Cục quản lý về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc (China's State General Administration of Press,Publication, Radio, Film and Television - SAPPRFT) nhận định rằng các chương trình truyền hình thực tế phải được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, những chương trình có trẻ vị thành niên tham gia được yêu cầu giám sát chặt với quy định rạch ròi, đảm bảo cần thiết lắm mới xuất hiện.
Và giờ đây, họ đi xa hơn bằng thông tư cấm trẻ em là con của các "sao" trong làng giải trí xuất hiện trên truyền hình thực tế. Điều này có nghĩa, chương trình “Bố ơi, mình đi đâu thế?” rất ăn khách của đài Hồ Nam phải hủy. Chương trình này thường quy tụ khoảng 4-5 ông bố nổi tiếng cùng con của họ đi đến vùng nông thôn sinh hoạt, vui chơi… Việt Nam cũng có phiên bản chương trình này trên sóng VTV3.
Theo Tân Hoa Xã, lệnh cấm này để giúp con của những người nổi tiếng tránh xa ánh đèn sân khấu và tự do tận hưởng tuổi thơ các em đáng được hưởng. Ngoài ra, nó cũng hạn chế việc lợi dụng trẻ em qua các sô thực tế để đánh bóng tên tuổi cha mẹ hoặc những đứa trẻ nổi tiếng nhanh chóng nhờ bố mẹ.
Năm 2015, “Bố ơi, mình đi đâu thế?” phiên bản Trung Quốc kiếm hơn 231 triệu USD tiền quảng cáo, chiếm 15% nguồn thu từ các chương trình giải trí của tất cả các đài truyền hình Trung Quốc tổng hợp lại. Lợi nhuận nhiều nhưng vì lệnh cấm, đài Hồ Nam hủy mùa thứ tư của chương trình này. “Trở thành sao nhí có thể gây hại cho trẻ, nhất là khi sự nổi tiếng đó bắt nguồn từ mong muốn của cha mẹ chứ không phải quyết định của con cái họ” – nhà tâm lý học trẻ em Hou Lixia cho biết.
Chính quyền Trung Quốc thắt chặt kiểm soát các chương trình truyền hình và chương trình mạng trong những năm gần đây. Họ ban hành nhiều thông tư cấm các chương trình nội dung khiếm nhã, không lành mạnh. Gần đây, Hiệp hội chế tác phim truyền hình Trung Quốc và Ủy ban chế tác thuộc Hội Liên hiệp trung ương ban hành quy định cấm đồng tính luyến ái, ngoại tình, tình một đêm trong các phim truyền hình.
Ngoài các quy định trên, những cảnh điều tra tội ác quá cụ thể, dễ khiến người khác học theo hay bất cứ nội dung “tiếp tay” cho tội phạm cũng bị cấm. Các vụ án mang tính ly kỳ, quái dị không được phép thực hiện. Chưa kể, các nhân vật tuổi vị thành niên trong phim truyền hình không được xuất hiện với cảnh hút thuốc, uống rượu hay đánh lộn. Các tư tưởng phong kiến và mê tín dị đoan như thuyết luân hồi, phép ma thuật, chuyển kiếp, cùng các mối quan hệ ngoại tình hay tình một đêm, cổ suý yêu sớm, quan điểm hôn nhân không lành mạnh cũng bị “cấm cửa”.
Bình luận (0)