Đặt ra vấn đề “Đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật hiện nay”, hội thảo khoa học toàn quốc do Hội đồng Lý luận phê bình trung ương tổ chức trong 2 ngày 11 và 12-11 tại TP HCM đã diễn ra “nóng bỏng” ngay từ những lời khai mạc.
Gióng tiếng chuông mạnh mẽ
Có quá nhiều vấn đề nhức nhối về đạo đức xã hội được đặt ra trong 84 bản tham luận, đến nổi không còn đủ số chữ để liệt kê thêm.
GS Phong Lê và nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa bức xúc vì thực trạng tràn lan trên vỉa hè những tựa sách giật gân, câu khách, rẻ tiền. Ca nhạc đầy rẫy ca khúc thảm họa, ca sĩ thảm họa. Điện ảnh trong khẳng định của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì chỉ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn không vì tiền và giai đoạn vì tiền. Đạo diễn cho rằng hồi trước làm không vì tiền nên có những tác phẩm tốt, bây giờ toàn là phim nhảm. Ông nói: “Nhìn vào phim nào cũng chỉ thấy bắt chước chứ làm gì có tiên tiến; kể cả các phim đoạt giải Bông sen vàng cũng chẳng thấy yếu tố bản sắc dân tộc ở đâu, chỉ thấy lai căng, thương mại”.
“Chúng ta đã chấp nhận sự tồn tại của một dòng kịch xộc xệch, nghiệp dư với những tác phẩm có nội dung “tào lao” được cấp phép biểu diễn như đề tài ma quỷ, đồng tính. Và trách nhiệm chấn chỉnh nó có lẽ sẽ còn lâu lắm khi doanh thu vẫn là điều kiện quyết định” - NSƯT Quế Trân bức xúc.
NSND Trà Giang cho rằng: “Văn học nghệ thuật hôm nay chưa tự đặt mình trước cuộc đấu tranh quyết liệt với những hiện tượng tiêu cực nhức nhối”.
Theo NSND Phạm Thị Thành, lẽ ra, xã hội đang có nhiều vấn đề bức xúc như vậy thì văn nghệ sĩ có chất liệu sáng tác, phản ánh hiện thực những bức xúc của xã hội, thể hiện nỗi bất bình của người dân trước tình trạng sa sút về nhân phẩm, đạo đức trong xã hội. Thế nhưng, thực trạng nóng bỏng lại thiếu hẳn trên sân khấu nói riêng văn học nghệ thuật nói chung.
NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng phân tích thêm về hiện trạng đạo đức trong con người làm nghệ thuật đang bị đánh mất. Người làm nghệ thuật ngày nay đã quen dần với khái niệm “cò văn hóa”, trong đó có khá đông văn nghệ sĩ, lợi dụng việc tổ chức biểu diễn để trục lợi.
Nhìn nhận ở góc độ tác động của giải trí truyền thông, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lên tiếng phê phán những chương trình truyền hình, tưởng chừng có vai trò định hướng tốt đẹp cho lối sống, phong cách của thanh thiếu niên nhưng nhiều khi lại gây ra những tác dụng ngược khi khai thác hình ảnh xa hoa, với những cách ăn mặc phục trang lòe lẹt hở hang, ứng xử phản cảm, đánh mất dần những nét đẹp văn hóa truyền thống của nghệ thuật Việt Nam.
Theo NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, sự lệch chuẩn thẩm mỹ trên màn ảnh nhỏ qua nhiều chương trình trực tiếp đã làm méo mó chức năng giáo dục của truyền thông. Ông cho rằng vài năm gần đây, khi các mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, công chúng tự nhiên hiển thị độ chênh nhất định về trình độ hưởng thụ văn hóa, thưởng thức nghệ thuật.
