xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vẫn hát cho dân tôi nghe

Cát Vũ

Họ là những sinh viên đến giảng đường để trở thành kỹ sư, giáo sư nhưng lòng yêu nước đã trao vào tay họ cây đàn. Một thế hệ thanh niên đã theo tiếng hát của họ mà đứng lên...

"Hát cho dân tôi nghe", tiếng hát tung cờ ngày nào. Hát qua đêm thiên thu lửa cháy lên trại giặc thù. Hát âm u trong đêm muôn cánh tay đang dậy lên. Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang. Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang...”.

Miệng hát, tay vỗ, đôi mắt rực sáng ý chí đấu tranh, kêu gọi đồng bào cùng đứng lên quyết giành lại dòng sông, giành lại thành phố, giành lại quê hương. Từ buổi lửa trại nhỏ cho đến những đêm văn nghệ lớn, từ vài chục, vài trăm cho đến hàng ngàn sinh viên -học sinh tuổi mười tám đôi mươi ở các đô thị miền Nam trong vùng bị tạm chiếm đã nhờ những ca khúc “hát cho dân tôi nghe...” như vậy mà tìm đến nhau, mà nắm tay nhau cùng xuống đường đấu tranh, giành lại hòa bình, độc lập cho đất nước, bất chấp lựu đạn cay, dùi cui, ma trắc của cảnh sát luôn chực chờ dội xuống đầu, bất chấp những chiếc còng sắt, những cánh cửa nhà tù hăm he khóa chặt tuổi xuân.

Họ - những nhạc sĩ trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” - ngày ấy cũng là những sinh viên. Như bạn bè cùng trang lứa, họ vào trường đại học với mục đích trở thành người trí thức, mong có trong tay những học vị để sống một cuộc đời công thành danh toại. Thế nhưng, ý thức được nỗi nhục của người dân mất nước, họ đành phải quên đi lợi ích riêng của bản thân. Trước nhiều ngả đường, họ chọn lý tưởng đấu tranh như mục tiêu hàng đầu cho cuộc sống. Nhóm của họ chỉ trên dưới mươi - mười lăm người và điều đặc biệt là không ai trong họ trước đó chọn âm nhạc làm nghề nghiệp. Họ theo học ở các trường y khoa, văn khoa, khoa học,... và chỉ muốn dùng âm nhạc như một vũ khí để đấu tranh. Khi cuộc đấu tranh đi đến toàn thắng với ngày 30-4-1975 lịch sử, khi mà những câu hát (như lời tiên tri) của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt - một thành viên trong nhóm - trở thành hiện thực: “Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng rủ nhau về làng xưa...” thì họ cũng chia tay nhau, mỗi người một con đường, thực hiện ước muốn thời tranh đấu “khi đất nước thanh bình dựng xây quê hương...”.

Từ bất đắc dĩ trở thành chuyên nghiệp

Không có một cuộc bầu chọn nào, song trước sau, Tôn Thất Lập, người đề xướng ra phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” năm 1969, luôn được coi là “lãnh tụ”, mặc dù trước đó, từ năm 1966, Đoàn Văn nghệ sinh viên - học sinh thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã được thành lập do sinh viên y khoa Trương Thìn làm trưởng đoàn và đã phổ biến những tập ca khúc phản chiến như Hát từ đồng hoang (Miên Đức Thắng),... Tôn Thất Lập lúc ấy đang là sinh viên văn khoa, chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác. Anh là một trong số những người có nhiều ca khúc được “dân phong trào” hát nhất, từ Người đợi người, đến Hát trong tù, đến Đồng lúa reo và nhất là Hát cho dân tôi nghe được dùng làm tên gọi chính thức của phong trào... Năm 1973, anh được đưa ra Bắc rồi đi Pháp, Canada tham gia vào đoàn trí thức của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN kêu gọi bạn bè thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Tháng 8-1975, anh về lại TPHCM, làm công tác quản lý tại Nhà Nghệ thuật quần chúng, rồi Công ty Biểu diễn TP. Sau khi về hưu anh chuyên trách công tác hội và hiện là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TPHCM. Trong 30 năm qua, tuy khá bận rộn với công việc quản lý, nhạc sĩ Tôn Thất Lập vẫn có thêm những ca khúc được người nghe yêu thích như Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Tình ca mùa Xuân... Bao năm qua, anh vẫn là một người điềm đạm, tinh tế, nhân hậu trong quan hệ đối xử nên luôn là chỗ dựa tin cậy của bạn bè, những người chung quanh.

