Bà hội đồng ác độc làm nghề cho vay nặng lãi. Nhân vật mà chị thể hiện đã ra tay đánh chết một anh tá điền vì bị nghi đã lấy cắp tiền. Những nông dân thuê đất của bà cuối mùa nộp lúa dù chỉ lép một hạt cũng bị bà phạt đòn... Đó là một vai độc mới, thuộc sở trường của nghệ sĩ Tú Trinh, trong bộ phim Trưởng giả kén rể (đạo diễn Nguyễn Quân), do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, đang trên trường quay. Diễn cho ra cái ác khiến người xem rợn tóc gáy đã là nghề của Tú Trinh từ ngày bước chân vào con đường nghệ thuật.
Chẳng hiểu có phải do định mệnh sắp đặt hay không, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn, Khoa Cải lương, nghệ sĩ Tú Trinh đã được giao đóng vai Thúy Liễu trong vở cải lương nổi tiếng của soạn giả Loan Thảo: Lan và Điệp. Đây là kịch bản cải lương dựa theo tác phẩm văn học Tắt lửa lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan, đã từng được nhiều tác giả chuyển thể thành phim và kịch nói.
Trái ngược với hai diễn viên đóng vai Lan (Thanh Kim Huệ) và Điệp (Chí Tâm) được khán giả thời đó yêu thích, Thúy Liễu của Tú Trinh bị ghét cay, ghét đắng. Duyên may đã cho chị một vai phản diện hết sức độc đáo, dù bị khán giả ghét nhưng đồng nghiệp và các bậc thầy trong giới đều khẳng định “không có ai diễn vai Thúy Liễu qua Tú Trinh”. Để rồi từ đó, mỗi khi cần đến vai phản diện nữ (hay còn gọi đào độc) các đạo diễn sân khấu - điện ảnh đều nghĩ ngay đến chị. Cứ thế, trên sân khấu cải lương, Tú Trinh đã có quá nhiều vai đào độc để lại ấn tượng trong lòng người xem, như: bà Dung (Tô Ánh Nguyệt), Hoa (Pha lê và cát bụi), vợ Hoát (Trái tim trong trắng), cô Ba La sát (Lá sầu riêng), cô con dâu (Tình mẫu tử)...
Ba chị là nghệ nhân đờn cò Chín Trích, ông gắn bó với đoàn hát của nghệ sĩ Năm Phỉ hơn 20 năm và là một trong “ngũ bá danh cầm” của đất Sài Gòn một thời lừng danh, nhờ đó nghệ sĩ Tú Trinh biết ca vọng cổ từ những năm lên 8 tuổi. Ngoài công ơn dạy dỗ của cha, chị còn được thầy Duy Lân dạy cách thâm nhập vào tính cách nhân vật. Chị đã được sân khấu cải lương nuôi lớn và cho chị sở trường diễn vai tính cách. Nhưng có được vốn sống để thể hiện tốt những vai đào độc, chị đã phải học từ cuộc sống hằng ngày.
Gia đình chị vốn đông anh em nên tuổi thơ của chị rất cơ cực. Năm chị 15 tuổi đã phải giúp cha mẹ kiếm tiền lo cho đời sống gia đình. Mỗi ngày đúng 4 giờ sáng chị đã có mặt ở bến phà Thủ Thiêm, đi đò sang Giồng ông Tố mua đồ hộp từ bến cảng mang qua chợ cũ Hàm Nghi bán. Dầm mưa, đội nắng, nước da chị cứ đen nhẻm. Vốn sống đó cho chị nhiều chất liệu để chị đưa vào vai diễn trên sân khấu và điện ảnh sau này. Ngoài việc học được từ quan sát thế giới chung quanh, chị còn học được từ nghề thuyết minh phim. Tú Trinh kể: “Hồi còn nhỏ, ba tôi đã cho tôi theo nghề lồng tiếng phim của Đài Loan, Hồng Kông. Từ nghề này tôi vừa tìm được tiền phụ giúp cha mẹ vừa học được cách diễn xuất để làm giàu thêm kiến thức cho nghề diễn của mình sau này”.
Trước năm 1975, chị tham gia Ban kịch Kim Cương, rồi Vân Nam, Thẩm Thúy Hằng... Ở bất cứ môi trường nào chị cũng là một nghệ sĩ tích cực. Sân khấu kịch cho chị nhiều vai phản diện. Phong cách diễn xuất của chị bao giờ cũng làm người xem sợ nhưng không khinh thường, bởi nét diễn xuất sang trọng và quý phái. Tuy nhiên chưa bao giờ Tú Trinh nhận được một vai “đào chánh”, thường là những vai phụ chỉ thoáng qua trên sàn diễn, nhưng quan trọng là chị không để những vai diễn đó chìm vào quên lãng. Xem Tú Trinh diễn những vai tính cách trong các vở cải lương và kịch, các đồng nghiệp đều phải thừa nhận không ai có thể thay thế chị.
NSƯT Lê Cung Bắc – đạo diễn bộ phim Người đẹp Tây Đô -nhận xét: “Tôi đã tìm được một bà hội đồng đúng chất. Và chỉ có Tú Trinh chứ không ai khác có thể diễn đạt tất cả ý đồ của tôi lột tả về nhân vật bà hội đồng này”. Sau này, Tú Trinh còn có vai bà hai Kim Sa trong phim Tình hồng, bà Ba Luân trong phim Trả nợ tình xa... Tất cả đều là những vai phản diện làm người xem ghét cay ghét đắng. Tú Trinh nói: “Dẫu bị khán giả ghét cũng không sao, vì mình đã diễn để khán giả tin có cái ác hiện diện trên đời. Ghét cái ác để lên án, để hướng thiện”.
Cuộc sống đời thường của Tú Trinh rất giản dị. Chị là người phụ nữ không bao giờ che giấu khuyết điểm của mình, và chưa thấy chị làm điều độc ác với ai bao giờ. Từ ngày ly dị chồng, chị và con gái vui sống bên nhau. Hiện nay, bé Khánh Hà - con gái chị - đã bước theo nghề lồng tiếng phim của mẹ. Thú vui của Tú Trinh sau những giờ làm việc ở phòng thu, phim trường là được nấu ăn đãi bạn bè, nhất là những món nhậu và chơi tennis. Có người hỏi vì sao chị không "đi bước nữa", chị cười mãn nguyện: “Tôi muốn sống cho con”.
Bình luận (0)