Mùa giải HCV Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức chuẩn bị khởi động. Là nữ danh ca ở tuổi 80 vẫn còn đồng hành với diễn viên trẻ, sầu nữ NSƯT Út Bạch Lan vừa được Công ty truyền thông POPS mời quay hình hai bài vọng cổ trứ danh: "Xuân đất khách" (soạn giả: Viễn Châu, song ca với NS Cao Mỹ Châu) và "Con gái của mẹ" (soạn giả: Loan Thảo, song ca với NS Kiều Phượng Loan) trong chương trình Những bài ca cổ vang danh nhằm phát miễn phí phục vụ khán thính giả trên hệ thống các trang mạng của diễn đàn cải lương. Đồng thời qua kênh thông tin này, bà đã giới thiệu và nhắc lại những đồng nghiệp một thời đã cùng bà làm rạng danh bài vọng cổ.
Bà cho biết: “Nghĩ đến nghệ thuật bản sắc thì Cải lương có tuổi thọ gần con số trăm năm, cái tuổi thanh xuân nếu so với các ngành nghệ thuật khác của Việt Nam ta. Cải lương đã kịp sản sinh nhiều thế hệ danh ca, diễn viên lẫy lừng, đã góp công tạo dựng mấy thuở hoàng kim lưu danh muôn đời. Tôi rất vui khi tham gia chương trình này để giúp các bạn trẻ hiểu hơn về nghệ thuật của chúng tôi”.
Tuy khiêm tốn không nhắc đến mình được giới chuyên môn đánh giá là một trong năm giọng ca quý, hiếm của sân khấu cải lương gồm: NSND Út Trà Ôn, NS Hữu Phước (cha của ca sĩ Hương Lan), cô Ba Kim Anh, NS Thanh Hương và NSƯT Út Bạch Lan, nhưng sầu nữ vẫn được các nghệ sĩ thế hệ vàng vinh danh.
“Những danh ca trước đã lần lượt qua đời chỉ còn duy nhất sầu nữ Út Bạch Lan vẫn miệt mài với công tác từ thiện và tham gia nhiều chương trình cổ nhạc” – NSND Ngọc Giàu nói.
Xét về tài năng của “Vọng cổ Ngũ Bá”, họ đều đạt đến trình độ tối ưu. “Còn bảo phải so sánh xem ai hơn ai, thì sự so sánh nào cũng khập khiễng. NSND Út Trà Ôn nổi danh trước. Chỉ hai bài “Sầu vương biên ải”, “Tôn Tẩn giả điên” đã khuynh đảo anh tài thiên hạ; công luận nể phục, đồng nghiệp công nhận xuất chúng nên lên ngôi từ dạo ấy. Chất giọng đồng rặt thuộc loại quý hiếm, âm vực rộng, đạt độ du dương uyển chuyển nhờ bề dày tôi luyện. Bộ nhịp chắc nịch như đúc khuôn nên mặc tình thao túng khung nhạc mà không sợ rớt nhịp” – NSƯT Út Bạch Lan phân tích.
Nhắc về cô Ba Kim Anh, sầu nữ cho biết thêm, bà Kim Anh lập danh sau Út Trà Ôn vài năm. Bà là hiện tượng đặc biệt như “cậu mười” Út Trà Ôn (người trong giới đã gọi NSND Út Trà Ôn như vậy – PV), vừa tham gia thu dĩa nhựa đã tạo cơn lốc xoáy lay động mãnh liệt giới cầm ca và khách tri âm, vừa tham gia biểu diễn trên sân khấu. Chất giọng thổ não nùng bi thiết bậc nhất của bà có thể nói là độc tôn từ bao năm chưa có hậu duệ, lối ca bất chấp nhịp trường canh, ca gần cuối câu mà như tạo ảo giác giữa câu, đến khi về long lang chót, người nghe bỗng giật mình sửng sốt bất ngờ và òa vỡ như chuyện từ mộng mị trở về thực tại. Truyền thuyết lưu lại rằng NS Kim Anh tới nhịp dễ như quán tính lấy đồ từ trong túi áo của mình.
Riêng đệ nhất đào thương Thanh Hương (vợ trước của danh hài Văn Chung) có giọng ca thật đáng ngưỡng mộ. Cha là đệ nhất kép diễn (cố NSND Năm Châu), mẹ là đệ nhất nữ danh ca Tư Sạng. Giọng ca của cô Thanh Hương đặc chất thổ có pha kim âm vực mạnh nghe rất giòn giả. “NS Thanh Hương ca vang vọng, từ hàng ghế thượng hạng đến hàng chót trong rạp cũng nghe. Người có bộ nhịp thượng thừa như cô mới dám ca như đùa giỡn với ban nhạc cổ” – sầu nữ chia sẻ.
NSND Ngọc Giàu nhận định thêm về nghệ sĩ Út Bạch Lan: “Sở hữu làn hơi quý hiếm được xem là giọng vàng sầu não mượt mà, chị Út bền bỉ cùng tuổi thọ được xem là thập cổ lai hi mà đến nay vẫn còn nhiều biệt danh dành cho chị như: Vương nữ Sương chiều, đệ nhất đào thương, Bức trường thành vọng cổ và sầu nữ. Theo tôi thì bài “Sương chiều” chưa hẳn là bảo bối mà chị Út còn ca hay những Phụng Hoàng, Kim tiền bản, Duyên kỳ ngộ với lối ca chồng hơi rất đặc biệt”.
Riêng vọng cổ, theo “cô bảy cán vá” Ngọc Giàu – “Chị Út là người đầu tiên đưa tiếng khóc nghẹn ngào, nức nở vào lòng câu. Làn hơi của một nữ danh ca tuổi 80 vẫn còn trẻ như cô gái 18. Bộ nhịp của chị Út so với cô Ba Kim Anh, cự ly cách biệt không nhiều. Chính nhờ giọng ca bi, cộng hưởng đường nét diễn xuất nhuần nhuyễn công phu, chị Út là nghệ sĩ cải lương thu dĩa đạt kỷ lục nhiều nhất từ xưa đến nay. Hôm nay chương trình của công ty truyền thông POPS thực hiện rất kịp thời để lưu lại những giá trị của âm nhạc cải lương thông qua bài ca cổ để đời”.
NSƯT Út Bạch Lan đã nhắc đến cố NS Hữu Phước (thân sinh của ca sĩ Hương Lan, Hương Thanh) khi cô nhấn mạnh “anh có làn hơi quá độc đáo đến trác tuyệt. Làn giọng nam trầm, chất giọng không tốt như Út Trà Ôn, không sang trọng như Thành Được, song thảm hơn, thẩm thấu hơn. Bộ nhịp của anh vững chắc cỡ nào có thể khỏi bàn luận, muốn ước lượng cứ mở máy hát dĩa bất cứ bộ nào, nghe anh ca, anh dồn ca từ chạy đua tốc độ với cung đàn và về đích song lang cái “cốp” chính xác, đích đáng; mới biết thực lực của anh cao sâu khôn lường”.
Có thể nói, cũng như các danh ca nổi tiếng khác, NS Hữu Phước có nhiều hậu duệ ca theo trường phái của ông, có thể kể: Hoài Vĩnh Phúc, Hà Bửu Tân, Đức Lợi ... NS Hữu Phước có cách nhả chữ rất điêu luyện, tốc độ thần sầu tạo sự da diết cho người nghe.
Suốt cuộc đời sự nghiệp nghệ thuật, 5 nghệ sĩ mà bài viết này đề cập đã được chào đón thu băng, quay video một cách trọng thị, ân cần với thù lao rất cao. Họ là vốn quý của âm nhạc cải lương và là khuôn mẫu cho thế hệ nghệ sĩ sau này noi theo trong ca diễn.
Bình luận (0)