Hãng truyền thông Fox, đơn vị sản xuất chương trình American Idol, vừa chính thức thông báo sẽ ngừng sản xuất chương trình tìm kiếm thần tượng âm nhạc của Mỹ sau khi phát sóng mùa thứ 15 vào năm 2016. Dấu hiệu tàn cuộc của trào lưu truyền hình thực tế đã bắt đầu, cả với thế giới và Việt Nam
Thời kỳ mới khai sinh, chương trình đã thu hút hơn 20 triệu lượt người xem, tạo nên nguồn thu lớn cho hãng Fox, đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của nhiều cuộc thi âm nhạc khác về sau. Còn bây giờ, số lượt người xem sụt giảm thê thảm. “Ðó là một quyết định rất khó khăn” - ông Gary Newman, đồng chủ tịch điều hành của Tập đoàn Truyền thông Fox, phát biểu - “Chúng tôi nhận ra rằng đây là thời điểm để kết thúc chương trình”.
Vòng live show đầu tiên của phiên bản Việt Nam - chương trình Vietnam Idol mùa giải 2015 - lên sóng với cuộc cạnh tranh của 5 thí sinh nam. Không khó để người yêu nhạc có thể đoán trước giọng ca nào sẽ đi sâu vào đêm chung kết xếp hạng. Kết quả dễ đoán bắt nguồn từ lực lượng thí sinh không thực sự nổi bật mà cũng chẳng có cá tính riêng. Ngay cả thí sinh đang được đánh giá cao nhất là Trọng Hiếu thì giọng hát vẫn chỉ ở mức “bình thường”.
Một giám khảo của Vietnam Idol, cũng là nhạc sĩ tên tuổi, thừa nhận: “Đó là một trường hợp hiếm có của thị trường nhạc Việt hiện nay bởi phong thái trình diễn quá tự tin và đầy sức hút nhưng giọng hát vẫn là chuẩn mực cần được ưu tiên hàng đầu và Trọng Hiếu chưa thực sự thuyết phục được khán giả”.
Chương trình The Voice - Giọng hát Việt mùa giải 2015 lên sóng số đầu tiên nhạt nhòa đến mức mọi bình luận chỉ hướng về… ban giám khảo. Quanh đi quẩn lại vẫn là chiêu giành giật thí sinh cũ rích. Tuyệt đỉnh tranh tài với thí sinh là những ca sĩ chuyên nghiệp không để lại bất kỳ dấu ấn nào khi người thi không cho thấy một khía cạnh mới mẻ gì so với chính họ. Ca khúc cũ, người hát cũ, phong cách trình diễn quen thuộc. Tất cả diễn ra trong cuộc thi giống như “tua lại” một tiết mục biểu diễn đã nhàm chán trên sân khấu trước đó.
Vì áp lực thu hút người xem, chương trình truyền hình thực tế Việt Nam hiện chỉ chú trọng yếu tố là mời giám khảo “hot”. Đó là lý do diễn viên Tăng Thanh Hà trở thành giám khảo của cuộc thi nấu ăn, cặp đôi Đông Nhi - Ông Cao Thắng “vào vai” giám khảo trong chương trình Vợ chồng mình hát, “ngôi sao nhí” Phương Mỹ Chi làm giám khảo của game show Cùng nhau tỏa sáng…
Rõ ràng, Phương Mỹ Chi chưa đủ độ dày kinh nghiệm về nghề để nhận xét hay chấm điểm cho phần trình diễn của các nghệ sĩ đàn anh, đàn chị. Thế nhưng, đơn vị sản xuất chẳng màng đến những ý kiến trái chiều từ dư luận bởi hiện nay, chỉ cần được nhắc đến cũng được tính là thành công về mặt quảng bá.
Cách chọn giám khảo “câu rating” như thế mang lại khá nhiều “thảm họa”, kiểu nhận xét thiếu chuyên môn, gây vạ miệng khiến người xem thất vọng; mặt khác, nó khiến nhiều vị giám khảo thực thụ tỏ ra chán ngán vì cái bảng phân vai vô lý mà họ phải “đóng”. Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn bảo: “Chả bao giờ tôi làm giám khảo nữa đâu, ý kiến của tôi chả có giá trị gì”. Còn nhạc sĩ Trần Tiến từng xót xa: “Có lẽ người ngu nhất chính là “người” chọn nghề giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu, khán giả đang chấm mình đấy chứ...”.
Ca sĩ Phương Thanh sau khi tham gia Bước nhảy hoàn vũ mùa thứ 3 đã chua chát thừa nhận mình chỉ là “con rối” trong cuộc chơi sắp đặt và người chơi chỉ là những “quân cờ” trên một bàn cờ khổng lồ.
Càng lúc, những bức xúc, chán ngán của giám khảo lẫn thí sinh đều được phơi bày khiến trào lưu truyền hình thực tế bị giảm nhiệt rõ rệt. Cuộc vui nào rồi cũng tàn nhưng sức hút sụt giảm chính bởi sự nhảm nhí và kém chất lượng tăng lên là điều đáng tiếc.
Bình luận (0)