Trong vòng 10 năm qua, thị trường xuất bản trong nước đã chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của truyện tranh Nhật (còn gọi là manga). Manga đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và cả lòng hâm mộ của giới trẻ Việt Nam.
Kẻ thống soái - manga
Ví dụ điển hình là bộ truyện tranh Nhật đầu tiên Đôrêmon: Từ tháng 12.1992 đến tháng 3.1995, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã in 100 tập Đôrêmon, với con số hơn 25 triệu bản in, sau đó tái bản hai lần tổng cộng 15 triệu bản nữa để được ghi nhận là bộ sách có số phát hành cao nhất từ trước tới nay. Tiếp theo Đôrêmon là những Thuỷ thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Thám tử Conan, Teppi, Pokémon...
Có người đã nói không quá lời rằng, manga "đã tạo ra một thế hệ 8x, 9x ăn, ngủ, khóc, cười cùng với nó" (ít nhất là ở các đô thị). Bởi vì, ăn theo làn sóng manga, còn có cả những manhua, manhoa (tranh truyện có xuất xứ từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc), cũng theo lối vẽ này. Các NXB cũng phải thừa nhận là truyện tranh Nhật đã mang lại rất nhiều lợi nhuận, và do đó, không ngần ngại khai thác nguồn sách này.
Con số thống kê vào tháng 10.2004, số đầu truyện tranh xuất bản là 76-80 tựa/ tuần, tương đương 600-800.000 bản in đã được bán ra thị trường. Theo bà Phan Thị Mỹ Hạnh, giám đốc công ty Phan Thị: "Hiện nay, số đầu sách truyện tranh nước ngoài vẫn chiếm khoảng 97%, chủ yếu có nguồn gốc từ Nhật Bản, Trung Quốc...". Những con số này cho thấy, nhu cầu đọc truyện tranh ở giới trẻ Việt Nam là một nhu cầu có thực và không nhỏ, và chễm chệ trên chiếc ngai của lĩnh vực giải trí này vẫn đang là kẻ thống soái manga.
Có rất nhiều ý kiến lý giải cho sự bành trướng này của manga. Hầu hết đều cho rằng truyện tranh Việt truyền thống (kể cả truyện tranh Âu - Mỹ vẽ theo lối comics) quá đơn điệu về hình ảnh và nghèo nàn về nội dung, xoay qua xoay lại vẫn là kho tàng truyện cổ tích và danh nhân văn hoá, lịch sử.
Hãy lắng nghe một otaku Việt thốt lên trên diễn đàn của họ, rằng: "Em muốn có những cuốn sách phản ánh đúng suy nghĩ của thế hệ chúng em. Chúng em mua truyện tranh chứ không phải mua những cuốn sách giáo dục công dân bằng tranh!". Một hoạ sĩ tâm huyết với truyện tranh Việt Nam cho biết, vẫn còn nhiều người quan niệm rằng vai trò truyện tranh (và cả phim hoạt hình) trước hết là giáo dục. Tiêu chí này, vô hình trung đã làm hạn chế rất nhiều hình thức và khả năng sáng tạo của người làm sách cũng như bản thân sức sống của nó.
Theo ông Nguyễn Thắng Vu, nguyên giám đốc NXB Kim Đồng, thì: "Manga đã kết hợp hết sức khéo léo giữa văn hoá đọc và văn hoá nghe nhìn". Điều dễ nhận thấy nhất là manga không bị bó hẹp trong những câu chuyện thần thoại, giả tưởng mà đó là một dạng tiểu thuyết bằng tranh. Trong đó, nó đề cập đến mọi vấn đề xảy ra chung quanh chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, manga rất dễ đọc và đọc rất nhanh.
Thật dễ hiểu tại sao ngày càng nhiều trẻ em Việt mê đọc manga. Bởi đó chính là sản phẩm của xã hội công nghiệp. Khi các bậc cha mẹ ngày càng ít thời gian hơn cho con cái thì manga là nơi mà các em có thể lấp đầy khoảng trống tâm lý của mình.
Tìm đất cho truyện tranh Việt?
Hai năm nay, đặc biệt là sau khi công ước Bern được thực thi tại Việt Nam, hàng chục trang web của các otaku đã ra đời cùng với những câu lạc bộ, nhóm yêu thích manga. Từ yêu thích, bắt chước vẽ theo, họ đi đến tập tành sáng tác. Và một thế hệ hoạ sĩ trẻ đang hình thành gắn với những cái tên rất Nhật: Akira, Mizuki, Yosito, Tomoyo... từ các nhân vật manga. Trường Đại học dân lập Hồng Bàng cũng tỏ ra "theo kịp thời đại" bằng việc mới mở khoa Manga trong năm học này để đáp ứng nhu cầu của các fan truyện tranh. Một vài nhóm đã có những dự định nghiêm chỉnh để "mở đường" cho một "nền công nghiệp truyện tranh Việt" dựa manga như nhóm M'Heaven, T3, Sĩ Kiến Hoàng, Phan Thị TC,... Nhưng bộ Đội đặc nhiệm thời gian của Sĩ Kiến Hoàng cũng mới ra được 4 cuốn rồi dừng, tạp chí Truyện tranh trẻ của NXB Trẻ chỉ sống được đến tập thứ 17. Một số tạp chí truyện tranh khác như Truyện tranh Việt (Phan Thị TC), 4A.M, M'Heaven,... còn rất nhiều tính nghiệp dư.
Theo bà Mỹ Hạnh (công ty Phan Thị), để hoàn thành một tập sách mỏng cỡ Sắc màu cổ tích, hay Thần đồng đất Việt thôi đã mất khoảng 10 - 15 triệu đồng, chi phí từ khâu sáng tác kịch bản, hoạ sĩ phác thảo, vẽ đồ hoạ... đến biên tập, in ấn xuất bản. Trong khi tiền mua bản quyền một cuốn truyện tranh Nhật có khi rẻ đến không ngờ: 3 USD/tập từ 150 - 200 trang.
Nhật Bản hiện có 297 tạp chí truyện tranh đang hoạt động và chiếm 20% tổng số xuất bản. Năm 2004, chỉ riêng bộ truyện One piece của tác giả Ota Eiichiro đã có tổng số phát hành 110 triệu bản in. Ước tính khoảng 2 tỉ cuốn sách và tạp chí manga bán mỗi năm tại Nhật. Mỗi năm nền công nghiệp manga thu về khoảng 6 tỉ USD, nghĩa là mỗi người Nhật bỏ ra khoảng 50 USD/năm để mua 15 món hàng liên quan đến manga. (Nguồn: Dreamland Japan: Writings on modern manga của Frederik L.Schold ) (*) Manga: tên gọi truyện tranh Nhật Bản, sử dụng hình vẽ hiệu ứng như phim hoạt hình. Đó là một loạt những hình ảnh liên tiếp thể hiện một pha hành động hoặc sự thay đổi cảm xúc của nhân vật. Animé: tên gọi phim hoạt hình Nhật Bản, thường được sản xuất dựa theo nội dung truyện tranh. Otaku: chỉ những fan mê truyện manga |
Bình luận (0)