Ban ngày đi học mà phải học giỏi để đừng thi rớt phải bị động viên vào lính. Ban đêm, thức để sáng tác ca khúc đáp ứng cấp thời cho phong trào đang “đói” bài hát. Mỗi tối ngủ một nơi để đánh lạc hướng theo dõi của cảnh sát. Và họ là những “nghệ sĩ” luôn đàn hát trước họng súng, lựu đạn cay của chế độ cầm quyền.

Nhưng người càng viết càng hay là Trần Long Ẩn. Ngày ấy, anh cũng là sinh viên văn khoa với ước muốn trở thành một nhà giáo dạy văn. Từ quê hương Bình Định vào Sài Gòn học, anh đến với cách mạng một phần vì truyền thống gia đình, phần khác vì bạn bè và không khí sục sôi đấu tranh. Những bài hát của anh, khi thì thúc giục mạnh mẽ “Mau đứng vùng lên hỡi đồng bào ta ơi!” (Hát trên đường tranh đấu), lúc là những giai điệu trầm lắng gợi nhiều suy tư như Người mẹ Bàn cờ, Hoa lục bình, Người cha bến tàu. Năm 1973, anh ra Bắc theo học sáng tác ở Nhạc viện Hà Nội. Trở lại Sài Gòn ngay trong những ngày đầu giải phóng, anh viết Sài Gòn từ một sớm ba mươi theo thể hành khúc và liền đó, Tình đất đỏ miền Đông với giai điệu dân ca Nam Bộ cùng với tiếng hát của Lê Hành đã đưa tên tuổi Trần Long Ẩn lên hàng những nhạc sĩ trẻ được yêu thích nhất. Ba mươi năm qua, dù đảm nhận một số công việc mang tính “công chức”, song việc chính của anh vẫn là sáng tác. Anh đi khắp nước và cũng viết bài hát cho nhiều địa phương: Đàn sáo Hậu Giang, Người Hậu Giang, Bảy người con Châu Đức, Nghĩ về những con đường (Bà Rịa-Vũng Tàu), Đêm thành phố đầy sao (Biên Hòa), Đường Hồ Chí Minh – con đường thân yêu, Dưới mái nhà Đắk Nông, Bài ca tuổi trẻ Đồng Nai... và những bài hát viết cho riêng mình: Một đời người một rừng cây, Đi qua vùng cỏ non, Lá thư ngày Tết, Mừng tuổi mẹ, Người từ phương xa về,... Những ca khúc của Trần Long Ẩn dễ đi vào lòng người bởi sự đa dạng trong giai điệu và đầy ắp chất suy tư. Nhưng anh là một người sống lạc quan, rất duyên dáng trong cách kể chuyện hài hước. Ngày xưa, anh viết: “Còn một ngày ta vẫn còn tranh đấu. Súng đạn kia không làm ta nao núng” (Hát trên đường tranh đấu) nên bây giờ nụ cười của anh vẫn thật rạng rỡ. Anh nói: “Còn hạnh phúc nào lớn lao hơn hạnh phúc khi đất nước độc lập”. Tôn Thất Lập và Trần Long Ẩn là hai nhạc sĩ của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng hai.

