Nhưng sai sót này là “giọt nước tràn ly”, là “tiếng chuông cảnh báo” về tình trạng sử dụng âm nhạc tùy tiện, không nguồn gốc bản quyền trong các hoạt động lễ hội, trình diễn sự kiện văn hóa nghệ thuật tại Việt Nam lâu nay.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng thấy rằng: “Từ rất lâu rồi, trong các cuộc hội họp, mít tinh, sự kiện văn hóa nghệ thuật..., người Việt thường sử dụng những đoạn nhạc nối, nhạc nền, nhạc chào mừng, nhạc tôn vinh... một cách rất tùy tiện. Kho dữ liệu âm nhạc trên thế giới được các nhà tổ chức sưu tầm và sử dụng tùy thích, người nọ gửi cho người kia, sử dụng bừa bãi, không trả tiền bản quyền cho ai, không ai kiểm soát. Cũng không cơ quan nào quy định, kiểm duyệt những phần âm nhạc này. Đây thực sự là một lỗ hổng trong quản lý âm nhạc”.
Thực tế, hầu hết các lễ hội, chương trình biểu diễn nghệ thuật, sự kiện văn hóa... diễn ra lâu nay, ban tổ chức thường không chú trọng đến phần âm nhạc ngoài các tiết mục trình diễn chính thức đã được cơ quan chức năng cấp phép biểu diễn. Phần âm nhạc này thường giao cho ê-kíp thực hiện chương trình lo, đứng đầu và chịu trách nhiệm chính là đạo diễn.
Các cơ quan cấp phép công diễn cho các chương trình cũng ít khi yêu cầu được duyệt phần nhạc này, xem như là phần phụ của chương trình, không thuộc tiết mục trình diễn. Trong trường hợp chương trình lên sóng truyền hình, những người chịu trách nhiệm trên sóng truyền hình cũng ít khi quan tâm đến phần nhạc nền, nhạc chào mừng, tôn vinh này nên chẳng truy xét nguồn gốc bản quyền của nó.
Vì vậy, ít nhà tổ chức sự kiện, chương trình đặt các nhạc sĩ sáng tác loại nhạc này và càng không sử dụng nhạc có nguồn gốc bản quyền vì phải trả tiền và xin phép tác giả. Cách làm nhanh nhất và tiết kiệm chi phí nhất là lấy từ kho dữ liệu trên internet. Với những sự kiện văn hóa - nghệ thuật diễn ra ở Việt Nam dù có lớn đến cỡ nào cũng thành bé xíu đối với thế giới nên lâu nay cũng chẳng có ai kiện thưa gì về vi phạm bản quyền của họ ở phần nhạc nền, nhạc chào mừng trong các chương trình này.
Chưa nói đến việc nội dung âm nhạc có phù hợp với nội dung chương trình sự kiện hay không, chỉ xem xét ở góc độ thực thi luật pháp về quyền tác giả thực sự là lỗ hổng trong quản lý, đúng như nhận định của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Dù là nhạc nền, nhạc đệm, nhạc nối đều phải được kiểm tra chặt chẽ về bản quyền thì sẽ không có việc sử dụng tùy tiện như lâu nay.
Bình luận (0)