TIỂU SỬ: Trần Dưỡng sinh năm 1940, tại Duy Xuyên, Quảng Nam. Mười tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải đi ở chăn trâu cho chủ. Mười ba tuổi được giác ngộ làm giao liên cho cách mạng. Mười chín tuổi vào chiến khu làm trinh sát. Hai mươi lăm tuổi được tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”. Ba mươi tuổi làm tiểu đoàn trưởng. Ba mươi chín tuổi làm Phó Phòng Quân báo Quân khu 5. Bốn mươi tư tuổi nghỉ hưu.
Gặp lại anh hùng Trần Dưỡng trên đất Quảng.- Tôi trở lại Quảng Nam - Đà Nẵng sau gần 30 năm xa cách. Mảnh đất yêu thương này đã gắn bó với một thời trai trẻ của tôi, một thời hào hùng của dân tộc. Mảnh đất ấy đã gánh chịu biết bao đau thương và cũng rất đỗi anh hùng. Tôi nhớ, đầu năm 1974 khi mặt trận Quảng Đà chuẩn bị cho những trận đánh lớn, chúng tôi được điều động từ một đơn vị trinh sát của Bộ Tổng Tham mưu về tăng cường cho mặt trận này. Ở đó chúng tôi cùng công tác với một đơn vị trinh sát địa phương. Chính lúc đó tôi gặp một con người mà sau này để lại trong tôi rất nhiều ấn tượng: Anh hùng Trần Dưỡng.
Cuối năm trời trở lạnh. Từng ngọn gió sông Hàn thổi nhẹ như muốn lật giở từng mảnh ký ức trong tôi. Tôi nhớ đến anh - người anh cả của cánh lính trinh sát nổi danh một thời ở chiến trường Quảng Đà. Lúc đó chúng tôi xem anh là thần tượng, một chiến sĩ trinh sát xuất quỷ nhập thần. Được chiến đấu bên anh đã là một niềm vinh dự lớn. Rất tiếc đến cuối năm 1974, chúng tôi lại phải rời Quảng Đà để vào Quân khu 7. Tôi không gặp anh từ ấy. Nhưng trên mỗi chặng đường chiến đấu của mình, tôi luôn nhớ đến anh, xem anh như một tấm gương hoàn hảo của những người lính trinh sát.
Anh hùng Trần Dưỡng bây giờ ra sao? Ý nghĩ đó thôi thúc tôi đến tìm anh. Anh Trần Hân, một đồng nghiệp tại Đà Nẵng, nhận lời sẽ giúp tôi tìm kiếm địa chỉ anh Trần Dưỡng. Hân đưa tôi quẹo vô một con hẻm nhỏ ở đường Hoàng Hoa Thám. Đến trước một căn nhà nhỏ, cấp bốn, điện trong nhà hơi bị tù mù, Hân kêu cửa. Anh hùng Trần Dưỡng bước ra, anh vẫn nhỏ nhắn, ôm ốm như ngày nào. Nhận ra người quen, anh vui mừng bắt tay thật chặt, cái bắt tay ấm áp tình đồng đội.
Một thắng bốn mươi.- Anh hùng Trần Dưỡng nay đã là ông già ngoại lục tuần, nhưng vẫn hoạt bát vui vẻ như ngày nào. Ngồi hàn huyên bên bàn trà, những kỷ niệm đời lính hiện lên rõ mồn một. Tôi giờ cũng đã quá nửa đời người, vẫn thích ông kể những chiến công thời trai trẻ hào hùng ấy. Trận đánh mà ông tâm đắc nhất là vào năm 1963 tại xã Lộc Quý (Đại Lộc, Quảng Nam). Lúc đó chính quyền Sài Gòn tổ chức bầu cử toàn miền Nam. Để bảo vệ cho ngày bầu cử tại Lộc Quý, địch huy động một trung đội dân vệ của xã, quận và tỉnh điều động thêm một trung đội tổng đoàn, một trung đội bảo an và một toán cảnh sát. Toàn bộ lực lượng địch có khoảng trên 120 tay súng.
Một tổ chiến đấu gồm ba trinh sát trẻ (Trần Dưỡng, Trần Tum và Nguyễn Tú) nhận nhiệm vụ phá tan cuộc bầu cử, tiêu diệt ác ôn, để khơi dậy phong trào đấu tranh của đồng bào. Mỗi người mang theo một súng AK báng xếp, 150 viên đạn, sáu trái lựu đạn và một dao găm. Một giờ đêm các anh đột nhập vô trụ sở xã Lộc Quý. Mặc dù lính canh nghiêm ngặt, bằng ngón nghề trinh sát, Trần Dưỡng và Trần Tum chui gọn vô tủ đựng hồ sơ. Nguyễn Tú núp mình ở giữa một bụi tre ngoài cổng. Các anh chờ đợi giờ quyết chiến một chọi bốn mươi với kẻ địch vào sáng mai.
Bảy giờ sáng, lính xua dân đến tập trung đông nghẹt tại sân trụ sở xã. Khi tên xã trưởng vừa cất tiếng đọc lời khai mạc, thời cơ đã đến. Nhanh như con sóc, Trần Dưỡng, Trần Tum lao ra từ hai tủ hồ sơ. Ngay loạt đạn đầu tiên các anh hạ luôn tên xã trưởng ác ôn và hai tên cảnh sát đứng hai bên. Bị tấn công bất ngờ, trên 120 tay súng của địch không kịp phản ứng. Chúng dạt ra ngoài, triển khai đội hình bao vây. Nguyễn Tú từ gốc tre, bắn xối xả vào đội hình địch. Trần Dưỡng và Trần Tum gom vội mớ tài liệu rồi lẩn nhanh vào đám đông thoát ra khỏi trụ sở xã. Địch bao vây và bắn chặn hết các đường rút lui. Khi dân chúng giải tán, chúng bắn như vãi đạn nhằm tiêu diệt tổ trinh sát. Các anh lợi dụng những lũy tre, những luống khoai mì, xuất quỷ nhập thần vừa tiêu diệt địch, vừa hỗ trợ nhau rút lui. Phải mất hơn một tiếng đồng hồ, cả tổ trinh sát mới thoát khỏi vòng vây của địch. Trên bốn chục tên lính bị tiêu diệt, một số khác bị thương. Hàng trăm người dân dự lễ đều an toàn. Các anh thu được 6 khẩu súng cá nhân, một số tài liệu. Trận đánh thắng lợi hơn cả dự định ban đầu.
Nguyên tắc “hai không”.- Khi tôi ở Quảng Nam - Đà Nẵng, anh Trần Dưỡng lúc đó 34 tuổi, đại úy, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 32 trinh sát Quân khu 5. Chiến trường năm đó ác liệt quá. Pháo của địch bắn đì đùng suốt ngày đêm. Xung quanh đồn bốt địch, chỗ nào cũng có mìn. Thám báo, biệt kích địch nhan nhản khắp nơi. Với nguyên tắc của lính trinh sát, mỗi khi gặp chúng, bọn tôi phải “biến” cho lẹ để đảm bảo bí mật cho chiến dịch. Cứ có dịp là chúng tôi tranh thủ học hỏi kinh nghiệm của các bậc đàn anh.
Trong một đêm đi công tác ở quận lỵ Thượng Đức, tôi hỏi anh Xiển, một trinh sát kỳ cựu của C3 quân báo tỉnh Quảng Đà: “Vùng này nguy hiểm quá, các anh đi trinh sát liên tục, sao vẫn an toàn trong nhiều năm?”. Tưởng được nghe những kinh nghiệm nghiệp vụ, ai dè sư phụ “huấn thị”: “Ở chiến trường này, thằng nào gan lì thằng đó thắng. Còn muốn không bị toi mạng thì phải nhớ nguyên tắc “hai không”. Thứ nhất, đi trận gặp vàng không được lượm. Thứ hai, trước khi đi trận, gặp gái không được đụng đến”. Tôi mắc cười quá, không hãm được. Xiển dùng hai tay bịt chặt miệng tôi, anh nghiêm mặt nói tiếp: “Tao đâu có giỡn, quân của Trần Dưỡng đều tuân thủ nguyên tắc “hai không” nên thằng nào cũng khỏe re”. Thấy Xiển nói nghiêm quá, tôi nhẹ nhàng: “Thằng Vang, thằng Phi nó cũng “hai không” đấy chứ, sao hôm rồi tụi nó phải nằm lại ở cao điểm 1062?”. “Chiến tranh làm sao tránh khỏi mất mát” - Xiển giải thích.
Sau này tôi được biết nguyên tắc “hai không” được truyền miệng nhau, đó là một cách nhắc nhở các chiến sĩ trẻ tập trung cho nhiệm vụ. Anh hùng Trần Dưỡng là người thực hiện gương mẫu nhất. Cho tới sau ngày hòa bình một năm, gần bốn chục tuổi anh mới “dám” lấy vợ. Tôi và một số bạn bè, khi đã chuyển vào Phòng Quân báo Quân khu 7 vẫn mang theo nguyên tắc “hai không” cho đến hết cuộc chiến.
Đi giữa đời thường.- Do điều kiện sức khỏe, anh hùng Trần Dưỡng nghỉ hưu khá sớm, năm 1984. Khi đó anh 44 tuổi, Phó Phòng Quân báo Quân khu 5, vừa được phong cấp hàm trung tá. Sau khi bị cắt bớt một phần bao tử, một đoạn ruột, Trần Dưỡng yếu đi nhiều. Mỗi ngày anh phải ăn thành sáu bữa.
Lúc anh nhận quyết định nghỉ hưu, hai con đang còn nhỏ. Vợ anh, một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Lương hưu và phụ cấp anh hùng năm đó rất “khiêm tốn”, thế là lại phải vật lộn với bao khó khăn của bệnh tật và cuộc sống đời thường. Anh ít có điều kiện học hành, nên đã “làm đủ mọi nghề để nuôi con ăn học”. Ban đầu anh xin được chân giữ xe tại rạp chiếu bóng Lê Độ, Công Nhân. Rạp ế ẩm, vắng khách, anh chuyển qua chạy xe đạp lôi. Hàng ngày anh đạp xe đến nhà máy nước đá, mua đá cây về bán lại cho các quán giải khát, các nhà hàng. Sau, sức đã yếu, kham không nổi nữa, anh chuyển qua bán bánh mì... Đi giữa đời thường, người anh hùng ấy vẫn rất anh hùng, vượt qua mọi khó khăn để sống một cuộc sống đàng hoàng, thanh cao như bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ. Không phụ lòng cha, con trai đầu của anh, Trần Lương Dũng đã tốt nghiệp đại học, hiện công tác tại Sở Tài chính - Vật giá Đà Nẵng. Con gái út Trần Thị Mai Lan đang học năm thứ hai Cao đẳng Sư phạm.
Khi chia tay với tôi, anh hùng Trần Dưỡng nắm lấy tay tôi, gởi gắm điều trăn trở: “Tôi mới về thăm lại các vùng căn cứ cũ. Trước đây trong chiến tranh gian khổ ác liệt, bà con đùm bọc giúp đỡ chúng ta. Nay, đời sống của bà con vẫn thiếu thốn, cực khổ lắm”. Tôi hiểu nỗi niềm trăn trở của anh. Đó là nỗi niềm của người lính già đầy nghĩa tình, thủy chung son sắt...
Bình luận (0)