Tiếng hát át... nỗi sợ

Nguyễn Văn Sanh và Trần Xuân Tiến là hai nhạc sĩ có chất giọng được mệnh danh là “sấm rền” của phong trào. Mỗi lần tiết mục múa Tiếng trống hào hùng chuẩn bị mở màn, người xem như “nổi da gà” khi nghe một giọng hát thật trầm đầy, mạnh mẽ “rền” vang: “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển...”. Ngày ấy, chàng sinh viên đại học khoa học Nguyễn Văn Sanh đã “gan cùng mình” khi viết: “Tình Bắc Nam ta như trời biển bao la... Dù Bắc Nam xa nhưng lòng người đâu xa...” (Tình nghĩa Bắc Nam). Khi Nguyễn Văn Sanh ra Bắc năm 1973, Trần Xuân Tiến, sinh viên văn khoa, đảm nhận thay việc lĩnh xướng cho bài múa Tiếng trống hào hùng. Lạ thay, giọng hát của hai người ca sĩ bất đắc dĩ này rất giống nhau, khó phân biệt được. Mới đây, tại sân khấu nhạc nước Đầm Sen trong đêm 24-4 vừa qua kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng tiếng hát của Trần Xuân Tiến cho tiết mục này vẫn như không hề yếu đi theo thời gian. Sau năm 1975, Trần Xuân Tiến vào học tại Nhạc viện TPHCM, trải qua nhiều cương vị khác nhau và bây giờ anh hiện là Trưởng Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Còn nhạc sĩ Nguyễn Văn Sanh, ba mươi năm qua vẫn làm công tác quản lý văn hóa quần chúng và hiện là Giám đốc Trung tâm Văn hóa TPHCM. So với các “đồng nghiệp” trong phong trào, thời gian qua, hai nhạc sĩ này dành thời gian cho công việc quản lý nhiều hơn sáng tác.

Xuất thân từ Đại học Vạn Hạnh, Nguyễn Nam, em út của nhóm nhạc sĩ phong trào, được biết đến với bài Trên dòng sông lịch sử, Thư gửi người em gái Sài Gòn. Anh trở nên nổi tiếng vì dám ôm guitar hát Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương) tại đại giảng đường y khoa Sài Gòn năm 1972. Hát xong, anh bị cảnh sát rượt và phải leo lên chiếc Honda 67 của biên đạo múa Tùng Linh chạy trốn. Hành động dũng cảm này của anh chẳng những không được khen mà còn bị khiển trách vì đã làm “lộ” bí mật của phong trào. Với trách nhiệm của một trưởng phòng ca nhạc Đài Truyền hình TPHCM, nhiều năm qua Nguyễn Nam đã góp phần tạo nên sự sinh động, đa dạng cho các chương trình ca nhạc trên màn ảnh nhỏ, đồng thời là một trong những người khai sinh ra cuộc thi Tiếng hát Truyền hình (HTV), mở đầu cho phong trào tìm kiếm gương mặt ca sĩ truyền hình trong cả nước. Nhưng thời gian qua, người nhạc sĩ em út không chỉ dừng ở đó mà còn tỏ ra “lên tay” trong sáng tác với những ca khúc được yêu thích như: Xa rồi mùa đông, Dịu dàng sắc xuân, Tình ca cho em, Dòng sông và tiếng hát và một bài hát thiếu nhi khá nổi tiếng vào thập niên 70 – 80 là Bay cao tiếng hát thiếu nhi.

Về những người đi xa

Hầu hết những nhạc sĩ phong trào thuở ấy, sau ngày giải phóng đều trở về Sài Gòn, nơi đã gắn bó một thời đấu tranh sôi nổi của họ. Duy chỉ La Hữu Vang lặng lẽ trở về quê cũ – huyện An Nhơn, Bình Định - để sinh sống. “Ôi Tổ quốc ta đã nghe lời réo gọi, trong tiếng hờn trong máu lửa ngập trời...” (Tổ quốc ơi, ta đã nghe!). “Không ai ngăn nổi lời ca, lời ca mãi muôn đời, lời ca yêu mến người...” (Không ai ngăn nổi lời ca). Những ca khúc trên của La Hữu Vang được xem là những bài hát hay nhất trong các nhạc phẩm phong trào. Giai điệu vừa mang nỗi buồn thiết tha của người dân mất nước vừa gợi lên chất hào hùng của niềm khát khao được hiến dâng cho Tổ quốc. Anh là nhạc sĩ phong trào duy nhất dùng bút danh.

