icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Trĩu nặng một tình yêu...

Lưu Nhi Dũ

VĂN HỌC.- Cảm nghĩ nhân đọc hồi ký Yến Lan - nhớ mãi về anh (NXB Văn Học - 2001). Ba năm sau ngày nhà thơ Yến Lan đi xa (10.1988 - 10.2001), bà Nguyễn Thị Lan - người vợ hiền của ông cho ra đời cuốn hồi ký Yến Lan - Nhớ Mãi Về Anh.

“Từ trước tới nay tôi chưa bao giờ cầm bút. Với tuổi 80 tôi khó mà sắp xếp các hoài niệm về anh. Nhớ đến đâu tôi chép đến đó...” - bà Lan tâm sự như vậy. Chưa bao giờ viết văn, nhưng bà Lan đã hoàn thành xuất sắc một tập hồi ký về một nhà thơ nổi tiếng của phong trào Thơ mới. Chỉ có một tình yêu trĩu nặng, một tấm lòng tri kỷ của một người vợ yêu chồng, yêu thơ, quý trọng sự nghiệp của chồng, bà Lan mới viết được một cuốn hồi ký như vậy.

Cảm giác đầu tiên khi đọc cuốn hồi ký này là tính sinh động. Nhiều hình ảnh, sự kiện sinh động đến lạ lùng, như lúc Yến Lan diện kiến nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhà thơ Hàn Mặc Tử; tình cảm bằng hữu hiếm có giữa Yến Lan, Quách Tấn, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... Đọc hồi ký này chúng ta có thể hình dung được nhiều góc cạnh về lịch sử, văn hóa, xã hội của những năm 1930 trở về sau. Điều thú vị, dù là một cuốn hồi ký nhưng có nhiều chi tiết như tiểu thuyết. Và trên hết tác giả đã khắc họa nên một chân dung Yến Lan - một nhà thơ chân tài, một tấm lòng tri kỷ với bạn bè, với văn chương, một thái độ sống trong sáng, đạo đức.

Từ lâu Yến Lan đã có một vị trí trong phong trào Thơ mới, trong thi đàn VN hiện đại, nhưng đánh giá sự nghiệp ông một cách thấu đáo thì chưa. Yến Lan không chỉ nổi tiếng với Bến My Lăng, ông còn có nhiều đóng góp quan trọng khác trong tiến trình thi ca VN hiện đại. Cũng từ lâu, Chế Lan Viên đã đánh giá Yến Lan rất cao: “Yến Lan có tài, có tài đặc biệt và rất sớm”.

Thiết nghĩ, không vì tình bạn mà Chế Lan Viên đánh giá Yến Lan cao đến vậy. Trước năm 1935, khi Thơ mới còn đang chập chững, Yến Lan đã có những sáng tạo độc đáo, như tả cánh buồm cô đơn, ông viết:

Sầu tam giác buồm về cô lặng nghỉ

Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi

Hoặc tả nắng chiều Sầm Sơn:

Trống xa Mái ngẩn ngơ thơ đá chạm

Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang.

“Sầu tam giác”, “nhịp hoãn hòa”, “thơ đá chạm”, “chiều bồ câu” - những cấu trúc ngôn ngữ, những hình ảnh lung linh đan chen nhau kỳ diệu, tưởng như Yến Lan mới viết hôm qua, hoặc hôm nay.

Năm 1937, Chế Lan Viên xuất bản tập thơ Điêu tàn gây chấn động thi đàn. Trong một bài viết, Yến Lan đã từng đề cập đến tập thơ này: “Chiều chiều, tôi và Chế Lan Viên thường bá vai nhau lên lầu cửa Đông Thành Bình Định ngắm cảnh, bàn chuyện thi phú. Hai đứa trăn trở với dân Chàm, tháp Chàm nên bàn nhau viết cái gì đó. Thế rồi Chế Lan Viên xuất bản tập Điêu tàn. Còn tôi tập Giếng loạn gồm 28 bài thơ viết về các Chiêm nương...”. Hàn Mặc Tử đã từng đọc tập thơ này và hỏi Yến Lan, vì sao không phải là giếng lạng (giếng bỏ hoang), mà là loạn. Yến Lan khẳng định đó là Giếng loạn (hiểu theo nghĩa loạn lạc...). Khi đọc xong bản thảo tập thơ này, Hàn Mặc Tử cảm hứng viết bài Trăng tự tử: Lòng giếng lạnh! Lòng giếng lạnh/ Sao chẳng một ai hay/ Nghe nói mùa thu máu chỗ này.../ Loạn rồi, loạn rồi, ôi giếng loạn/ Ta hoảng hồn hoảng vía, ta hoảng thiên/ Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên. Bài Trăng tự tử, Yến Lan dự tính sẽ in trong tập Giếng loạn của ông như một lời tựa, nhưng rất tiếc tập thơ bị thất lạc và khuôn mặt thơ của Yến Lan như khiếm khuyết đi. Những năm tháng cuối đời, Yến Lan còn vắt kiệt mình làm cho thể loại tứ tuyệt trở nên hấp dẫn hơn, hiện đại hơn. Với hơn 400 bài tứ tuyệt, Yến Lan được đánh giá: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt VN hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già” (Trúc Thông).

Còn có thể hiểu được nhiều về Yến Lan qua cuốn hồi ký này, đặc biệt những tư liệu quý giá về văn học sử, chẳng hạn như Yến Lan khẳng định rằng, ông - chính ông là tác giả duy nhất của kịch thơ Bóng giai nhân, mà từ trước đến nay có tài liệu ghi Nguyễn Bính là đồng tác giả...

Yến Lan - Nhớ Mãi Về Anh, cuốn hồi ký nặng trĩu một tình yêu, có giá trị về văn học sử. Có điều đáng tiếc, NXB Văn Học còn để quá nhiều lỗi biên tập. Điều đó chắc chắn làm Yến Lan buồn nhất, bởi lúc sinh thời ông là một người biên tập cẩn trọng, tỉ mỉ nhất của chính NXB Văn Học.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo