Hương Ga kể về cuộc đời của Diệu, từ một cô gái hiền lành trở thành “nữ hoàng xã hội đen”, một nhân vật có "số má" trong giới giang hồ. Dọc hành trình giông bão ấy, Hương Ga bị đẩy đưa vào những tình huống tủi nhục, bi đát đến nghẹt thở mà cô không thể thoát ra được.
Hương Ga khi còn bán buôn ở chợ
Nếu ai từng đọc tiểu thuyết Phiên bản sẽ thấy một "xã hội đen" được tác giả phơi bày trần trụi, khốc liệt đến ám ảnh trên từng trang sách. Thế giới tội phạm đó có những Tùng hêrô, Tuấn chợ, Mỹ chột, Hưng mã, ông Trùm... thật hãi hùng rùng rợn, trong đó có Hương Ga. Nhưng điểm đắt nhất trong tiểu thuyết, vượt lên trên hết là những trăn trở day dứt, khát khao rất “con người”, sự hướng thiện của một cô gái trẻ với cuộc đời nhiều bi kịch.
Với cách tiếp cận đó, Hương Ga tuy là một phim hành động nhưng lại có cái nhìn hướng thiện về cuộc đời thăng trầm, bi kịch tình yêu của Hương Ga. Ẩn đằng sau người đàn bà "tay đầy máu" là một trái tim miềm yếu, khát khao rất bản năng: được yêu, được làm mẹ, làm vợ, được hạnh phúc.
Và trở thành một giang hồ khét tiếng
Từ sau Ngọc Viễn Đông (một dự án phim dài dựa trên 6 tập phim truyện ngắn về những số phận nhân vật phụ nữ Việt Nam), Cường Ngô lần thứ 2 tiệm cận văn học để đưa lên màn ảnh một câu chuyện đủ sức ám ảnh và lay động.
Với chất liệu của tiểu thuyết Phiên bản, Cường Ngô đã xây dựng nên một phiên bản nghệ thuật khá thành công trong góc nhìn điện ảnh về nữ giang hồ đất Cảng. Từ khuôn hình, góc máy, âm thanh, bối cảnh…đều tròn trịa.
“Xem phim của Cường Ngô, từ Cây trâm vàng, Ngọc Viễn Đông cho đến Hương Ga, chắc chắn không phim nào có những cảnh quay xấu, cẩu thả. Quay phim Misha luôn nỗ lực để hình ảnh của phim luôn sạch và đẹp từ ánh sáng cho đến bố cục, từ bối cảnh nhà kho, góc phố, con đường, trên bến dưới thuyền đâu đâu cũng là những khung hình trau chuốt, đẹp từ những cảnh yêu nhau lãng mạn, lúc đánh đấm, vô tù, đẹp ngay trong cái chết”- diễn viên Hồng Ánh nhận xét. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng: “Đây là một phim đầu tư tiền của và công sức rất nghiêm túc. Kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học, Hương Ga có lợi thế nhiều ở nội dung câu chuyện, tình tiết và nhân vật có sức hút riêng”.
Tuy nhiên, chuyển một câu chuyện đời người nhiều biến cố, biến đổi một cô bé ngây thơ, hồn nhiên Diệu thành một Hương giang hồ, máu lạnh, từ ngôn ngữ văn học sang ngôn ngữ điện ảnh là một thách thức không nhỏ. Một cuốn tiểu thuyết dày 400 trang đi dọc 18 năm của 1 số phận được mang lên phim vỏn vẹn 90 phút liệu có chuyển tải hết?
Trương Ngọc Ánh và Kim Lý
Khi xem phim, sẽ dễ dàng nhận ra trong 30 phút đầu, đạo diễn cố tình lướt nhanh, cô đọng các tình tiết của Diệu từ một cô gái hiền lành trở thành dân chợ búa để tập trung vào giai đoạn Hương Ga từ dân chợ búa trở thành giang hồ. Vậy nên với những khán giả chưa từng đọc qua Phiên bản hoặc chưa tìm hiểu kỹ về cuộc đời của Hương Ga sẽ hơi ngỡ ngàng. Tâm lý nhân vật đi hơi vội vàng, chưa đủ sức thuyết phục cho những phẫn uất dẫn đến phản kháng.
Cả khi Hương Ga trở thành giang hồ, sự lăn lộn, ranh mãnh, thủ đoạn chưa được bộc lộ nhiều. Diễn viên Hồng Ánh cho rằng: “Điều đáng tiếc của Hương Ga có lẽ là kết cấu chuyện phim... khá lỏng lẻo. Hương Ga là vai chính nhưng đôi khi bị lu mờ và thụ động do các tuyến nhân vật khác lấn át. Các tình huống đẫn đến xung đột, mâu thuẫn để các băng nhóm thanh trừng lẫn nhau khá đơn giản thiếu mưu trí, chủ yếu chỉ là kể lể kết quả bằng lời kèm theo hình ảnh minh hoạ”.
Tuy vậy, đảm nhận vai chính, diễn viên Trương Ngọc Ánh nhận được nhiều lời khen nhất. Ngay từ khi làm việc với đạo diễn Cường Ngô, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã khẳng định rằng: “Hương Ga chỉ có thể là Trương Ngọc Ánh”. Một nhân vật có chiều sâu nội tâm khá ám ảnh với bi kịch cuộc đời được chị chuyển tải gần như trọn vẹn. Không chỉ xuất sắc ở những pha đánh đấm, Trương Ngọc Ánh thể hiện nội tâm của Hương Ga ở nhiều trường đoạn rất “đắt”.
Trương Ngọc Ánh trở lại ấn tượng với vai Hương Ga
Nhất là cảnh Hương Ga ngồi trong xe hơi khi Mỹ Chột báo Châu đàn em - cánh tay phải của bà trùm đã chết, gương mặt Hương Ga lúc đó lạnh lùng tưởng tưởng như vô cảm nhưng nước mắt lại rơi. Nếu trước đây Hương Ga khóc nấc khi ôm xác bà, gào thét như hoá điên khi hay Tùng Hero lãnh án tử thì bây giờ là sự điềm tĩnh.
“Khóc không âm thanh, khóc một cách điềm tĩnh cái đó mới đáng sợ, mới khó diễn”- một diễn viên nói. Trang Khàn cũng có một vai diễn hay, tự nhiên vì hợp với hình ảnh và tính cách con người ngoài đời của chị.
Phương Thanh dù là vai phụ nhưng cũng mang lại sự thú vị cần thiết, Kim Lý quá hợp vai, Chi Bảo chín chắn trong nét diễn ông trùm…Chỉ tiếc cho Harry Lu vì lời thoại kém tự nhiên và nghe không rõ lời.
Diễn xuất xuất thần của Trương Ngọc Ánh trong 1 phân cảnh
Bình luận (0)