Đẩy lùi cái xấu bằng cái đẹp
Nhiều ý kiến đã cổ vũ những cuộc ra quân rất ấn tượng của sân khấu, điện ảnh, ca nhạc như: vở Tử hình (Sân khấu Kịch Sài Gòn), Vua thánh triều Lê (Sân khấu Kịch IDECAF), Phía sau tội ác (Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM)…; những bộ phim như: Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Ma làng… trên sóng truyền hình VTV... đã góp phần phê phán sự trì trệ, nạn tham nhũng, bè phái và những hành vi, thủ đoạn, mánh lới gây hại cho xã hội, được công chúng hưởng ứng. Tuy nhiên, quá ít để gọi là “điểm sáng” khi mặt bằng chung từ sân khấu, điện ảnh, đến ca nhạc đều bị cơn bão thương mại hóa cuốn phăng.
Phải chăng, việc khắc họa hình ảnh những con người dũng cảm chống lại cái xấu đang bị xem là ngược dòng? Hiện trạng văn học nghệ thuật đau lòng đó quy kết cho ai? “Cha chung không ai khóc, đa phần các môn nghệ thuật ở ta chưa có hành lang pháp lý, mà ngay cả khi đã có luật như điện ảnh chẳng hạn cũng vẫn bị “lách luật” thường xuyên, những gì luật không cấm thì cứ làm. Luật Điện ảnh có cấm người ta làm phim nhảm nhí, phim lai căng, phim thương mại đâu, mà xã hội bây giờ càng nhảm lại càng thu tiền” - đạo diễn Đặng Nhật Minh bức xúc.
Các ý kiến đều thống nhất cho rằng nhu cầu giải trí không xấu nhưng đừng hướng tất cả vào giải trí. Cũng như không được phép ném tất cả hiện thực xấu xa vào trong tác phẩm, không thể vừa phản ánh tội ác lại vừa đồng hành với tội ác, nhấn mạnh mảng màu đen để làm nó nổi bật lên chứ không phải để cả bức tranh tối thui. Cũng không thể đổ thừa cho kinh tế thị trường đã làm ra hiện trạng này bởi trên thế giới đã có quá nhiều quốc gia phát triển về kinh tế khẳng định vị thế văn hóa vững chắc. Hơn nữa, càng phát triển về kinh tế càng được đầu tư về văn hóa.
Cho nên, rất cần gióng lên những tiếng chuông mạnh mẽ về vấn đề đạo đức xã hội trong văn học nghệ thuật, chưa bao giờ cấp thiết hơn bây giờ. Sự tác động hai chiều giữa văn nghệ và cuộc sống được tất cả các nhà khoa học và học giả thống nhất rằng không gì đẩy lùi cái xấu bằng chính bản thân cái đẹp; đứng bên cạnh cái đẹp, cái xấu sẽ trở nên lố bịch, trơ trẽn và cô độc, thậm chí có thể chết yểu từ trong trứng.
Điều đáng quan tâm nhất của hội thảo là đề cao vai trò, sự tác động của văn học nghệ thuật trong việc xây dựng, cải tạo, dẫn hướng tâm hồn con người Việt Nam hôm nay để rồi tìm cách chấn chỉnh, chứ không đổ lỗi.
Đạo đức là nền tảng văn hóa xã hội
Ông Hà Đăng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương, khẳng định: “Nền văn hóa của dân tộc không thể thăng hoa nếu đạo đức xã hội suy đồi hay xuống cấp... Cho nên, sự lựa chọn của hội thảo này là đúng và trúng, đáp ứng được yêu cầu vừa cơ bản vừa cấp bách, bức xúc hiện nay”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định ông bị thu hút bởi đề tài lớn và đặt ra sâu sắc ở hội thảo này. Ông nói: “Ở đâu và khi nào thì đạo đức cũng là yêu cầu phải đặt lên hàng đầu. Khi nào chân - thiện - mỹ trở thành lối sống thì đạo đức chính là khao khát, là lẽ sống vươn tới, là chuẩn mực của xã hội”.
Kỳ tới: Cần chiến lược tầm quốc gia
Bình luận (0)