Tên thật của anh là Trần Đình Giác. Khác với các “đồng nghiệp” thuở ấy hầu hết còn độc thân, La Hữu Vang khi vào Sài Gòn học đã để ở quê nhà một vợ, sáu con. Anh cũng là người duy nhất trong nhóm theo học Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. “Chỉ vì thích phong trào quá” mà dẫu đang trốn lính, thỉnh thoảng anh cũng ôm đàn nhào lên sân khấu hát.

Trước giải phóng vài năm, vì trách nhiệm với gia đình, anh phải làm giấy tờ giả, khai tăng tuổi, về quê dạy học. Nhạc sĩ La Hữu Vang hiện đã nghỉ hưu sau nhiều năm làm giám đốc Nhà văn hóa huyện An Nhơn và có nhiều sáng tác được phổ biến trên Đài Tiếng nói VN như Âm vang tiếng trống quê hương (ca sĩ Đức Lân), Tháng bảy và những cơn mưa (Tấn Minh), Những con đường quê ta đó (NSND Thanh Hoa).

Nhưng người đã thật sự đi xa là Trương Quốc Khánh. Anh học văn khoa, viết cả thảy chín ca khúc cho phong trào (Dành cho má một ngày, Hát trong làn khói đạn,...) trong đó, nổi tiếng nhất là bài Tự nguyện. Năm 1973, anh ra Bắc theo học trường viết văn Nguyễn Du và khi về TPHCM sau giải phóng, anh chuyển sang lĩnh vực sân khấu, là tác giả của khoảng 10 vở kịch, trong đó có những vở được biết đến như Giũ áo bụi đời, Ông già vợ mê bóng đá, Nụ hôn có vị mặn của biển,... Anh bị bạo bệnh và mất vào tháng 6-1999.

Buổi tối cuối cùng, chia tay anh, anh em phong trào sinh viên - học sinh ở các đô thị miền Nam xưa đã tụ về thức suốt đêm, hát lại những bài hát đấu tranh. Lúc tiễn anh đi, bạn bè đã thả một đàn bồ câu trắng như ước nguyện của anh – “Nếu là chim tôi sẽ là loài bồ câu trắng” (Tự nguyện). Có một chú bồ câu bay quanh quẩn rồi đậu trên quan tài, đứng như vậy suốt từ nơi lễ tang, số 81 Trần Quốc Thảo (Q.3-TPHCM) cho đến nghĩa trang. Lúc đặt thi hài anh xuống mồ, chú chim vẫn không chịu bay đi. Người nhà đã đưa chim về nuôi và nó đã rũ ra chết vào đúng thời điểm 49 ngày anh mất. Trong đêm văn nghệ tối 24-4 vừa qua tại Đầm Sen, ca khúc Tự nguyện của anh cùng với bài múa Cánh chim hòa bình khi xưa được tái hiện, vẫn tha thiết, trung trinh một tấm lòng với nước non: “Nếu là người tôi sẽ chết cho quê hương...”.

Đã ba mươi sáu năm, kể từ ngày nhóm nhạc sĩ “bất đắc dĩ” “Hát cho đồng bào tôi nghe” chính thức ra mắt, giữ vai trò xung kích trên mặt trận văn nghệ. Điều lý thú là từ bất đắc dĩ, tất cả họ đều đã trở thành những nhạc sĩ chuyên nghiệp, đóng góp nhiều tác phẩm xuất sắc cho âm nhạc nước nhà. Ngày nay, dù ở đâu, họ vẫn giữ cho nhau một tình bạn thủy chung và vẫn trung thành với ngọn lửa lý tưởng được đốt lên từ thuở đôi mươi. Cái thuở mà bây giờ nhớ lại, họ không khỏi tự hào vì đó là những năm tháng ý nghĩa và hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo