Ngày 23-9, hàng loạt sàn diễn tràn ngập lễ vật cúng Tổ kèm bảng đề tên nghệ sĩ phụng cúng với lời khấn nguyện thành tâm mong Tổ nghiệp phù hộ, độ trì cho sân khấu “mưa thuận gió hòa”, sàn diễn sáng đèn, ngập tràn khán giả. Không biết tấm lòng thành của nghệ sĩ có thấu đến Tổ nghiệp hay không nhưng khi ngồi lại với nhau trong mấy ngày giỗ Tổ, nhiều nghệ sĩ tâm huyết với nghề trĩu nặng nỗi lo về tương lai sân khấu trước sự cạnh tranh khốc liệt của đủ thứ phương tiện giải trí hiện đại.
Được Tổ nghiệp thương sẽ có lộc
Không ít chuyện cười ra nước mắt trong ngày cúng Tổ khi nghệ sĩ truyền tai nhau có người năm nay cúng heo quay to hơn để cầu có tên trong danh sách được nhà nước tặng thưởng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân hoặc có nghệ sĩ thấy ngôi sao cùng thời mở sân khấu, phút chốc trở thành “trùm phé” của thế giới màn nhung cũng cầu Tổ cho mình có đủ vốn để mở sân khấu.
Một số sàn diễn có nguy cơ đóng cửa, sân khấu cạn kiệt đề tài, nghệ sĩ ngôi sao từ hài đến cải lương kéo nhau lên màn ảnh nhỏ trong các game show, chương trình giải trí. Sàn diễn chỉ còn là mảnh đất cằn để họ quay về khi đã mệt phờ, kiệt sức, nói chẳng ra hơi nên số phận nhân vật họ thể hiện không còn sức sống, chán đến mức chính họ cũng không chấp nhận được mình. Vì thế, sàn diễn thưa dần khán giả. Nhưng không ít nghệ sĩ vẫn tin rằng nếu Tổ nghiệp thương sẽ có lộc. Nếu thành tâm cúng bái sẽ ăn nên làm ra.
Một khi những lời nguyện cầu Tổ nghiệp chỉ dành cho bản thân mà quên rằng chính sự đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn của sân khấu hôm nay mới là nền tảng để mơ ước của mỗi nghệ sĩ trở thành hiện thực thì lời nguyện cầu ấy chẳng thể nào linh ứng.
Không riêng gì ở Việt Nam, trên thế giới, từ thập niên 1970, đã bước vào quá trình “di sản hóa”, coi truyền thống là những giá trị cần được ứng xử nghiêm túc bằng cách trân trọng, gìn giữ. Thế nhưng không thể cứ gán giá trị truyền thống vào là sẽ thỏa mãn, như việc cúng Tổ càng lớn thì càng linh thiêng. Theo đạo diễn Trần Minh Ngọc, cái được lớn nhất trong ngày Truyền thống sân khấu Việt Nam (cũng là ngày giỗ Tổ sân khấu - PV) là tạo ra được sự tiếp nối giữa truyền thống với hiện đại. Tiềm năng phát triển của sàn diễn được khai thác hiệu quả nếu biết kế thừa, phát huy những giá trị sáng tạo cho thế hệ trẻ, định hướng chuẩn mực để họ noi theo. “Lộc tổ” mà một số nghệ sĩ tin là mình được nhận sẽ không bao giờ có được từ sự làm nghề dễ dãi, chấp nhận vai diễn, vở diễn nghèo về mặt hình thức, nội dung, cốt chỉ để có vai, có vở diễn. Lộc ở đây phải được hiểu là sự tặng thưởng của công chúng khi người nghệ sĩ đã nỗ lực không ngừng, đau đáu trước những vấn đề của xã hội để biến hóa, sáng tạo cho sàn diễn những cảm xúc thông qua số phận nhân vật” - đạo diễn của tác phẩm “Một số phận bị đánh cắp” phân tích.
Chính đạo diễn Trần Minh Ngọc khi đứng trên bục giảng từng nhắc nhở học trò của mình không để mất thiên chức của nghệ sĩ bởi sự huyễn hoặc, cả tin vào “thần thánh”, sức mạnh siêu nhiên nào đó có thể đem lại vinh quang cho mình mà phải đi lên bằng chính học tập, rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm diễn xuất mới mong công chúng yêu mến.
