Ca khúc “Ông bà anh” (Lê Thiện Hiếu) của chương trình “Sing my song” (phát sóng trên kênh VTV3) gây sốt khán giả khiến nhiều người tin rằng sáng tác của giới trẻ vẫn có những ca khúc đi vào lòng người từ lần nghe đầu tiên chứ không như suy nghĩ lâu nay về họ.
Chạm được cảm xúc người nghe
Ca khúc “Ông bà anh” gây ấn tượng vì sự dễ chịu trong cả phong cách âm nhạc lẫn lời ca. Phản ánh đúng hiện trạng cuộc sống bằng ngôn ngữ âm nhạc. Đó là sự so sánh về tình yêu thật đẹp, thật tinh tế của thế hệ thời xưa với giới trẻ ngày nay, thời công nghệ “làm chủ” và chi phối hầu hết mọi thứ trong cuộc sống. Nhạc sĩ Đức Trí đánh giá: “Tôi thích bài hát vì thông điệp cũng như cách chuyển tải cảm xúc đến người nghe của nó. Giá trị đỉnh cao của giải trí là biết cách đặt vấn đề và truyền tải cảm xúc đến người nghe. Ca khúc “Ông bà anh” làm được điều ấy”.
“Sing my song” ra đời nhằm lấp chỗ cho chương trình “Bài hát Việt” trước đây. Thực tế, “Bài hát Việt” là chương trình mang nhiều kỳ vọng của giới chuyên môn trong việc tìm ra những ca khúc mới thực sự chất lượng, nhất là trong thời điểm khan hiếm ca khúc hay. Thế nhưng, vì quá chú trọng vào chuyên môn, những ca khúc được đánh giá cao trong “Bài hát Việt” lại quá cách biệt với thị hiếu thẩm mỹ của khán giả đại chúng. Không quá lời khi nói “Bài hát Việt” như sân chơi nội bộ của những người làm nghề. Vậy nên, “Bài hát Việt” phải dừng lại sau nhiều năm gánh vác sứ mệnh ấy của mình. “Sing my song” ra đời để tìm ra những nhân tố mới trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc bằng những sản phẩm âm nhạc vừa tăng tính giải trí nhưng bảo đảm về chất lượng chuyên môn.
“Trong quá trình tuyển chọn, chúng tôi cũng bắt gặp rất nhiều ca khúc nặng tính chuyên môn như từng có trong chương trình “Bài hát Việt” trước đây nhưng phải gạt bỏ vì tiêu chí tìm những sản phẩm âm nhạc của chương trình là phải đến được với công chúng ngay lập tức chứ không chờ đợi hay thậm chí là cầu may. Nói thẳng ra, chúng tôi đi tìm những ca khúc “hit” (ăn khách) cho thị trường âm nhạc” - nhạc sĩ Đức Trí nói.
Ở chương trình “Khởi đầu ước mơ” (đang phát sóng trên kênh HTV7), lần đầu tiên khán giả truyền hình hiểu được phần nào về công việc producer (nhà sản xuất) âm nhạc vốn không thể thiếu trong thị trường âm nhạc ngày nay. Ba nhà sản xuất âm nhạc trẻ tuổi gồm Đỗ Hiếu, Hoàng Touliver và Khắc Hưng tham gia chương trình này cũng đã cho khán giả thấy được năng lực của họ trong việc làm mới một ca khúc cũ. Nhạc sĩ Huy Tuấn (trong vai trò giám đốc âm nhạc kiêm giám khảo chương trình “Khởi đầu ước mơ”) nói: “Trước nay, công chúng từng nghe đến producer nhưng lại không biết họ làm gì, công việc thế nào thì ở đây, chúng tôi cho khán giả thấy mọi thứ. Và chúng tôi đã có những bản “hit” chinh phục công chúng bởi sự sáng tạo đầy thuyết phục của họ”. Liên khúc “Bướm xuân” (do Khắc Hưng thực hiện) hay “Con gái” của Ngọc Lễ (do Hoàng Touliver thực hiện) đều rất được yêu thích với lượng chia sẻ lớn trên cộng đồng mạng.
