ, xin không nhắc lại. Riêng mình, tôi tâm đắc với quan niệm cho rằng đã là nhà thơ thì ắt phải góp phần thúc đẩy nhiều hơn nữa về sự trong sáng, uyển chuyển, phong phú, đa dạng của tiếng Việt. Đọc kỹ ca từ của Trịnh Công Sơn, nhiều người đã phát hiện ra điều đó.
“Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô”. Có cách nói nào “lạ đời” thế không? Cọng cỏ này, do khô nên buồn? Không phải, ở đây là “cọng buồn”. Chưa ai nói như thế. Từ lâu nay, với từ “cọng”, ta hiểu “thân cành của loài cây mềm” như từ điển tiếng Việt giải thích, chẳng hạn cọng rau, cọng cỏ, cọng rơm... Thế nhưng, khi nó đứng chung với “buồn” - từ chỉ về tâm trạng, cảm giác - thì quả nhiên cái buồn này đã có một sắc thái mới hẳn, lạ, trước đó chưa ai sử dụng.
Qua đó, ca từ trên đã khắc họa được tâm cảnh khác của tác giả. Tâm cảnh ấy, chỉ là “cọng buồn” lẻ loi như cọng cỏ khô chứ không là nỗi buồn theo nghĩa thông thường.
Nghe một ca từ như thế, ban đầu thấy ngồ ngộ nhưng suy ngẫm kỹ lại phát hiện ra đôi điều thú vị lắm.
2. Với “Diễm xưa”, nhiều người thích câu: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”. Dĩ nhiên, trong trí nhớ của họ lập tức liên tưởng đến tháp cổ của người Chăm dọc dài trên mảnh đất miền Trung.
Còn nhớ, nhà thơ Văn Cao đã nhìn và đã viết mấy câu thơ long lanh như ngọc: “Từ trời xanh/ Rơi/ Vài giọt Tháp Chàm”. Sự liên tưởng ấy là hợp lý. Tuy nhiên, sao lại không nghĩ rằng “tháp cổ” ấy chẳng phải là cái tháp cụ thể vừa nêu trên mà chính là... biết đâu Trịnh Công Sơn đã miêu tả cổ ba ngấn của người thiếu nữ? Nếu không thế, làm sao có: “Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…/ Trên bước chân em âm thầm lá đổ”? Diện mạo người phụ nữ có nhan sắc còn là “cổ ba ngấn”, sao không nghĩ “tầng tháp cổ” là một cách diễn đạt sáng tạo của Trịnh Công Sơn?
Với một tác phẩm nghệ thuật, xin thưa rằng người đọc/nghe/xem cũng là đồng sáng tạo nữa. Mỗi người có một cách cảm thụ, tùy theo nhận thức, tâm trạng của họ trong lúc thưởng ngoạn. Mà muốn như thế, tác giả phải có khả năng làm chủ, diễn đạt ngôn từ như thế nào để tạo ra sự đồng cảm ấy.
Khi đọc câu thơ Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta”, tôi dám quả quyết rằng thiên tài Nguyễn Du không chỉ sử dụng “trăm năm” như một cách nói gói gọn về “đời người” mà còn là sự khái quát về thời gian, về “xưa nay”. Có cảm nhận như thế, câu thơ mới có sức ngân vang đến ngàn sau. Với Trịnh Công Sơn, “Gọi buốt/suốt trăm năm một cõi đi về” - xin nhấn mạnh “trăm năm” ở đây chỉ mang một ý nghĩa về một kiếp người/phận người/đời người. Thế nhưng, với ca từ trên, Trịnh Công Sơn đã chọn từ nào? “Buốt” hay “suốt”?
Không ai có thể “Gọi suốt trăm năm”. Nếu ca từ cụ thể, rành mạch đến thế, không còn là Trịnh Công Sơn nữa. Ông chọn “buốt”/“gọi buốt” vì còn hàm nghĩa nhấn mạnh cảm giác của tiếng gọi ấy, chứ không chỉ đơn thuần miêu tả hành động “gọi”. Cũng nên nhớ rằng, với ông, một cuộc tình đi qua hoặc ở lại: “Ôi mênh mông tháng ngày vắng em/Tình như lá bỗng vàng bỗng xanh/Em ra đi như thoáng gió thầm”. Chỉ là một thoáng gió nhẹ nhàng của dư hương ngày cũ còn đọng lại trong tâm tưởng chứ không phải là tâm thế của một người lộ liễu “gọi suốt”. Biết đâu, ông có gọi thì sao chứ? Đúng thế, nhưng “gọi buốt” mới là nỗi đau chỉ mỗi mình tác giả nhận biết, nó không lên tiếng, không âm vang thốt ra lời mà chính là tiếng réo gọi âm thầm ngay từ trong tiềm thức.
