Vào thời thị trường giải trí hải ngoại còn hưng thịnh, vào mỗi cuối tuần, tại các tiểu bang nơi có đông người Việt sinh sống đều có tổ chức biểu diễn văn nghệ.
Xử bằng luật giang hồ
Số lượng sô diễn tăng nên giá cát sê của nghệ sĩ, ca sĩ thuộc loại “gà” của bầu phải giảm xuống mức tối thiểu để nhận được sự nâng đỡ. Tuy nhiên, với bầu D., việc đó còn được quy định bằng số tiền lương kèm theo những tặng phẩm mới mong nhận được sô. Nếu là ca sĩ đã quá tuổi thì việc hối lộ tặng phẩm khi nhận sô được áp dụng thường xuyên, còn các ca sĩ trẻ thì phải hối lộ bằng tiền.
Mỗi sô diễn giá trên 1.500 USD phải lại quả cho bầu D. 30%. Bầu Đ. cao cơ hơn, toàn nhận sô bán giàn, nghĩa là bán trọn gói những sô diễn tại các sòng bạc, sau đó trả lương nghệ sĩ thật bèo để ăn tiền chênh lệch. Có những sô diễn bầu Đ. chỉ ngồi nhà chỉ huy từ xa nhưng vẫn rủng rỉnh thu về từ 10.000 đến 15.000 USD/sô.
Ca sĩ Carol Kim và Lưu Việt Hùng trong một sô ca nhạc tại nhà hàng Bò 7 món, California - Mỹ |
“Nổi bật” hơn là bầu Y. chuyên quỵt tiền lương nghệ sĩ, ca sĩ hải ngoại, đến nỗi hễ nhắc đến tên của người này là họ tránh xa. Các sô diễn cứ nối tiếp nhau nhưng tiền lương thì Y. cứ hẹn lần, hẹn lữa.
Cách đây 2 tháng, trong một sô đại nhạc hội, một ca sĩ có tên tuổi của Trung tâm Thúy Nga đã bị bầu Q. quỵt tiền lương với lý do không bán được vé. Lên tiếng phản đối, ca sĩ này bị đàn em của Q. hăm chém đứt tay nên sợ quá, đành im cho qua chuyện. Ở Úc, bầu Q. đã từng dọa một nữ ca sĩ thuộc hàng sao ở hải ngoại rằng nếu phản ứng việc bị chèn ép lương với báo chí thì hắn sẽ cắt lỗ tai của chị.
Xử nhau bằng luật giang hồ trên đất Mỹ giữa bầu sô và ca sĩ phải kể đến chuyện ca sĩ M.Q khi cô này muốn rời khỏi bầu Đ. để đầu quân cho bầu D. Chẳng thể nào làm khác hơn, M.Q trả lại số tiền 3.500 USD mà cô đã nhận theo hợp đồng cho chuyến lưu diễn ở Úc.
Chỉ mới bước ra khỏi cửa, bầu Đ. đã cho đàn em lột nhẫn kim cương của M.Q với lý do: “Đền bù tổn thất vì bỏ sô giữa đường”. Nhưng vì nể mặt nhau nên sau đó bầu D. đã khuyên ca sĩ M.Q quay về với ông chủ cũ, còn hơn để hai bên khó ăn nói. M.Q quay về trong nước mắt ngập tràn và căm phẫn tột độ vì bầu Đ. bắt cô quỳ xin lỗi trước một số nhà báo thuộc phe cánh của hắn, còn không sẽ bị lấy đi một ngón tay.
Lệ thuộc vào bầu sô
Một dạo tại Bosal có một quán cà phê được gọi là ngã tư quốc tế. Ở đây, mỗi tuần có mấy sô diễn. Các nghệ sĩ, ca sĩ muốn tham gia cứ đến ngồi ở quán này và được các ông bà bầu xếp sô theo từng băng nhóm. Hễ bầu D. thì phải có ca sĩ A, B, nghệ sĩ X, Y; bầu Đ. dứt khoát phải có ca sĩ kiêm vũ sư N.H; bầu Y. thì phải có nghệ sĩ hài T., K... Tất cả là một sự lệ thuộc để có thể tồn tại. Tuy nhiên, các ca sĩ, nghệ sĩ không thể ngậm bồ hòn làm ngọt mãi vì công sức và tên tuổi của họ bị lợi dụng nhiều năm.