Đừng quá kỳ vọng
Dù vậy, những cơn sốt ban đầu này vẫn chưa đủ để có thể tin hay mong đợi những điều khả quan cho thị trường nhạc Việt ở đội ngũ sáng tác trẻ. Cả “Sing my song” lẫn “Khởi đầu ước mơ” đều phơi bày nhiều lỗ hổng của những người viết trẻ.
Nhanh chóng tạo ấn tượng nhưng các “tài năng” trẻ cũng nhanh chóng để lộ nhược điểm chỉ sau vài tuần lên sóng trực tiếp. Hoàng Touliver đã thành công rực rỡ với vũ điệu cồng chiêng đến mức anh không thoát khỏi dấu ấn của chính mình trong những sản phẩm âm nhạc sau đó. Khắc Việt hay Đỗ Hiếu cũng vướng điều tương tự khi các “beat” nhạc cũ được sử dụng để triển khai cho nhiều sản phẩm âm nhạc của mình về sau.
Trong vòng 24 giờ, các thí sinh của “Sing my song” phải sáng tác xong một ca khúc mới. Dù đó là điều lệ của cuộc chơi nhưng với giới chuyên môn, đây là điều không tưởng bởi theo nhạc sĩ Lê Quang: “Công việc sáng tác là vô chừng, có khi cả năm chưa viết được một, hai bài”.
Vì là chương trình truyền hình thực tế nên nhà sản xuất chẳng thể dừng lại để chờ thí sinh sáng tạo, họ vẫn phải hoàn thành bài tập của mình theo quy định. Đây chính là lúc những sản phẩm kém chất lượng xuất hiện. Thậm chí, có thí sinh đã lấy lại ca khúc viết cách đây vài năm để dự thi. Nhạc sĩ Tiến Luân nhận định: “Tôi luôn ủng hộ cái mới nên đã nghe khá nhiều album mới phát hành gần đây. Điều tôi phát hiện ra là nhiều album giống nhau, ca khúc có đề tài giống nhau, ca khúc cũng giống nhau. Áp lực nổi tiếng của cuộc sống hiện nay khiến nhiều người viết trẻ phải tận dụng những gì đã giúp họ tạo ấn tượng thay vì nghĩ đến việc sáng tạo ra những thứ khác biệt, mới mẻ hơn”. Đây chính là khiếm khuyết lớn nhất của những người viết nhạc thế hệ trẻ tuổi hiện nay.
Thực tế, đào tạo một đội ngũ sáng tác chuyên nghiệp không phải ngày một ngày hai, càng không thể chỉ trông chờ vào một hai chương trình truyền hình thực tế mà cần có chiến lược.
“Thời bây giờ, tôi chỉ thấy người viết nhạc chứ chưa có những nhạc sĩ thực sự vì nhạc sĩ thì phải biết nhạc mà người không biết nhạc lý nhưng viết nhạc hiện nay lại quá nhiều” - nhạc sĩ Tiến Luân nhận xét.
Thiếu kết nối giữa các thế hệ
Thời gian viết một ca khúc rất vô chừng, “có khi vài giờ nhưng có khi cũng vài năm. Nhưng hoàn thiện một ca khúc chắc chắn mất rất nhiều thời gian” - nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung nói. Theo đó, phương thức hoàn thiện tác phẩm cho mình của thế hệ nhạc sĩ trước đây là trưng cầu ý kiến các bậc đàn anh, tiền bối đi trước. “Vì dù ca khúc mới, bản thân mình đã rất hài lòng nhưng vẫn còn những chỗ sai sót. Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, các nhạc sĩ đàn anh luôn giúp một ca khúc mới được hoàn chỉnh hơn. Nhìn vào là họ biết ngay ca khúc cần có thêm những gì để hay hơn. Sự kết nối của thế hệ sau với những nhạc sĩ thế hệ đi trước chính là giải pháp tốt giúp cho những sáng tác trẻ chỉn chu, hoàn thiện hơn nhưng dường như thời nay không có được điều ấy” - nhạc sĩ Lê Quốc Thắng nói.
Bình luận (0)