Khó ngồi lại cùng nhau
Danh hài Hoài Linh “cày” cật lực để có đủ số tiền xây nhà thờ Tổ, “để mỗi năm vào ngày giỗ Tổ, nghệ sĩ không còn phải chạy đi tìm nơi cúng như bây giờ. Nhà thờ Tổ nghiệp còn là nơi nghệ sĩ gặp gỡ, truyền nghề giữa các thế hệ nghệ sĩ, giữ ngọn lửa đam mê, trách nhiệm với nghề cho các thế hệ sau” - như tâm nguyện của anh.
Hoài Linh cũng nhận thấy thời gian qua mình chạy theo game show, truyền hình thực tế quá nhiều khiến sức khỏe hao mòn, bệnh khan tiếng kéo dài mấy tháng liền. “Tôi sẽ bỏ bớt những sô truyền hình đã tốn quá nhiều thời gian để tập trung cho sàn diễn” - Hoài Linh nói.
Nghệ sĩ Hữu Châu cho biết nhiều năm qua, anh không nhận bất cứ vị trí “ghế nóng” ở chương trình truyền hình nào bởi “khán giả thương tôi trên cái sàn gỗ chỉ vỏn vẹn mấy mét vuông thôi. Rời không gian đó, có thể tôi sẽ rất dở nên không dám liều” - anh bộc bạch.
Nhưng không phải nghệ sĩ nào cũng biết giới hạn của bản thân. Cái tôi quá lớn của mỗi nghệ sĩ là rào cản khiến họ khó ngồi cùng nhau tìm ra phương cách, chung sức chung lòng cứu nguy cho sàn diễn đang rơi vào bế tắc. “Tôi thèm được quy tụ các nghệ sĩ ngôi sao sàn diễn xã hội hóa cùng ngồi lại bên nhau, cùng với Hội Sân khấu TP HCM vạch ra chiến lược phát triển để ngôi nhà chung sân khấu phía Nam, từng được mệnh danh là năng động khi đi đầu và rất thành công bằng mô hình xã hội hóa sân khấu, thoát khỏi tình trạng bế tắc như hiện nay. Thế nhưng, rất khó để ngồi lại cùng nhau khi mọi thứ đều thiếu thốn từ cơ sở vật chất, trang thiết bị sân khấu và những con người tâm huyết. Sàn diễn của chúng ta không thiếu trí tuệ, lực sáng tạo vẫn còn hừng hực nhưng nếu thiếu sự đoàn kết thì không thể đạt hiệu quả đối với những dự án mang tính chiến lược” - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, diễn giải.
Một khi nền sân khấu nước nhà đánh mất giá trị lao động nghệ thuật nghiêm túc, chỉ trông chờ vào “lộc Tổ”, vào thế lực siêu nhiên, như lời soạn giả NSND Viễn Châu: “Một xã hội “tắm mình” trong tín ngưỡng, lễ hội, cúng bái, thờ phụng, nghi lễ thì những trò mê tín nhờ đó trở thành một thứ quyền lực. Nghệ sĩ ca diễn trên sân khấu là để góp phần với xã hội răn đời, định hướng thẩm mỹ, nếu không làm tốt điều này thì thế hệ trẻ sẽ dễ mất phương hướng”.
Hiểu sai về “lộc Tổ”
Cũng có thể trong tiến trình “huyền thoại hóa” ngày cúng Tổ (từ 11 đến 13-8 âm lịch), có nhiều nghệ sĩ mơ hồ về lịch sử, gốc gác của ngày truyền thống ngành nghề, vô hình trung, họ tin rằng sự chiêm bái sẽ mang lại giá trị tên tuổi với hai chữ “lộc Tổ”. Nói theo nghệ sĩ lão thành Kim Giác, lộc Tổ đi đôi với lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc. “Không rèn luyện giọng ca, không giữ gìn phẩm hạnh đạo đức của một người được xem là người của công chúng thì không có Tổ nghiệp nào cứu nổi” - nghệ sĩ lão thành Kim Giác nhấn mạnh.
“Theo tôi, muốn thay đổi quan niệm về lộc Tổ phải cần thời gian để nghệ sĩ trẻ thay đổi nhận thức. Cho nên, việc đầu tiên các thầy cô dạy nghệ thuật đều giáo dục học trò việc thực hành các nghi lễ truyền thống, không xem ngày cúng Tổ là ngày cầu lộc. Điều đó giết chết sự cầu tiến đúng nghĩa của nghệ sĩ” - nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật hát bội Đinh Bằng Phi nói.
Bình luận (0)