3. Tôi từng “chấn động” với ca từ: “Yêu phố vui, nhà gạch ngon” của nhạc sĩ Phạm Duy. Bây giờ, cảm giác ấy lại quay về với Trịnh Công Sơn: “Chim non cười tình nhìn diều lên ngon”. Từ “ngon” của tiếng Việt đã có thêm một sắc mới, chấp nhận được vì sự tài tình của cách dùng chữ, dù mới, dù lạ nhưng vẫn không “chỏi”. Thì ra, đó là “ma lực” của tiếng Việt đấy chứ!
Về từ “tình” trong tiếng Việt, ta nhớ đến cuộc tình, người tình, mối tình... nhằm diễn tả tâm lý, cảm xúc, thái độ, sự yêu mến giữa 2 người. Kỳ diệu thay, với Trịnh Công Sơn, cách chọn từ của ông đã cho thấy rằng có thể cầm trên tay các cảm giác ấy qua các động tác như: “Treo tình trên chiếc đinh không”/“Phơi tình cho nắng khô mau”. Chưa hết, câu này mới khiến các nhà thơ thứ thiệt phải ngả mũ chào: “Vết buồn khắc trên da”. Những câu ấy, tách riêng ra khỏi giai điệu, tự nó đã có sức nặng như một câu thơ. Nó tạo ra sự liên tưởng khác ngoài phạm vi của ngữ nghĩa, cũng tựa như câu thơ của Đoàn Phú Tứ đã tạo ra nhận thức mới: “Hương thời gian thanh thanh/Màu thời gian tím ngát”...
Trịnh Công Sơn cũng có lúc nhân cách hóa mà nghe qua một lần ắt khó quên: “Một sớm lên đường/Mẹ ra sau vườn/Hỏi thăm trái bí/Trên giàn còn xanh/Một sớm bên hè/Vườn sau vắng vẻ/Này thôi bí nhé/Lên đường cùng me...”. Chỉ đọc thôi mà đã nghe ngân vang nhịp đi của thể thơ 4 chữ. Mà nhịp thơ ấy còn có thể tìm thấy ở “Ngụ ngôn mùa đông”, “Lặng lẽ nơi này”, “Xa dấu mặt trời”…; hoặc thể thơ 5 chữ với “Một ngày như mọi ngày”, “Ru ta ngậm ngùi”, “Biết đâu nguồn cội”, “Những con mắt trần gian”... Không chỉ có thế, ngay cả lục bát lại có thêm một bài thơ hoàn chỉnh “Ở trọ”...
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, đôi lúc tôi có cảm giác như đang sống trong không gian của thơ Đường. Từ hình ảnh trong thơ đến nhịp đi của thể thất ngôn quyện nhau chặt chẽ. Chẳng hạn, ca khúc “Vườn xưa” mở đầu: “Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông/Trời chợt nắng vườn đầy lá non/Người lên tiếng hỏi người có không/Người đi vắng về nơi bế bồng”. Câu thơ cuối gợi lên sự hoang mang đến nao lòng bởi sự bâng khuâng về một nơi không định hướng: “Nơi bế bồng” - một cách nói mới về người tình đã có chồng, có con...
Tác giả được trả tác quyền nhiều nhất
Theo Trung tâm Bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam Chi nhánh phía Nam, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả được trả tác quyền nhiều nhất với hơn 820 triệu đồng trong năm 2015.
Không những vậy, suốt 5 năm qua, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẫn là tác giả đứng đầu tốp 5 nhạc sĩ được trả tiền tác quyền cao nhất. Theo trung tâm này, tiền tác quyền của ông được thu nhiều nhất trong các lĩnh vực karaoke và phòng thu âm. T.Trang
Bình luận (0)