Độc giả Việt cũng quen được với vài cái tên của những bộ truyện tranh dài kỳ như “Thần đồng đất Việt”, “Thần đồng đất Việt - Hoàng Sa, Trường Sa” nhưng để có bộ truyện tranh như thế xuất hiện và sống được trong lòng độc giả nhí đòi hỏi nhà sản xuất phải đầu tư một số vốn không nhỏ. Vì vậy, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay và cũng phải là một công ty hàng đầu về thể loại này mới làm nổi.
Manga hóa
Truyện tranh danh tác đã được nhóm họa sĩ thực hiện lồng ghép vào truyện tranh rất nhiều tác phẩm văn học quen thuộc từng xuất hiện trong chương trình sách giáo khoa, như: “Tắt đèn”, “Chí phèo”, “Giông tố” hay “Chiếc lược ngà”. “Đất rồng” có nét vẽ đẹp, được đầu tư kỹ lưỡng, cốt truyện xoay quanh những cuộc phiêu lưu thú vị của một nhóm bạn trẻ. Nét vẽ của “Đất rồng” không thua kém quốc tế, thậm chí bộ truyện này còn đoạt giải đồng trong một cuộc thi manga của Nhật.
“Gia đình Ngộ” của tác giả trẻ Tiến Đạt có 7 nhân vật: Sam, Tỏi, Mỡ Mỡ, Lì Lì, Nụ Nụ... và những trao đổi ngộ nghĩnh nhưng không kém phần thời sự như: “Tình yêu của anh dành cho em cũng như giá xăng. Đôi lúc quên quên, nó sụt giảm chứ một hồi nó cũng lên lại thôi à!” cũng được các bạn trẻ đón nhận nhiệt tình. Nhưng chính vì thực hiện theo kiểu vẽ chibi (Nhật Bản) nên sáng tạo này vẫn chỉ là sự non nớt của người trẻ.
“Cung Trăng” thực hiện theo thể loại One-Shot, chỉ một chương duy nhất, kể lại cổ tích dưới góc nhìn khác của tác giả trẻ Lê Vi, gây “sốt nhẹ” trong cộng đồng yêu thích truyện tranh nhờ nội dung lạ, nét vẽ đẹp và biết nêm nếm những tình tiết hài hước nhẹ nhàng. Mang đậm dấu ấn manga, “Cung Trăng” không được giới chuyên môn đánh giá cao, hơn nữa thể loại One-Shot khó có sức sống trong lòng công chúng cho dù các tác giả vẫn miệt mài sáng tác khá nhiều.
Những bộ sách đó đã là nỗ lực rất lớn của nhà sản xuất nhưng chính vì sự “manga hóa” nhân vật Việt Nam nên các ấn phẩm này vẫn bị các họa sĩ chuyên nghiệp đánh giá là không để lại nhiều ấn tượng về những nét đặc trưng văn hóa Việt.
Những đốm lửa nhỏ nhoi
Độc giả đang ủng hộ cô nàng tự nhận không phải là họa sĩ chuyên nghiệp Phan Kim Thanh với “Chuyện tào lao của Vàng Vàng”. Các nhân vật đại diện cho từng quốc gia đã được nhân cách hóa, khi thì theo màu cờ, hình dạng bản đồ, con vật trung tâm hay danh lam, thắng cảnh nổi tiếng. Đó là Vàng Vàng (Việt Nam), Gấu (Trung Quốc) là chú gấu trúc đặc trưng, Liberty (Mỹ) gợi nhắc tượng Nữ thần tự do hay Robot (Nhật Bản)… Tuy nhiên, câu chuyện nhiều lúc chưa được đầy đặn lắm, đôi chỗ bị quá lộ ý đồ, nhiều khi lại quá ít mối dây liên hệ để độc giả suy ngẫm.
Họa sĩ Tạ Huy Long từng là cái tên nổi bật với hình ảnh chú dế mèn minh họa cho câu chuyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài. Sau này, anh còn được đánh giá cao bởi một hình ảnh chú dế khác là câu chuyện của chính anh và những cuộc đối thoại với Hà Nội trong truyện tranh “Cửa sổ” có chiều sâu văn hóa lắng đọng. Tạ Huy Long cũng là cây cọ minh họa đặc sắc cho các bộ truyện: “Sự tích chú Cuội cung trăng”, “Lịch sử nước Việt bằng tranh”, “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”… Họa sĩ Nguyễn Thành Phong trước khi gặp “sự cố” với cuốn truyện tranh “Sát thủ đầu mưng mủ” đã là cái tên ấn tượng với “Long thần tướng” từ những năm 2004-2005, gây tiếng vang về hiệu ứng cộng đồng bằng tác phẩm thuần Việt đúng nghĩa, sau đó là ấn bản mới của “Long thần tướng” năm 2014 (đã ra đời tập 1, tháng 7-2015 sẽ ra mắt tập 2).
Câu chuyện hư cấu, các nhân vật hư cấu, gặp gỡ nhau để làm rõ hơn các chi tiết và những câu chuyện cổ xưa, kỳ bí, lãng mạn, thuộc bối cảnh thời nhà Trần, trong cuộc chiến đấu chống quân Nguyên Mông, “Long thần tướng” được đầu tư rất kỹ về sử liệu, có cố vấn chuyên môn cả về phục trang lẫn bối cảnh của thời đó. Đối với các nhà chuyên môn, bản thân việc phục dựng được thời đó với những giá trị văn hóa chiều sâu của dân tộc đã là rất thú vị. “Chỉ một chi tiết nhỏ như việc để các nhân vật đều nhuộm răng đen đúng với xã hội thời đó, ngày nay điện ảnh đều không làm vì yếu tố mỹ thuật nhưng chúng tôi thì kiên quyết làm đến cùng vì cần tôn trọng sự thật lịch sử” - họa sĩ Nguyễn Thành Phong cho biết.
“Thành Phong đã từng giành được giải thưởng trong Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á. Các họa sĩ như Tạ Huy Long, Nguyễn Thành Phong rất có tài, tâm huyết với văn hóa dân tộc và đã làm được nhiều điều” - họa sĩ Còm (Hữu Khoa) khẳng định. Nhưng theo ông, so với một đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp hiện nay, sự xuất hiện ít ỏi của họ là quá thiếu so với nhu cầu. Những đốm lửa nhỏ nhoi đó khó có thể tạo nên một hiệu ứng bùng phát thực sự rộng khắp đối với người đọc Việt. Vì vậy, truyện tranh Việt vẫn trong tình trạng chơi vơi và khó có tương lai.
Ít ai còn giữ được đam mê nghề
Họa sĩ Còm (Hữu Khoa), ngày trước chuyên minh họa cho Báo Thiếu Niên Tiền Phong nói: “Trước đây, tôi cũng là một người cực kỳ đam mê tranh truyện. Sau khi các họa sĩ tên tuổi lần lượt ra đi và cuộc sống cũng quá nhiều đổi thay nên cũng ít ai còn giữ được đam mê nghề”. Theo ông, để đầu tư cho truyện tranh thực sự rất cực nhọc, có khi phải mất hằng năm cho một bộ sách. Mà ở Việt Nam nhuận bút quá thấp, không có bất cứ họa sĩ nào sống được bằng nghề nên đành phải chuyển sang làm việc khác hoặc bỏ nghề.
Bình luận (0)