· Phóng viên: Theo nghề hơn 70 năm, ông đúc kết điều gì về bản thân mình?
- Danh hài Văn Chung: Tôi hài lòng với lối rẽ đã định, từ ước mơ muốn làm một kép chánh nhưng bất thành, rồi chuyển sang kép hài và thành công. Đời người, có lúc mơ ước song hành hiện tại nhưng cũng có lúc lệch hướng 100%. Bản thân tôi là người dễ thích nghi, không bảo thủ, sống lạc quan và luôn dư "củi lửa" để đốt cháy đam mê. Từ những nỗi đau của bản thân, của cuộc hôn nhân tan vỡ, tôi đã chuyển sang hài, để cười cho chính mình trong cuộc sống. Có những nỗi đau làm nên chuyện trên sân khấu.
· Hiện nay hài kịch lên ngôi, từ trong nước sang tới hải ngoại, diễn viên trẻ đều phấn đấu để “đạt chuẩn” danh hài như ông? Lời khuyên của ông dành cho họ là gì?
- Trước hết phải hiểu nghệ thuật diễn xuất là loại hình nghệ thuật sử dụng không gian của các loại hình sân khấu để thể hiện, truyền tải nội dung các tác phẩm phi vật thể đến với khán giả. Các tác phẩm sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc ngoài đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và giải trí đa dạng, nó còn góp phần giáo dục tư tưởng, tình cảm, lối sống của công chúng. Nghệ thuật diễn xuất của các nghệ sĩ thường được biểu đạt thông qua các cử chỉ, điệu bộ, nét mặt, giọng nói theo các kịch bản đã định. Tuỳ thuộc vào thể loại, phong cách và không gian sân khấu, các nghệ sĩ sẽ chọn cho mình một phương pháp diễn để thể hiện tốt nhất vai diễn của mình. Diễn hài khó hơn diễn bi, chỉ một tích tắc để khán giả cười mà quên mình là Văn Chung, chỉ nhớ đến nhân vật đó là một điều rất khó. Tôi quen gọi những nghệ sĩ chỉ diễn theo cách sẵn có, sở trường ruột của mình mà quên hóa thân nhân vật là những “nghệ sĩ của phút thứ 11”.
· Tại sao ông gọi họ là “nghệ sĩ của phút thứ 11”?
- Vì sau 10 phút gắn với cốt cách vai diễn, đến phút thứ 11 trở đi họ lại quay về với cách diễn của thói quen, nhàm chán của chính họ. Đem cái cá tính, cái ngẫu hứng của mình thường ngày gắn với nhân vật làm cho khán giả không thấy nhân vật mà thấy một anh hề quen mặt.
· Theo ông, có phải muốn sống với nghề diễn viên chỉ cần có đam mê?
- Chưa đủ. Nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực dành cho những sinh viên đam mê kỹ năng nghệ thuật - bất kể là khiêu vũ, âm nhạc, sân khấu, thiết kế hay biểu diễn kịch câm. Nếu bạn mong muốn trở thành diễn viên, ca sĩ hay vũ công chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu cá nhân, bạn còn cần phải trải qua các khóa đào tạo một cách bài bản. Như tôi thời đó học qua cánh gà, học từ đàn anh, đàn chị, phút giây thăng hoa nhất là tập tuồng chứ không phải biểu diễn. Đối với một số loại hình nghệ thuật đặc biệt như diễn hài một điều kiện gần như bắt buộc là bạn phải được tiếp cận với những thông điệp ngẫu hứng, có con mắt châm biếm và biết điểm dừng để không biến những suy nghĩ của mình quá lố. Do vậy, rất cần vận dụng đam mê để đúc kết bài học và phải học mãi để thành một nghệ sĩ giỏi nghề.
· Hiện nay nhiều người suy nghĩ rằng không cần qua trường lớp, chỉ cần tham gia game show, truyền hình thực tế là nổi tiếng ngay. Ông lý giải điều này như thế nào?
- Bản thân tôi đi theo nghề này một cách bất chợt, rồi liều lĩnh học và làm theo suy nghĩ thiên bẩm của bản thân mình, nhưng thời buổi học nghề và xem sự chuẩn mực qua màn ảnh cũng là do xu thế, thực chất phải biết lắng nghe khi cọ xát để đúc kết cho mình cái hay, cái dở. Các diễn viên trẻ trong lĩnh vực sân khấu ngày nay phải luôn bổ sung kiến thức về các khía cạnh của nghệ thuật và kỹ thuật tạo tiếng cười. Thế hệ của tôi cứ học bên cánh gà, học theo bạn diễn, theo các bậc tài danh đi trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã học tới nơi, tới chốn, chứ không học theo kiểu "đi đường tắt” như hiện nay. Tôi cho rằng nổi tiếng sớm kiểu đó nền tảng của nghề không chắc. Làm nghề bị cho là ăn may thì khó bền.
* Ở tuổi 87 ông còn điều gì chưa làm được cho bản thân?
- Vợ tôi năm nay đã lẩn rồi, bà ấy quên trước quên sau, biết bao năm bà ấy chăm sóc tôi, giờ đến lúc tôi chăm sóc lại cho bà ẩy. Có bữa, chỉ nấu một bát mì gói mà bà ấy cứ đứng đun nước hoài. Quên hết mọi thứ, chỉ biết cười khi ai đó hỏi chuyện. Nếu có điều ước lúc này, tôi mong sao vợ tôi không như tình trạng sức khỏe hiện nay. Còn về bản thân mình, tôi mong có một suất diễn tại quê nhà để tri ân tình cảm công chúng, thế nhưng tôi chỉ sẽ mơ thôi, chứ sức khỏe hiện nay không cho phép tôi ngồi máy bay lâu. Trái tim tôi có gắn thiết bị trợ lực, đi xa nguy hiểm lắm. Cho tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả những khán giả đã từng yêu mến tiếng cười của Văn Chung. Tôi không bao giờ quên họ, không bao giờ quên những chuỗi ngày gắn bó với sân khấu Đoàn Văn Công TP HCM, được diễn các vở tuồng: “Tìm lại cuộc đời”, “Khách sạn Hào Hoa”, “Hoa độc trong vườn”, “Tiếng sóng Rạch Rầm”, “Tâm sự Ngọc Hân”…Nhớ lắm!
Bình luận (0)