xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Từ Hành quân xa đến Giải phóng Điện Biên

Phó Văn An

ÂM NHẠC.- Bài hát Hành quân xa của nhạc sĩ Đỗ Nhuận có câu hát ấn tượng và hùng tráng: Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi. Chẳng cứ là bộ đội, bất kỳ ai, lực lượng nào được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 chỉ biết có lệnh là đi. Không được phép hỏi đi đâu để giữ bí mật tuyệt đối. Hành quân vòng vèo. Đến rồi lại rút. Cứ như chơi trò ú tim, văn nghệ sĩ cũng vậy, chỉ biết là được đi... chiến dịch.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận được đi theo Đại đoàn 308. Một hôm đang trên đường hành quân, chính trị viên đại đội 267 thủ thỉ cùng các chiến sĩ: “Địch đang theo dõi chúng ta đấy. Không nên bàn tán đường này, hướng nọ. Ta đi đâu là theo mệnh lệnh. Đời chúng ta là đời chiến đấu. Đâu có giặc là ta cứ đi”...

Thật bất ngờ, những lời thủ thỉ của chính trị viên trên bước hành quân lại là những gợi ý cho nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cũng đang trên đường hành quân cùng chiến sĩ, sáng tác ngay bài hát phục vụ kịp thời: Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ.../ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi.../ Mắt ta sáng, chí ta bền, bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi/ Hành quân xa...

Nếu Hành quân xa được Đỗ Nhuận sáng tác trên đường hành quân cùng chiến sĩ, thì ca khúc Giải phóng Điện Biên, nhạc sĩ đã sáng tác đúng vào đêm 7-5-1954, ngày Điện Biên Phủ đại thắng, ngay bên bếp lửa hồng trong một căn nhà sàn đơn sơ của một gia đình nghèo đồng bào dân tộc Thái ở bản Mường Phăng. Rồi ngay sáng hôm sau (8-5-1954), bài hát đã được loan đi bằng cách hát truyền khẩu khắp các đơn vị toàn mặt trận. Một điều mà tác giả không thể nào tưởng tượng nổi là chỉ qua một đêm lao động sáng tạo, ca khúc trở thành một trong những bài hát truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, được Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng làm nhạc hiệu đầu tiên từ tháng 7-1954 và sau này Giải phóng Điện Biên còn được ghi vào Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.


Nhạc sĩ Đỗ Nhuận sinh ngày 10-12-1922, quê ở Cẩm Bình, Hải Dương, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa I và II, Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc. Ca khúc đầu tiên ông sáng tác năm 1931 là Trưng Vương. Sau Cách mạng Tháng Tám, ngay khi Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) ông đã viết ca khúc Tiếng súng Nam Bộ. Ca khúc Đoàn lữ nhạc của ông cũng được phổ biến rộng rãi trên cả nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, với một ngôn ngữ âm nhạc độc đáo chiếm vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã viết nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ trong cuộc trường chinh của dân tộc. Bên cạnh Áo mùa đông trữ tình, lãng mạn là Ca ngợi Hồ Chủ tịch trang trọng, thiêng liêng. Bên cạnh ca kịch Sóng cả không ngã tay chèo là trường ca Du kích sông Thao cuồn cuộn âm hưởng bi tráng, kiêu hùng. Nhưng đặc biệt nhất là những ca khúc về đại thắng Điện Biên Phủ như: Hành quân xa, Giải phóng Điện Biên, Trên đồi Him Lam, ca cảnh Chiến thắng Tây Bắc... Nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên thành công với thể loại opéra qua các vở Cô Sao, Người tạc tượng... Ông mất ngày 18-5-1991, hưởng thọ 69 tuổi.

V.T.C


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo