Hiệu ứng từ phim Cánh đồng bất tận đã chứng minh rằng sự cộng sinh giữa hai lĩnh vực đã tạo được một sức lan tỏa rộng lớn trong dư luận. Trong “cơn sốt” khán giả mà phim Cánh đồng bất tận tạo ra có sức ảnh hưởng của tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Và khi bộ phim Cánh đồng bất tận tạo tiếng vang lớn trên màn ảnh rộng thì tác phẩm văn học Cánh đồng bất tận cũng tạo nên một cơn sốt mới. Hơn 5.000 bản sách đã được bán ra và hiện các nhà sách cũng không còn quyển nào để phục vụ nhu cầu của độc giả.
NXB Trẻ cho biết sẽ sớm tái bản tác phẩm này với một hình thức mới, đẹp và trang trọng hơn. Tính từ lần xuất bản đầu tiên vào năm 2005 đến nay, Cánh đồng bất tận đã in thêm đến 24 lần, với số sách tiêu thụ trên 108.000 bản sách, trở thành tác phẩm bán chạy nhất Việt Nam trong nhiều năm qua.
Kho chất liệu vàng
Văn học luôn là cái kho vô tận và là nền tảng vững chắc cho các nhà làm điện ảnh có chất liệu tốt để chuyển thể. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng đã chọn tác phẩm Tâm hồn mẹ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chuyển thể thành kịch bản cho bộ phim điện ảnh Hồn mẹ đang trên trường quay.
Những câu chuyện trong chùm phim Ngọc Viễn Đông của đạo diễn Việt kiều Cường Ngô xuất phát từ những tác phẩm văn học của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Tác phẩm Mưa ở kiếp sau của nhà văn Đoàn Minh Phượng đang trong “tầm ngắm” của các nhà làm phim.
Đã có những “cuộc tựa lưng” rất thành công, cái nền vững chắc của văn học đã cho ra những bộ phim có sức sống vượt thời gian và ngôn ngữ điện ảnh cũng đã góp phần tôn vinh văn học.
Dòng phim nghệ thuật những năm qua đã ghi dấu những tác phẩm: Mê Thảo- thời vang bóng, Chuyện của Pao, Thời xa vắng, Mùa len trâu, Đừng đốt, Trăng nơi đáy giếng... Phim truyền hình có Đất phương Nam, Dưới cờ đại nghĩa, Lục Vân Tiên, Kính vạn hoa...
Sự cộng hưởng giữa điện ảnh và văn học luôn tạo ra những giá trị tích cực cho cả hai.
Trong ảnh: Cảnh trong phim Cocktail cho tình yêu. Ảnh: QUỐC HUY
Các nhà làm phim truyền hình luôn dành ưu tiên hàng đầu cho kịch bản chuyển thể từ văn học. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cho biết: “Chúng tôi chủ trương không mua kịch bản phim nước ngoài khi vẫn có rất nhiều đề tài trong nước chưa khai thác hết.
Sóng Vàng vẫn làm phim song song giữa kịch bản phim thuần chất và kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học. Bộ phim Chuyện tình mùa thu có thể được xem là một phim chuyển thể khá thành công của công ty”. Hãng MT&Pictures cũng cho biết đang tìm kiếm và sẵn sàng thực hiện những kịch bản phim chuyển thể từ văn học.
Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng nhìn nhận: “Dù không phải tác phẩm nào cũng có thể khai thác thành phim ảnh nhưng chúng ta có một nguồn đề tài vô cùng phong phú từ văn học và nên phát triển việc khai thác kịch bản phim từ văn học thành một xu hướng”.
Quảng bá cho nhau
Phim chuyển thể từ tác phẩm văn học bao giờ cũng phải gánh áp lực “so sánh” của khán giả - độc giả. Văn học đi trước, một khi đã tạo được dấu ấn sâu đậm thì độc giả luôn kỳ vọng và đòi hỏi sự hoàn hảo ở điện ảnh. Điện ảnh có thể bám sát, giữ nguyên nội dung tác phẩm văn học hoặc thêm thắt, hư cấu thêm nhiều tình tiết nhưng dù thế nào thì các nhà làm phim cũng không tránh khỏi sự so sánh khắt khe của công chúng.
Vì vậy, đã có những tranh cãi xung quanh bộ phim Cánh đồng bất tận, với những câu hỏi được đặt ra là phim ảnh nên bám sát hay thoát ra khỏi tác phẩm văn học? Liệu người đọc có dễ dàng chấp nhận văn học và phim ảnh là hai dòng chảy riêng biệt và mỗi một thể loại đều có những vai trò nhất định và thành công riêng?
Đạo diễn - biên kịch Nguyễn Quốc Hưng cho rằng: “Phim ảnh và văn học là hai thực thể khác nhau, có hai đời sống khác nhau. Chúng ta phải chấp nhận phim ảnh và văn học là hai dòng chảy riêng.
Có những thứ văn nói được nhưng phim thì không và ngược lại. Tuy nhiên, hai loại hình nghệ thuật này cũng có những liên đới, tác phẩm văn học nổi tiếng sẽ tạo sức hút cho điện ảnh và phim nổi tiếng cũng sẽ tạo sức sống cho tác phẩm văn học. Nếu bộ phim thất bại thì tác phẩm văn học vẫn được yêu thích và ngược lại. Có những tác phẩm văn học không đến được với công chúng trước đó nhưng có khi phim lại làm cho tác phẩm được công chúng biết đến nhiều hơn”.
Điện ảnh cũng hoàn toàn có thể “mở đường” cho văn học. Đã có những cuộc “lội ngược dòng” của tác phẩm văn học từ hiệu ứng phim, thậm chí khai sinh tác phẩm văn học sau khi phim lên sóng, như các tựa sách: Công ty, Bước chân hoàn vũ, Nhất quỷ nhì ma ra đời sau khi phim được công chiếu. Sự cộng hưởng này luôn tạo ra những giá trị tích cực cho cả hai lĩnh vực.
Được mùa phim chuyển thể
Điện ảnh Việt trong năm qua đã ghi nhận một mùa phim đa dạng các tác phẩm chuyển thể từ văn học.
Phim điện ảnh có 2 tác phẩm đáng chú ý là Cánh đồng bất tận, kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Long thành cầm giả ca, phóng tác từ tác phẩm thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du.
Mảng phim truyền hình đa dạng hơn ở các thể loại, Hãng phim TFS tiếp tục khai thác các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, như: Tại tôi, Khóc thầm; phim Lều chõng (chuyển từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố); phim Vó ngựa trời Nam (từ Thi tướng rừng xanh của nhà văn Nguyên Hùng).
Các tác phẩm văn học đương đại cũng đã có cơ hội thành phim, như: Phía cuối cầu vồng (từ truyện Mắt bão của nhà văn Phan Hồn Nhiên), Cocktail cho tình yêu (Trần Thu Trang), Vịt kêu đồng (từ ký Những mảnh đời trôi dạt của nhà văn Trần Thôi), Chuyện tình mùa thu (từ tiểu thuyết Mùa thu hoa tím của nhà văn Hoàng Thu Dung)...
Sự sôi động này cũng cho thấy một xu hướng bền vững hơn cho sự hợp tác giữa điện ảnh và văn học. |
Bình luận (0)