Bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” của nhà thơ Lê Tú Lệ, được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc thành ca khúc “Bà mẹ Gạc Ma” sâu lắng, tinh tế, xúc động, đang được công chúng đón nhận và yêu thích, nhất là trong những ngày nhớ đến sự kiện 14-3-1988 - 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến oanh liệt chống quân Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.
Nỗi buồn sâu hơn biển
“Biển sâu thế nỗi buồn sâu hơn biển/Hai mươi bốn năm rồi/ Những bà mẹ Gạc Ma vẫn chong đèn đợi cửa/Đêm dày thêm mỗi ngày/Nhớ dày thêm mỗi khắc/ Gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi/Biển giấu các con mẹ ở đâu/Để người bạc đầu thay sóng/Những bà mẹ Gạc Ma không lập mộ gió/ Hằng đêm gối đầu lên nỗi nhớ/Lạy trời anh về!” (“Những bà mẹ Gạc Ma”).
Bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” được nhà thơ Lê Tú Lệ sáng tác trong chuyến đi Trường Sa năm 2012. Đây là lần đầu tiên TP HCM tổ chức cho 2 đoàn cán bộ đông người đi Trường Sa. “Tàu có 125 người thì văn nghệ sĩ chiếm 33: nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ và một số họa sĩ ký họa nhanh” - nhà thơ Lê Tú Lệ nhớ lại.
Chuyến đi đó, nhà thơ Lê Tú Lệ làm 5 bài thơ: “Hòn đảo hình mũi giáo”, “Gởi sóng”, “Những bà mẹ Gạc Ma”, “Lục bát đảo đá” và “Lính đảo”. Nhạc sĩ Đặng Quang Vinh phổ nhạc ngay bài “Gởi sóng” và ca sĩ Thùy Dương, Hồng Hạnh hát; còn nhạc sĩ Lê Văn Lộc, Phạm Minh Tuấn phổ bài “Những bà mẹ Gạc Ma”. Sau khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn lấy tên ca khúc là “Bà mẹ Gạc Ma” và chắt lọc bớt một số câu từ khiến cho nội dung của tác phẩm càng trở nên tinh hơn, đắt hơn, xoáy vào cảm xúc của người thưởng thức mạnh hơn.
“Chiều nay, trời có mưa không, sao biển Trường Sa đong đầy nước mắt. Chiều nay, trời có dông không mà lòng người nổi bão... Gạc Ma, Gạc Ma... Lạy trời anh về... Bà mẹ Gạc Ma mấy mươi năm rồi vẫn chong đèn đợi cửa, gió thốc vào nhà lại trở ngược ra khơi...”. (Ca khúc “Bà mẹ Gạc Ma”)
“Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã lột tả đúng cảm xúc sáng tác của tác giả bài thơ” - nhà thơ Lê Tú Lệ tâm đắc. Chị cho biết: “Hôm Thanh Thúy hát ca khúc này ở Hà Tiên, trong liên hoan trình diễn thơ tháng giêng 2016 tại Kiên Giang, đến câu “lạy trời anh về” thì toàn thể khán phòng lặng đi và sau đó cùng đứng lên ào ạt vỗ tay”.
Biển đảo thiêng liêng
Nhà thơ Lê Tú Lệ tự sự rằng chị rất cảm ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã phổ rất thành công bài thơ của mình thành ca khúc “Bà mẹ Gạc Ma”. Nhưng đối với chị, bài thơ nào cũng có giá trị riêng, cái hay riêng của nó. Bài “Gởi sóng” cũng là cảm xúc mãnh liệt dâng trào khi chị tự tay thả hoa xuống biển để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên vùng biển xa xôi: “Những người lính hóa thân vào biển cả/Thân xác các anh làm lũy sóng ngăn thù…”.
Cảm thức tự hào và lòng tự tôn dân tộc khi đến với đảo xa đã cho chị những vần thơ đanh thép: “Có phải ý trời mà Trường Sa Lớn mang hình mũi giáo/Mũi giáo cha Lạc Long Quân cưỡi sóng dữ khuất phục thuồng luồng, cá kình, cá mập/Mũi giáo năm mươi người con trai Việt theo cha đã hóa thủy thần/Thềm lục địa rùng rùng cơn cuộn mình cương thổ…” (“Hòn đảo hình mũi giáo”). Từng phút giây chan hòa cùng các anh lính đảo đã để lại những dư vị ngọt ngào, nhẹ nhàng, gần gũi, thân thiết và vui nhộn như thể ruột thịt: “Mấy tầng nhà lính lao xao/Sóng cười khúc khích cá nhào đớp trăng…” (“Lục bát đảo đá”).
Nhắc đến Gạc Ma, đến biển đảo, nhà thơ Lê Tú Lệ khẳng định: “Đối với những hy sinh, mất mát không chỉ của cán bộ, chiến sĩ hải quân mà còn của cha ông ta từ ngàn xưa đến giờ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thì đều cần phải tri ân và giáo dục để tuổi trẻ hiểu. Muốn làm được như thế không phải cứ giáo dục suông mà phải bằng nhiều hình thức, không phải dấy lên lòng hận thù chia rẽ mà để tuổi trẻ hiểu được sự hy sinh to lớn của ông cha mình, hiểu được cách thức để giữ được chủ quyền dân tộc”.
Tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên bãi đá Gạc Ma, nhớ thương những người con đã ngã xuống vì tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, ca khúc mới của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn “Bà mẹ Gạc Ma” và bài thơ “Những bà mẹ Gạc Ma” của nhà thơ Lê Tú Lệ góp phần xây thêm tượng đài yêu nước, nhắc nhở thế hệ tương lai luôn nhớ về truyền thống anh hùng của dân tộc và thắp lên ngọn lửa yêu nước cháy mãi không bao giờ nguôi...
Tình yêu lớn lao hơn, thâm trầm hơn
Nhà thơ Lê Tú Lệ có các tác phẩm đã in: Tập thơ “Giấc mơ” (NXB Hội Nhà văn 1993), tập thơ “Gươm đàn nửa gánh” (NXB Trẻ 1996), tập thơ “Lỡ tay rượu đổ thềm người” (NXB Trẻ 2002), tiểu luận phê bình “Văn học nghệ thuật đôi điều nói lại” (NXB Văn học 2011), tập thơ “Mờ khơi dong vút cánh buồm” (NXB Văn hóa Văn nghệ 2013).
Nhà thơ Lê Tú Lệ tốt nghiệp cử nhân luật năm 1995, từng công tác trong ngành tư pháp lâu năm, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP HCM, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật - Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM.
Những năm 1988-1990, thơ Lê Tú Lệ tràn ngập trên các trang báo văn nghệ. Hồi đó là một giọng thơ tình sôi nổi, bạo liệt, trẻ trung của một nhà thơ nữ tài năng mới bước vào ngưỡng cửa văn chương. Còn giờ đây, chị xuất hiện trở lại trong những vần thơ say đắm một tình yêu lớn lao hơn, thâm trầm hơn, thời sự hơn, khó nói hơn.
“Cảm xúc thơ là những gì xúc cảm va đập vào trái tim mình, lúc ấy tự mình sẽ có nhu cầu trải nó ra trên giấy. Viết ào ào có khi lại ra bài thơ hay, còn cứ kỳ cạch gia công có khi lại chỉ đắc ý về mặt chữ nghĩa thôi chứ không thật sự hài lòng” - nhà thơ bộc bạch.
Bình luận (0)