Bầu T. còn có chiêu tổ chức ghi hình trực tiếp các chương trình ca nhạc để phát hành băng đĩa. ca sĩ, nghệ sĩ thời đó muốn tham gia đều không nhận thù lao, lại còn phải lại quả thêm cho bầu T.
Riêng với các trung tâm lớn như Thúy Nga, Asia, Làng Văn, Tình, Vân Sơn..., nếu đã là ca sĩ, nghệ sĩ độc quyền cho họ thì không được tham gia bất cứ sô diễn nào khác. Tuy nhiên, do ca sĩ, nghệ sĩ không “biết điều” với các ông bà bầu, nên thường xuyên bị cho ngồi chơi, xơi nước hoặc chỉ hát tứ ca, tốp ca cho vui từ năm này qua năm khác.
Nhiều ca sĩ hận các trung tâm đã đẩy họ vào cảnh sống dở, chết dở. Và một khi họ đoàn kết lại thành nhóm, chấp nhận bỏ nghề đi làm nghề khác để kiếm sống, giới bầu sô hải ngoại đã lên chiến dịch tẩy chay họ, kể cả những ca sĩ hải ngoại về nước tham gia biểu diễn như Hương Lan, Giao Linh, Hoài Linh... một thời bị băng nhóm xã hội đen của bầu Q. đứng ra làm hình nộm đốt ở khu Phước Lộc Thọ, quận Cam, California (Mỹ) kêu gọi tẩy chay các sô diễn có các nghệ sĩ, ca sĩ này.
Nghệ sĩ Quang Minh, Hồng Đào, ca sĩ Elvis Phương, Khánh Hà, Thái Châu, Kim Anh... cũng từng bị kêu gọi tẩy chay vì về VN biểu diễn thường xuyên. Chính những bầu sô hải ngoại - những kẻ đã từng làm giàu nhờ vào các ca sĩ, nghệ sĩ này - đứng ra giựt dây cho những băng nhóm phản động, chống đối Nhà nước VN để tạo nên những cuộc biểu tình một thời.
Kiếm tiền trong nước mắt
Bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích thu lợi, mặc cho danh dự và uy tín của nghệ sĩ bị tổn thương, một số bầu sô hải ngoại đã từng đem tên tuổi nghệ sĩ ra làm trò hề trên các sàn diễn trong các nhà hàng.
Nghệ sĩ Điền Thanh kể: “Hát ở Úc, nhiều đêm lái xe trở về nhà mà nước mắt ràn rụa. Tủi thân lắm nhưng vì chén cơm manh áo nên phải hát và hát để đỡ nhớ nghề. Thế nhưng, một số nhà tổ chức đã không làm đúng theo hợp đồng, đẩy mình ra hát ở những nơi không đúng với biểu diễn nghệ thuật”.
Nghệ sĩ Thanh Hằng ngậm ngùi kể: “Đang hát thì có một ông bầu yêu cầu phải múa khi ca vọng cổ, tôi từ chối, thế là ông ta đổ ly bia lên đầu tôi”.
Nghệ sĩ Tài Linh sang Mỹ định cư đã 5 năm từng bị ép hát tại một nhà hàng ở Los Angeles. Phòng hóa trang là một nhà bếp tối tăm, sân khấu chỉ có vài ngọn đèn vàng, micro tiếng được tiếng mất.
Nếu không hát thì vi phạm hợp đồng biểu diễn, phải đền lại tiền đã nhận gấp ba lần. Còn diễn thì thấy xấu hổ với nghề và thiệt thòi nhất vẫn là khán giả đã đi một chặng đường quá xa để đến xem cải lương. |
Kỳ tới: “Mồi ngon”- Nghệ sĩ quê nhà
Bình luận (0)