Tại TPHCM hiện có hai đơn vị kinh doanh truyền hình cáp là SCTV và HTVC. Mỗi đơn vị kinh doanh truyền hình cáp gần như hình thành nên lãnh địa riêng. Người xem muốn xem được tất cả các kênh truyền hình phát sóng trên đường truyền của hai đơn vị này thì phải chịu thuê bao của cả hai.
Được bên này, mất bên kia
Khi công nghệ truyền hình cáp hình thành và phát triển tại các đô thị lớn như TPHCM thì nhà nhà đều sử dụng truyền hình cáp bởi chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn truyền hình analog và hơn thế nữa là được xem nhiều kênh truyền hình của nước ngoài.
Từ đó, thị phần truyền hình cáp tại TPHCM được phân chia bởi hai nhà cung cấp dịch vụ là SCTV và HTVC. SCTV ra đời trước nên chiếm thị phần nhiều hơn tại các quận trung tâm. HTVC ra đời sau nên phát triển mạnh hơn ở các quận khác.
Bên cạnh việc chạy đua cạnh tranh về công nghệ đường truyền, cả hai cũng tranh nhau bằng chất lượng chương trình cung cấp cho khách hàng để mở rộng thị phần của mình. Từ đây hình thành nên sự độc quyền. Những kênh riêng của HTVC không có trên SCTV và ngược lại.
Trên thuê bao đường truyền của SCTV chỉ có HTV9 và HTV7 được truyền sóng vì đây là hai kênh chính thống của TPHCM, có mặt từ đầu, gần đây có thêm kênh HTV3. Còn các kênh khác của HTV, nhất là các kênh xã hội hóa, theo một đơn vị có kênh truyền hình xã hội hóa trên HTV, muốn vào SCTV lúc này là không dễ.
Các kênh truyền hình của Đài Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VTC gần như không có trên SCTV. Vì vậy, khán giả khu vực trung tâm TPHCM đã thuê bao dịch vụ truyền hình cáp của SCTV thì không có cơ hội xem các chương trình của VTC.
Khán giả xem truyền hình cáp SCTV không được xem những chương trình của VTC. Ảnh: Thùy Trang
Một đơn vị đầu tư của một kênh truyền hình thuộc VTC cho biết như một quy ước bất thành văn, SCTV chưa chịu mở cửa cho các kênh truyền hình của VTC vào đường truyền của họ. Vì thế, các kênh truyền hình VTC chỉ có trên HTVC.
Trong điều kiện này, khán giả xem truyền hình cáp tại TPHCM muốn xem được tất cả các kênh truyền hình chỉ còn cách cùng lúc thuê bao dịch vụ truyền hình cáp của cả hai đơn vị: SCTV và HTVC.
Nhưng điều này khó thực hiện được vì còn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng đường truyền của cả hai có lắp đặt tận nơi hay không. Nếu có thì phải chịu phí thuê bao của cả hai đơn vị.
Mạnh ai nấy làm
Cũng dễ hiểu khi hai đơn vị cùng kinh doanh truyền hình cáp cạnh tranh nhau để chiếm thị phần thì mỗi bên cần giữ thế độc quyền các kênh truyền hình do mình tạo ra.
Tuy nhiên, đối với các kênh truyền hình phục vụ đại chúng (không thu tiền) thì việc hạn chế hoặc không cho vào đường truyền của truyền hình cáp là điều khó hiểu. Nhất là khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cũng cần có nhiều kênh chương trình mang tính quảng bá, đại chúng để phục vụ nhiều hơn cho khách hàng của mình, trong điều kiện nhà nhà đã sử dụng dịch vụ truyền hình cáp.
Lý lẽ của các nhà cung cấp đưa ra khi từ chối một kênh truyền hình quảng bá nào đó muốn thuê bao đường truyền của mình là do đường truyền quá tải, chưa được đầu tư thêm cơ sở hạ tầng, kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người, đó chỉ là cách từ chối khéo. Nếu quá tải thì nhà cung cấp dịch vụ cần thanh lọc lại đường truyền bằng cách bỏ bớt những kênh truyền hình thuộc các đài truyền hình tỉnh, nhất là các tỉnh xa (chủ yếu phát sóng thông tin của địa phương và chiếu phim cũ) trên đường truyền của mình vì những kênh truyền hình này có rất ít khán giả khu vực TPHCM xem.
Trong khi đó, những kênh truyền hình mang tính quảng bá của Đài Truyền hình TPHCM và Đài Truyền hình Việt Nam, kể cả truyền hình kỹ thuật số Việt Nam có nội dung chương trình phong phú, nhiều chương trình đầu tư có chất lượng không có điều kiện đến được người xem một cách đầy đủ qua hệ thống truyền hình cáp.
Các nhà chuyên môn cảnh báo tình trạng các đơn vị kinh doanh truyền hình có thu tiền đang phân chia lãnh địa để độc quyền sẽ càng gây nên tình trạng rối ren cho lĩnh vực giải trí này khi ngày càng có nhiều đơn vị kinh doanh loại hình này ra đời nhưng không có sự liên kết chia sẻ quyền lợi vì lợi ích của công chúng rộng rãi.
Bình luận (0)